• Zalo

Xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị 'dì ghẻ' hành hạ tới chết là không cần thiết

Pháp đìnhThứ Ba, 28/06/2022 08:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc xét xử kín vụ án bé gái 8 tuổi bị “dì ghẻ” Nguyễn Võ Quỳnh Trang hành hạ tới chết là không cần thiết.

Dự kiến ngày 21/7 tới, TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử kín vụ bé N.T.V.A., 8 tuổi, bị "dì ghẻ" Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) hành hạ tới chết trong căn hộ chung cư ở TP.HCM.

Bị cáo Trang bị Viện KSND TP.HCM truy tố về các tội "Giết người" và "Hành hạ người khác". Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1, người tình của Trang, cha ruột bé V.A.) bị truy tố về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm”.

Xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị 'dì ghẻ' hành hạ tới chết là không cần thiết - 1

Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư Hà Nội - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé V.A. cho rằng, việc xét xử kín trong vụ án này là không cần thiết. Mục đích xử kín là bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư, tránh gây tâm lý bất ổn và đảm bảo tương lai cho các cháu, nhưng vụ án này thì bị hại đã chết nên cần phải xét xử công khai nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.

Theo luật sư Thơm, Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc xét xử tại Điều 103: “TAND xét xử công khai trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín".

Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”. 

Xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị 'dì ghẻ' hành hạ tới chết là không cần thiết - 2

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Theo điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định xét xử kín vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi như sau: 

Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. 

Luật sư Thơm cho hay, những quy định này, trường hợp được xét xử kín thông thường là những vụ án vụ án xâm hại tình dục (hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô…). Đặc biệt là những vụ án mà nạn nhân là trẻ em gái, người chưa thành niên thường được xét xử kín, tránh gây áp lực tâm lý cho nạn nhân. Hoặc các vụ án mà nạn nhân bị bạo hành là người dưới 18 tuổi để cần giữ bí mật đời tư, bảo vệ cho nạn nhân không bị áp lực tâm lý. 

"Tuy nhiên, đây này là vụ án giết người, bị hại là bé V.A. đã tử vong thì việc xét xử kín là không cần thiết", luật sư Thơm nêu quan điểm.

Theo cáo trạng, Trang đã dùng hung khí nguy hiểm đánh đập vào vùng trọng yếu của cháu A. một cách dã man, tàn nhẫn trong gần 4 giờ liền dẫn đến việc cháu tử vong.

Còn Thái là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cháu A., nhìn thấy Trang đánh và hành hạ nhiều ngày, nhiều giờ nhưng vẫn thờ ơ, không ngăn cản hay có hành động nào bảo vệ, che chở cho con mình.

Có lúc Thái còn cùng Trang đánh đập, hành hạ cháu A., giúp sức cho Trang hành hạ cháu A.. Khi biết Trang đánh cháu A. đến tử vong, Thái đã thực hiện hành vi xóa dữ liệu camera để che giấu hành vi phạm tội của Trang, gây cản trở việc điều tra.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn