Cục Đăng kiểm thuộc Bộ GTVT vừa thông báo từ ngày 1/1/2018, cả nước sẽ có 24.439 ô tô không được phép hoạt động vì hết niên hạn sử dụng.
Các xe trên chủ yếu được sản xuất từ các năm 1992 và 1997, trong đó có 2.632 xe chở người và 21.807 xe chở hàng.
Doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi
Trao đổi với PV., ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, giải thích Luật Giao thông đường bộ quy định, đối với ôtô chở hàng (xe tải) và ô tô chở người (xe khách), xe chở người từ 10 chỗ trở lên được quy định niên hạn sử dụng là không quá 25 năm; ôtô chở hàng niên hạn sử dụng không quá 20 năm.
Riêng các dòng xe chở người, xe du lịch từ chín chỗ trở xuống không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng xe.
Để ngăn chặn các xe quá hạn trên lưu thông, vị lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết đã có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước cung cấp, thông báo số liệu cho các phòng CSGT, Sở GTVT, thanh tra giao thông các tỉnh, thành để cập nhật số liệu về niên hạn xe cơ giới; đồng thời chủ động có hướng xử lý nếu các phương tiện trên vẫn chạy trên đường.
“Đối với các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, chỉ cấp kiểm định đến ngày hết hạn. Trong quá trình tiếp nhận xe đăng kiểm, nếu phát hiện xe quá niên hạn thì từ chối đăng kiểm” - ông Hình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hình, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp đã bán ra thị trường Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Chủ xe có nhu cầu phải liên lạc với đơn vị sản xuất để có thỏa thuận thu hồi xe hết niên hạn. Người tiêu dùng được lựa chọn các hình thức như tự chuyển hoặc chuyển giao chôtô chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến điểm thu hồi.
Để thực hiện chủ trương trên, hiện nay hãng Honda đã thông tin chính thức trên trang web của mình về việc sẽ tiếp nhận các sản phẩm phải thải loại tại Việt Nam.
Nhiều ôtô cũ bị “hóa kiếp”
Theo quy định hiện hành, chủ các xe hết niên hạn phải trả lại giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe, không được phép lưu hành xe. “Đối với các chủ phương tiện không thực hiện các quy định trên và vẫn cho xe lưu hành thì lực lượng chức năng của các địa phương phải kiểm tra xử lý theo quy định” - một vị CSGT Hà Nội thông tin.
Theo Cục CSGT Bộ Công an, xe đã hết niên hạn sử dụng là các xe không còn đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật khi lưu thông trên đường. Nếu CSGT phát hiện thì chủ các xe hết hạn đăng kiểm hoặc không có đăng kiểm sẽ bị xử phạt hành chính với mức 4-6 triệu đồng. Đặc biệt, tất cả xe vi phạm lỗi này đều bị CSGT giữ không hạn định.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng đồng tình với quy định này. Ông cho rằng ôtô là một kết cấu bằng cơ khí và khi làm việc thì đến một giai đoạn nào đó kết cấu này sẽ “mỏi mệt”.
Xe sử dụng càng nhiều, càng lâu thì độ an toàn của kết cấu càng giảm xuống. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra quy định về niên hạn để đảm bảo an toàn kết cấu phương tiện.
“Chủ xe nên chấp hành quy định niên hạn để đảm bảo an toàn cho bản thân mình và những người tham gia giao thông khác. Khi xe hết niên hạn, mất an toàn đầu tiên là hệ thống phanh, hãm.
Ngoài việc đảm bảo an toàn giao thông thì sử dụng xe hết niên hạn sẽ gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường do khí thải” - ông Đồng chia sẻ.
Anh Trần Quốc Tuấn (quận 12, TP.HCM), đại diện một đơn vị vận tải tại TP.HCM nhìn nhận quy định niên hạn xe là cần thiết nhằm sàng lọc xe cũ hết “đát”, có lợi cho người mua xe.
“Hiện nay tình trạng hóa kiếp xe cũ, hoán cải khung xe, tân trang các xe đời cũ diễn ra rất nhiều. Bản thân người mua xe khó lòng nhận biết được. Vì vậy quy định về niên hạn sẽ sàng lọc thị trường ôtô cũ, khai tử ôtô quá già nua, người tiêu dùng dễ lựa chọn để tránh tiền mất tật mang” - anh Tuấn nói.
Thực tế không ít người vẫn bất chấp quy định, cố ý mua bán, chuyển vùng và tiếp tục sử dụng xe hết niên hạn để chở người, hàng hóa. Ông Văn Thành, một tài xế tại quận Tân Bình, cho hay thời gian qua đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe hết niên hạn sử dụng gây ra.
Nguyên nhân một phần do không ít xe khách và xe tải hết niên hạn sử dụng, thay vì phải thanh lý, hóa giá vật liệu thì chủ phương tiện lại thực hiện hoán cải để hoạt động chui.
“Thậm chí nhiều xe sau khi hoán cải được đưa về các vùng quê, miền núi để tiếp tục sử dụng rất nguy hiểm. Do vậy, tôi kiến nghị các cơ quan chức năng rà soát kỹ và quyết liệt hơn khi xử lý những chiếc xe có nguy cơ gây họa này” - anh Thành nói.
Video: Biển lửa thiêu rụi 1000 chiếc ô tô đêm giao thừa
Xử phạt xe vi phạm ra sao?
Nghị định số 46/2016 ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển ôtô (bao gồm cả rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ôtô điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã công khai danh sách chi tiết biển số xe, chủ sở hữu, địa phương đăng ký… các mẫu xe hết niên hạn sử dụng từ ngày 1-1-2018 tại địa chỉ http://www.vr.org.vn/lib/download.asp.
Bình quân mỗi ôtô nhập về Việt Nam có giá 526 triệu đồng. Trong khi xe nhập từ thị trường Ấn Độ chỉ có giá trung bình hơn 136 triệu thì từ Pháp lại lên tới 5 tỷ đồng.
Coi chừng xe sắp hết đát chạy sang Lào
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít các phương tiện ôtô của Việt Nam khi gần hết niên hạn sử dụng đã đưa sang Lào để làm thủ tục đổi sang biển số của Lào rồi tiếp tục lưu hành về Việt Nam làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chính vì vậy năm 2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT có công hàm gửi Bộ Công chính và vận tải Lào về tình hình nêu trên và thông báo với các chủ phương tiện của Lào khi tham gia kinh doanh vận tải bằng ôtô tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Bình luận