Dịch vụ taxi Uber gây bão dư luận nhiều ngày qua do tiếp tục bị Bộ Giao thông vận tải bác đề án kết nối vận tải hành khách điện tử.
“Không thể chấp nhận được”
Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, đề án của Uber bị bác bởi chưa đủ điều kiện phê duyệt. Cụ thể, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Uber Việt Nam là “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”.
Do đó, để được phê duyệt và thực hiện đề án thí điểm, Uber Việt Nam bắt buộc thực hiện đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động là kinh doanh vận tải.
Đồng thời Uber Việt Nam trực tiếp xây dựng, ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh, với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam.
Trao đổi với PV VTC News chiều 17/2, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói thêm, hiện Uber Việt Nam chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm (thông qua chức năng của điện thoại thông minh) chứ không kinh doanh vận tải.
Video: Tài xế Uber táo tợn cướp tài sản của thai phụ giữa trung tâm Sài Gòn
Do đó, theo ông Trường, hãng vận tải nào muốn dùng phần mềm của Uber để kinh doanh vận tải thì bản thân hãng vận tải đó phải tuân thủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải của pháp luật Việt Nam.
“Có nghĩa là, anh chở khách bằng taxi thì phải đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, chở khách bằng xe hợp đồng thì đăng ký kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Chứ kinh doanh mà không đăng ký thì không thể chấp nhận được”, ông Nguyễn Hồng Trường nói.
Vẫn theo ông Trường, dư luận những ngày qua có một số ý kiến cho rằng Uber bị cấm hoạt động là chưa chính xác.
“Bộ Giao thông vận tải không cấm Uber hoạt động tại Việt Nam, thậm chí khuyến khích Uber dùng phần mềm đó để giúp các hãng vận tải ở Việt Nam đón và trả khách. Chỉ cần doanh nghiệp vận tải chấp hành nghiêm quy định pháp luật”, ông Trường nói.
“Doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh mà vẫn hoạt động thì phải xử phạt. Còn bây giờ, Uber muốn hoạt động thì phải đăng ký theo quy định và thành lập các doanh nghiệp vận tải, cái đó Bộ khuyến khích chứ không cấm”, ông Trường nói thêm.
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, đề án của Uber đã được Bộ Giao thông vận tải xem xét cũng như xin ý kiến các bộ ngành liên quan và thấy rằng chưa đủ điều kiện để thông qua.
“Bộ Giao thông vận tải ủng hộ các phần mềm tương tự như Uber ở Việt Nam bởi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng, tiết giảm thời gian đi lại, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí và góp phần giảm ách tắc giao thông…”, ông Trần Bảo Ngọc nói.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, điều kiện kinh doanh của các loại taxi nói chung là phải có sự quản lý của Nhà nước về cả con người và phương tiện.
“Cần phải đưa Uber hoặc Grab vào khung pháp lý hoạt động để cạnh tranh bình đẳng với hoạt động taxi truyền thống. Bên cạnh đó là quản lý được hoạt động, tránh thất thu thuế của Nhà nước”, ông Liên quan điểm.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hoàng, Công ty Luật Hợp danh V.I.P, các cơ quan chức năng phải thượng tôn pháp luật.
“Có nghĩa là cùng một loại hình kinh doanh vận tải pháp luật quy định như thế nào thì các doanh nghiệp tham gia sân chơi đó phải tuân thủ như nhau thì mới minh bạch và sòng phẳng. Bên cạnh đó phải có sự thanh tra và kiểm tra sự tuân thủ pháp luật đó”, ông Hoàng cho hay.
“Dịch vụ tốt, giá cạnh tranh”
Dù chỉ mới vào Việt Nam chưa lâu, nhưng loại hình vận tải hành khách thông qua phần mềm dịch vụ gọi xe của Uber đã hấp dẫn khách hàng bởi tiện ích mà nó mang lại.
Chị Phan Ngọc Mai (24 tuổi, Cầu Giấy) thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe qua Uber nói: “Trước đây, tôi thường đi Uber. Xe sang, thuận tiện mà giá cả phải chăng”.
Anh Hán Phi Long (38 tuổi, quê Phú Thọ đang làm việc tại Hà Nội) nhận xét, đánh giá dịch vụ của Uber tốt hơn hẳn so với các hãng taxi hiện nay.
“Tôi cho rằng dịch vụ của Uber khá tốt. Các hãng taxi nên thay đổi tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá thành để cạnh tranh hơn”, anh Long nói.
Thừa nhận giá thành Uber cạnh tranh hơn các hãng taxi truyền thống, ông Nguyễn Hồng Trường quan điểm có thể do Uber tiết giảm được chi phí gián tiếp.
“Giá cạnh tranh có thể do Uber giảm được chi phí gián tiếp nên giảm giá cước”, ông Trường cho hay.
Trả lời câu hỏi liệu giá cạnh tranh có phải là do Uber “trốn thuế”, ông Trường cho rằng “chưa nói được trốn thuế hay không nhưng mà cái cách quản lý của người ta có thể giảm được chi phí gián tiếp thì có thể giảm giá vé”.
Mới đây, công ty mẹ là Uber BV (Hà Lan) đã ủy quyền cho Uber Việt Nam thực hiện đề án thí điểm kinh doanh theo hợp đồng điện tử. Do Uber Việt Nam chỉ đăng ký kinh doanh trong phạm vi tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận chứ không liên quan đến hoạt động ủy quyền. Nên, theo các doanh nghiệp đang kinh doanh vận tải hành khách, hoạt động của Uber ở Việt Nam thời gian qua là không bình đẳng.
Bình luận