• Zalo

Xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng thế nào?

Thời sựThứ Hai, 10/02/2014 12:56:00 +07:00Google News

Xử lý kỷ luật người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là cần thiết, nhưng phải phân rõ phạm vi chịu trách nhiệm. 

Trao đổi với PV, luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: Xử lý kỷ luật người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là cần thiết, nhưng phải phân rõ phạm vi chịu trách nhiệm. 
- Ngày 10/2, Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 về việc quy trách nhiệm đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình bắt đầu có hiệu lực, nhưng có ý kiến vẫn băn khoăn trong việc xác định người đứng đầu. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Lê Đức Tiết: Xử lý kỷ luật người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là cần thiết, nhưng phải phân rõ phạm vi chịu trách nhiệm. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trên hai phạm vi: Thứ nhất, là chịu trách nhiệm toàn cục. Thứ hai, là chịu trách nhiệm đối với những người thuộc cấp dưới trực tiếp.
Ví dụ, nhiều bộ, ngành xảy ra tham nhũng, thì trách nhiệm liên quan đến Thủ tướng. Còn tham nhũng ở cấp xã, huyện, thì không thể quy trách nhiệm cho Thủ tướng. Nếu tình hình tham nhũng tràn lan, bộ, ngành nào cũng có, thì ngoài Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm, Thủ tướng cũng có trách nhiệm.
Cũng như Chủ tịch UBND tỉnh, nếu để các sở, ngành tham nhũng, thì cũng phải chịu trách nhiệm. Nếu cấp nào để xảy ra tham nhũng, thì đương nhiên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. 
- Ông có nhận xét gì về cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay ở nước ta?
Tham nhũng giống như bệnh tật đối với con người. Không thể quét sạch tham nhũng. Chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất. Tuy vậy, dư luận rất hoan nghênh việc Đảng và Nhà nước đã có quyết tâm cao trong đấu tranh chống tham nhũng. Để có thể làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng đạt được kết quả cao hơn, đề nghị nên tiến hành một số chủ trương.
Thứ nhất, như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng là "đổi mới thể chế và mở rộng dân chủ”. Trừng trị thật nặng, thật nhiều kẻ tham nhũng cũng không làm giảm bớt tệ nạn tham nhũng, nếu chính sách, luật pháp lỗi thời. Hành chính hóa, hình sự hóa quan hệ dân sự, đối xử thiếu bình đẳng đối với các thành phần kinh tế, chậm thể chế hóa quyền phản biện, giám sát, thanh tra của nhân dân… là nguyên nhân làm cho tham nhũng chưa bị đẩy lùi.
Thứ hai, là có biện pháp cụ thể bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Đã có không ít trường hợp cán bộ viên chức, đảng viên bị người tố cáo có chức có quyền trả thù một cách tệ hại. Thứ ba là, qua những vụ xét xử, các cơ quan tư pháp cần có báo cáo và đề xuất những kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những sửa đổi chính sách, luật pháp để phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn.
Thông qua vụ án, công tác lãnh đạo, quản lý đã rút ra được bài học gì để hạn chế tệ nạn tham nhũng đang ngày càng trở nên phổ biến và trầm trọng. Đó là điều mà người dân chờ đợi nhất, mong mỏi nhất ở các phương tiện thông tin đại chúng.
- Ông có cho rằng kỷ luật người đứng đầu để xảy ra tham nhũng thì tham nhũng sẽ giảm?
Áp dụng kỷ luật đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là để đề cao trách nhiệm của người quản lý. Nhưng cũng chỉ được một phần nhỏ. Điều cơ bản là vấn đề thay đổi điều chỉnh về chính sách pháp luật.
Ví dụ: các bộ luật hình sự, dân sự, hình sự tố tụng, dân sự tố tụng, luật thi hành án dân sự hiện nay nếu không điều chỉnh thì không sao hạn chế được tệ nạn tham nhũng. Trong các bộ luật này quyền của viên chức nhà nước thì quá rộng, trách nhiệm lại quá mù mờ. 
- Xin cám ơn ông!
Bà Nguyễn Thị Khá, phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Phải làm rõ người đứng đầu ở cấp nào? 
Vấn đề người đứng đầu phải được làm cho rõ. Nghĩa là người đứng đầu trực tiếp hay người đứng đầu cấp trên. Ví dụ như Bộ trưởng để xảy ra tham nhũng ở các vụ, phòng, ban thì kỷ luật vụ trưởng hay trưởng phòng hay kỷ luật Bộ trưởng hay như thế nào, thì phải được làm rõ. Phải nói rõ người đứng đầu là ai thì mới làm được, chứ hiện chỉ nói người đứng đầu chung chung. Bởi một bộ có rất nhiều đơn vị.
Đơn cử như Bộ trưởng chỉ chịu trách nhiệm về các Thứ trưởng, các lãnh đạo vụ  phòng ban trực thuộc bộ quản lý. Còn cán bộ của phòng ban đâu phải Bộ trưởng quản lý mà do trưởng phòng quản lý, cán bộ của vụ thì vụ trưởng quản lý. Nếu làm rõ như vậy mới xử lý được. Còn nói người đứng đầu chung chung thì khó xử lý.
Bình luận
vtcnews.vn