Treo giò nửa mùa giải và nộp phạt 20 triệu đồng là án phạt dành cho Nguyễn Văn Quân, cầu thủ Cần Thơ đá phạt thẳng về khung thành đội nhà. Quyết định kỷ luật được đưa ra rất nhanh chóng giữa rất nhiều những nghi ngờ của dư luận.
Hành động và phát ngôn của Ban kỷ luật VFF cũng như Ban tổ chức giải cho thấy nỗ lực loại bỏ mầm mống tiêu cực, làm trong sạch hình ảnh bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên cách mà những người phán xử đề cao tinh thần bóng đá sạch trong trường hợp này có vẻ chưa được hợp lý.
Video: Văn Quân trần tình về pha bóng gây tranh cãi (Nguồn: ON Sport)
Phán quyết thiếu thuyết phục
Ban kỷ luật VFF đương nhiên có căn cứ để xử lý Nguyễn Văn Quân như vậy. Điều này được nêu rất rõ trong quyết định kỷ luật chính thức cũng như lời giải thích sau đó trên báo chí của Trưởng ban Vũ Xuân Thành, người mới nhậm chức cuối năm ngoái.
Cơ sở của án phạt này là Điều 54 trong Quy định về kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, sửa đổi bổ sung năm 2018. Ban kỷ luật VFF đánh giá vụ việc theo khoản 2, dành cho trường hợp “xét thấy trận đấu có biểu hiện bị dàn xếp”. Hành vi của Nguyễn Văn Quân được coi là “thi đấu không đúng khả năng của mình mà không có lý do chính đáng”, theo điểm b của khoản này.
Quy định trên được tạo ra để ngăn chặn vấn nạn nhường điểm, những trận đấu “có mùi” nhưng khó có thể tìm được bằng chứng kết tội. Đây cũng là cách để những sự cố như trận Long An – TP.HCM cách đây hai mùa giải, khi một đội đứng im cho đối thủ ghi bàn để phản ứng trọng tài, không xảy ra.
Nhìn chung điều này nhằm đảm bảo các cầu thủ, đội bóng chơi hết mình trong các trận đấu. Tuy nhiên áp dụng vào trường hợp của Nguyễn Văn Quân có vẻ là cách xử lý khiên cưỡng và không đủ thuyết phục.
Nguyễn Văn Quân một mực khẳng định anh không tiêu cực và biện minh rằng đó chỉ là lỗi kỹ thuật. Điều đó tất nhiên không đảm bảo cầu thủ của đội Cần Thơ trong sạch, nhưng cũng khó mà chứng minh được rằng anh ta cố ý đá về lưới nhà. Đánh giá một động tác kỹ thuật (không phạm luật thi đấu) có vẻ không thuộc chuyên môn của Ban kỷ luật.
Dường như cái gọi là “thi đấu không đúng khả năng mà không có lý do chính đáng" đã bị lạm dụng, trở thành một căn cứ xử phạt không rõ ràng.
Cần phải nói thêm, pha bóng của Văn Quân không làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu, nên càng khó để lý giải cho án phạt của VFF.
Chống tiêu cực kiểu "làm màu"
Tình huống phản lưới của Nguyễn Văn Quân là một hành động ngớ ngẩn, từ cú đá cho đến phản ứng cho thấy việc không thuộc luật của cầu thủ này. Ở Việt Nam, tất cả những thứ ngớ ngẩn trên sân như vậy đều có thể bị dư luận gán cho hai từ “bán độ”.
Khán giả có quyền nghi ngờ động cơ của cầu thủ mắc sai lầm, nhất là với một tình huống thuộc loại hiếm có trong bóng đá. Người hâm mộ được phán xét theo cảm tính, nhưng họ không xử phạt ai cả.
Nếu một cầu thủ thi đấu dưới khả năng, chẳng quan trọng có lý do chính đáng hay không, đội bóng có thể phạt và không sử dụng anh ta. Đó là vấn đề chuyên môn kỹ thuật, chiến thuật và kỷ luật trong nội bộ.
Video: Pha bóng khiến cầu thủ Cần Thơ bị treo giò nửa mùa giải
Tuy nhiên những người làm luật và dùng luật không thể đứng ở những góc nhìn như vậy. Ban tổ chức giải và Ban kỷ luật đương nhiên không nói Nguyễn Văn Quân có tiêu cực khi cơ quan điều tra chưa kết luận. Dù vậy, cả hành động lẫn phát biểu của họ chẳng khác nào dẫn dắt dư luận theo hướng đó.
Người phán xử đã nhìn lệch về phía "có tội" ngay từ đầu. Dường như sức ép trong việc phải giữ gìn hình ảnh của nền bóng đá đã khiến cho những nhân vật nắm "quyền sinh, quyền sát" bị cuốn theo dòng dư luận, hoặc chính họ muốn như vậy.
Việc đề cao yếu tố vừa ý dư luận thay vì hợp tình, hợp lý của các quyết định kỷ luật vốn không lạ ở bóng đá Việt Nam. Bản thân quy định dùng để xử phạt Nguyễn Văn Quân cũng có những câu từ để phục vụ kiểu ra án này khi xếp cả "phản ứng khán giả" và "ý kiến công luận" vào "tư liệu chuyên môn".
Những nhà quản lý và điều hành sân chơi bóng đá tự đưa mình vào thế phải xử lý và không những thế còn phải phạt thật nặng. Đó cũng là cơ hội để vị Trưởng ban kỷ luật nhiệm kỳ mới thể hiện bàn tay cứng rắn của mình trong nỗ lực chống tiêu cực. Tuy nhiên, vì không thể xử tội tiêu cực khi chưa có kết quả điều tra, họ phải dựa trên một lý luận đầy cảm tính là "hành vi phản cảm".
Cách xử lý của Ban tổ chức giải và Ban kỷ luật có thể giúp họ ghi điểm trong việc giương cao ngọn cờ bóng đá sạch. Tuy nhiên về bản chất, người hâm mộ vẫn chưa thể biết được Nguyễn Văn Quân có tiêu cực hay không, trong khi đó mới là câu trả lời cần có để xua tan đi những nghi ngờ.
Đặt giả thiết cầu thủ Cần Thơ được chứng minh trong sạch, pha bóng của anh có còn phản cảm hay chỉ là một tình huống sai lầm ngớ ngẩn và hài hước như những bàn phản lưới khác?
“VFF đáng ra phải cân nhắc, xem xét trên nhiều góc độ để đưa ra án phạt hợp tình, hợp lý. Đằng này, họ phạt như người ta bán độ, như cú đá của Lã Xuân Thắng ngày xưa. Đây là điều bất công! Cách làm này khiến người ta nghĩ, VFF cố gắng để tất cả nhìn thấy mình nghiêm túc, kiên quyết chống tiêu cực nhưng thực ra lại đang gây bất bình, tạo sự không tin tưởng vào VFF nữa”, chuyên gia Vũ Mạnh Hải chia sẻ.
Bình luận