• Zalo

Xử lý nợ xấu, tái cơ cấu: Cấm dùng ngân hàng thao túng công ty sân sau

Kinh tếThứ Bảy, 22/07/2017 07:08:00 +07:00Google News

“Từng bước xóa bỏ tình trạng sở hữu, đầu tư chéo, sở hữu thao túng trong các tổ chức tín dụng, cấm dùng ngân hàng làm công cụ để thao túng công ty sân sau…”, đó là điểm nhấn trong Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt đi kèm với thực hiện nghị quyết về xử lý nợ xấu từ nay đến năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị ngành ngày 21/7, thay vì sơ kết như hội nghị thường niên các bộ ngành, hội nghị tập trung vào quán triệt đưa nghị quyết về xử lý nợ xấu vào thực hiện, đi kèm thực thi Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu khai mạc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng điểm nhanh kết quả 7 tháng qua gói gọn trong cụm từ “điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua “đúng” và “trúng”. Ông cũng công bố: “Đến tháng 7 này, dự trữ ngoại hối lên mức trên 42 tỷ USD”.

Với việc triển khai Nghị quyết 42, ông Lê Minh Hưng bày tỏ vì nghị quyết có nhiều điểm mới nên thời gian đầu thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Do đó, ngay sau hội nghị triển khai, đề nghị các ngân hàng cần quán triệt toàn hệ thống và có kế hoạch cụ thể về xử lý nợ xấu.

5a_GCND

Sắp tới, NHNN sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các TCTD về lãi suất. (Ảnh: Nhật Minh)

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết: Về xử lý trách nhiệm liên quan đến nợ xấu, Agribank hi vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa của pháp luật, hạn chế tình trạng chủ nợ bị bắt trước, con nợ bị bắt sau.

Ông Khánh khẳng định sẽ đem ngay tinh thần tại hội nghị này truyền đạt lại cho gần 300 cán bộ chủ chốt là giám đốc các chi nhánh toàn quốc và xây dựng chiến lược hành động triển khai “tắp lự”.

Theo ông Khánh, Agribank đã chuẩn bị 3 giải pháp xử lý nợ xấu của ngân hàng như: Miễn lãi suất phạt, miễn 100% lãi đọng và thậm chí cả cho vay hỗ trợ khách hàng khó khăn đã xử lý được qua rủi ro với con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Theo ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank, nếu tính trên tổng thể cả nền kinh tế, tổng số nợ xấu nội - ngoại bảng của cả ngành phải chiếm quy mô tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. “Nếu chúng ta giải quyết được số nợ xấu này, sẽ có hàng trăm nghìn tỷ đồng để đưa vào lĩnh vực sản xuất và hoạt động kinh tế”, ông Dũng nói.

Ông cũng so sánh để cho thấy, nếu trước đây, ngành ngân hàng cần một lượng lớn cán bộ hệ thống phải tập trung vào việc xử lý nợ, thì nay có nghị quyết và chỉ thị rồi, chắc chắn sẽ rút ngắn thời gian xử lý rất nhiều.

Đề xuất sớm thành lập công ty mua bán nợ, ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Đà Nẵng cho rằng, khó khăn vướng mắc về trình tự thủ tục của các cơ quan thi hành án còn phức tạp và nhiều. “Nghị quyết 42 là thành công lớn của ngành NH vào sự đóng góp xuyên suốt trong xử lý nợ xấu trong 5 năm tới. Chúng tôi đề nghị NHNN trao đổi thêm với Bộ Công an để có sự thống nhất, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương”, ông Minh đề xuất.

Cấm tài trợ công ty sân sau 

Chính thức công bố Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng phê duyệt (19/7),  đại diện cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết: Đề án hướng đến nâng cao năng lực quản trị, tăng vốn tự có, giảm số ngân hàng yếu kém. Tiến tới sẽ từng bước xử lý xoá bỏ tình trạng sở hữu, đầu tư chéo, sở hữu thao túng trong các tổ chức tín dụng. 

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, NHNN đã đưa vào nhiều chế tài rất nghiêm khắc và sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chế tài để xử lý hành vi dùng ngân hàng làm công cụ thao túng cho công ty sân sau, cho lợi ích nhóm. “Nếu xảy ra vi phạm, người vi phạm sẽ vĩnh viễn không được quản trị, điều hành ngân hàng”, Thống đốc Hưng cảnh báo.

Ồng cũng đặc biệt lưu ý: Sắp tới, khi luật được thông qua, NHNN sẽ tiến tới lành mạnh hoá hoạt động ngân hàng và ngăn ngừa tuyệt đối tình trạng dùng ngân hàng để tài trợ cho các công ty sân sau. “Đó là nhiệm vụ trọng tâm và việc NHNN tiếp tục hoàn thiện là để đảm bảo ngành ngân hàng hoạt động có kỷ cương, nguyên tắc”, Thống đốc cho hay.

Ông cũng ra thời hạn  đến cuối tháng 8 các đơn vị cần phải xây dựng hoàn thiện tái cơ cấu, có khung trình lên NHNN. Các chỉ tiêu đánh giá gồm có thực trạng tài chính, điều hành, cơ cấu cổ đông, vốn điều lệ, tình hình sở hữu...

Tháng 5/2017, NHNN ban hành hàng loạt văn bản cảnh báo các ngân hàng về rủi ro, hạn chế, sai phạm phổ biến... để chủ động ngăn chặn. Những cảnh báo này được tập hợp từ chính các vụ án, sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra.

Video: Thêm 16 cán bộ ngân hàng Xây dựng bị khởi tố

“Tôi yêu cầu chủ tịch HĐQT, hội đồng thành viên và tổng giám đốc các ngân hàng phải quán triệt chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, phải rà soát, có biện pháp chấn chỉnh, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành văn bản mới, không tạo ra sơ hở để tiếp tục sai phạm”, ông Lê Minh Hưng tuyên bố.

Người đứng đầu NHNN thông tin thêm công tác thanh tra, giám sát sẽ được thực hiện tăng cường vào các tháng cuối năm 2017 với việc kiểm tra việc chấp hành các quy định về lãi suất. “Do đó, yêu cầu các nhà băng tuyệt đối chấp hành, đặc biệt là lãi suất huy động VND, ngoại tệ.

Nếu phát hiện có ngân hàng nào vi phạm, chế tài sẽ rất nghiêm khắc. Nếu ngân hàng nào đã bị cảnh báo hành vi sai phạm mà vẫn bị cơ quan thanh tra phát hiện thì chế tài sẽ tăng nặng”, Thống đốc cảnh báo.

“Trong quá trình triển khai nghị quyết xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải lưu ý thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, không gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội, cần minh bạch, thậm chí mời báo chí, truyền thông tham gia, kể cả dùng camera quay lại cảnh xử lý tài sản đảm bảo”.           

(Nguồn: Tiền Phong)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn