• Zalo

Xử lý tiêu cực, tham nhũng ở TP.HCM vẫn còn là 'giơ cao đánh khẽ'

Thời sựThứ Hai, 15/10/2018 07:08:00 +07:00Google News

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ tại chính nơi xảy ra sai phạm dường như lại “bó tay” trước các dấu hiệu tiêu cực, công tác đấu tranh với tham nhũng chưa hiệu quả, xử lý tiêu cực, tham nhũng vẫn còn là “giơ cao đánh khẽ”.

Ngày 14/10, UBND TP.HCM cho biết, dựa trên báo cáo tổng kết 9 tháng đầu năm về công tác Phòng chống tham nhũng cho thấy, hầu hết vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện, điều tra và xử lý là nhờ công tác thanh tra dựa trên đơn thư khiếu nại, tố cáo, hoặc phản ánh của báo chí.

Cụ thể, số đơn thư khiếu nại tố cáo dấu hiệu tham nhũng có đủ cơ sở để xử lý gần xấp xỉ 14% trên tổng số đơn thư nhận được (đã kỷ luật 9 người). Đáng chú ý, số vụ việc bị phản ánh qua báo chí có độ tin cậy tới 66% (đã kỷ luật 12 người).

Về xử lý qua khiếu nại, tố cáo, 27 người liên quan tới hành vi tham nhũng bị kỷ luật. Trong đó, 14 người bị khiển trách và cảnh cáo, 10 người bị giáng cấp bậc hàm và 3 trường hợp bị tước danh hiệu Công an Nhân dân.

dsc03609-1-0200447-1040036

Sau khi báo chí phản ánh, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ra quyết định xử phạt số tiền 45 triệu đồng đối với Công ty Nam Thị và buộc công ty này tháo dỡ toàn bộ phần công trình xây dựng vi phạm tại toà nhà La Bonita.

Trong khi đó, hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ tại chính nơi xảy ra sai phạm dường như lại “bó tay” trước các dấu hiệu tiêu cực, đều có “báo cáo” chưa phát hiện trường hợp nhũng nhiễu nào.

Theo đánh giá của UBND TP.HCM, đây là một trong những hạn chế đầu tiên về phát hiện và làm rõ hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, còn có các khúc mắc khác khiến công tác đấu tranh với tham nhũng chưa hiệu quả như: Xử lý vụ việc kéo dài, kết quả thu hồi tài sản chưa cao, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng chưa thường xuyên. Hình thức xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng vẫn còn là “giơ cao đánh khẽ”.

“Kết quả các cuộc thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm về quản lý đất đai, tài sản, vốn nhưng việc xác định vi phạm pháp luật để chuyến sang cơ quan điều tra còn ít. Những xử lý hành chính với các hành vi vi phạm chưa tương xứng với kết luận thanh tra”, báo cáo ghi rõ.

Trong số rất nhiều nguyên nhân khiến hiệu quả phòng chống tham nhũng bị hạn chế cũng có phần sơ hở của các quy định định pháp luật  (một số cơ chế, chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội còn sơ hở, chưa theo kịp thực tế) lẫn sự bất cập trong phối hợp giữa các tổ chức, đoàn thể để phòng chống tham nhũng.

Riêng tiến độ thực hiện điều tra các vụ án tham nhũng còn chậm do hầu hết trước đây là các vụ rất phức tạp, hành vi sai phạm đã xảy ra nhiều năm nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng điều tra viên còn “mỏng” và vẫn phải giải quyết các vụ án về tội phạm khác.

duclonggoldenland1467554854-1484554626-1159016 3

 UBND TP.HCM đã ký quyết định thanh tra toàn diện để làm rõ những sai phạm tại dự án Đức Long Golden Land của Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Vạn Gia Long làm chủ đầu tư sau khi báo chí phản ánh.

Đáng chú ý, chính cơ chế bảo vệ người đấu tranh với tham nhũng chưa cụ thể nên tâm lý cả người dân lẫn cán bộ công chức đều e ngại trong đấu tranh - tố cáo các hành vi này.

Tổng kết 9 tháng đầu năm 2018, TP.HCM đã có 213 cuộc thanh tra hành chính, với gần 1/4 trong đó là thanh tra đột xuất, phát hiện 90/238 đơn vị có sai phạm kinh tế 344 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi gần 181 tỷ đồng.

Hơn 200 tập thể và cá nhân đã bị xử lý hành chính; đồng thời, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ gồm: Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan tại dự án Trung tâm Thương mại và Xây dựng Thăng Long (Bảy Hiền Tower); Thanh tra liên ngành và toàn diện về quản lý và sử dụng đất tại Dự án Khu Dân cư Bắc Rạch Chiếc; Thanh tra 9 dự án phát triển mạng lưới cấp nước của CTCP Cấp nước Trung An - Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn