• Zalo

Xu hướng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Tin tứcChủ Nhật, 08/11/2020 11:33:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019.

Xu thế dân số già hóa nhanh ở Việt Nam

Việt Nam là 1 trong 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, chỉ không tới 20 năm, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14%. Theo các chuyên gia dân số, Việt Nam sắp qua thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, bước vào giai đoạn già hóa. 

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tổng dân số của Việt Nam là 96,2 triệu người, là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới với tuổi thọ trung bình hơn 73 tuổi.

Tỉ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái và năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Người Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 73,6, liên tục tăng từ năm 1989 đến nay. Trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 và nữ giới là 76,3 tuổi.

Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm về số lượng và tỉ lệ. Người di cư có xu hướng lựa chọn điểm đến trong phạm vi quen thuộc, trong đó Đông Nam bộ là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư khi có tới 1,3 triệu người đến.

Xu hướng già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức  - 1

Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất. (Ảnh minh họa)

Cơ cấu dân số theo nhóm tuổi và giới tính phản ánh bức tranh tổng quát về sự biến đổi dân số và được mô tả bằng tháp dân số. Tháp dân số không chỉ cung cấp các thông tin khái quát về cơ cấu tuổi và giới tính của dân số vào thời điểm xác định mà còn sử dụng để đánh giá sự chuyển dịch cấu trúc dân số qua các năm; bề rộng của nhóm tuổi trẻ nhất (đáy tháp) phản ánh sự tăng hay giảm của mức sinh so với những năm trước, trong khi bề rộng của nhóm tuổi cao nhất (đỉnh tháp) phản ánh sự thay đổi hay xu hướng già hóa dân số. Tháp dân số so sánh giữa 2009 và 2019 cho thấy, những thanh trên đỉnh của tháp dân số 2019, từ nhóm 70-74 tuổi trở lên cho thấy rõ xu thế tăng lên, điều này khẳng định xu thế dân số già hóa nhanh ở Việt Nam.

Giải quyết thách thức già hóa dân số

Tuổi thọ bình quân tăng là minh chứng thành tựu phát triển xã hội và chăm sóc sức khỏe con người của Việt Nam, song khi tỉ lệ mất cân bằng giới tính đang có xu hướng tăng sẽ gây áp lực lên kinh tế- xã hội.

Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Trong đó, vấn đề chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 70% vẫn phải làm việc kiếm sống, trong khi người cao tuổi rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định.

Ngoài ra, cơ cấu và mô hình bệnh tật người cao tuổi nước ta hiện nay đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính như các bệnh về xương khớp, hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa… tăng nhanh, dẫn đến chi phí chăm sóc y tế rất cao và tất yếu tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện vốn chưa được giải quyết dứt điểm.

Khía cạnh tích cực của già hóa dân số

Theo nhiều chuyên gia, dân số cao tuổi không có nghĩa hoàn toàn là gánh nặng mà đây là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế dịch vụ cho người cao tuổi.

Thậm chí ở Trung Quốc thị trường này rất triển vọng khi tỉ lệ người cao tuổi chi cho các dịch vụ chiếm 165 tỉ USD/năm vì vaayh cho rằng, người cao tuổi còn là lao động cho xã hội, với khoảng 46% người cao tuổi Việt Nam vẫn đang làm các công việc được trả lương.

Do đó, thích ứng với già hóa dân số không chỉ là giải quyết vấn đề của người cao tuổi mà cần có chính sách tiếp cận toàn diện để chuẩn bị cho giai đoạn dân số già. Để tận dụng được nguồn nhân lực này cần tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận với vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Những vấn đề này đòi hỏi cần phải xây dựng những chính sách phù hợp cho người cao tuổi để đối phó với việc dân số già hóa nhanh hơn dự báo. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng (cả về nhận thức và hành động) để đón dân số đang già nhanh chóng, thậm chí sẽ là dân số “siêu già” trong một vài thập kỷ nữa.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn