(VTC News) – Cụ ông mù lẩy bẩy khoác túi hàng trên vai đi theo cụ bà mời chào khách mua bông, tăm chỉ để kiếm vài chục ngàn nuôi cháu.
Đã gần 10 giờ sáng, trên phố Thái Thịnh, Hà Nội xuất hiện 2 cụ già dắt nhau mời chào khách mua cho gói tăm, đế lót giày...
Người thương tình mua cho cụ vài thứ, vừa là để biếu cụ. Người lắc đầu lạnh lùng. Một bà mẹ đang ăn sáng ở một quán gần đó thấy 2 cụ đi bán vài thứ lặt vặt, liền chạy ra mua dây buộc tóc và trả 5000 đồng.Cụ ông mù mắt vẫn đi bán hàng kiếm vài chục ngàn đồng mỗi ngày nuôi cháu.
Lúc sau, một cậu thanh niên làm nghề chuyển phát nhanh dừng xe bốc đồ cũng mua giúp cụ đế lót giày. Khi được hỏi, cậu thanh niên này bảo: “Em không thiếu đế lót giày, nhưng mua giúp 2 cụ vì nhìn thương quá”.
Thấy 2 cụ, tôi chạy ra hỏi thăm: “Hai cụ đã ăn sáng chưa ạ?”, cụ bà lắc đầu: “Chưa ăn gì cô ạ”. “Muộn thế này mà 2 cụ chưa ăn ư?”. Không cầm lòng được, tôi mời 2 cụ vào ăn sáng.
Vì không nhìn thấy, nên cụ ông hoàn toàn phải nhờ cụ bà hỗ trợ. Lúc ăn, cụ bà gắp cho ông từng miếng bánh cuốn vào bát.
Thương nhất là vì khi cụ ông đánh rơi miếng chả, cụ bà vội vàng nhặt lên thổi phù và ăn tiếp. Từng miếng nước cụ ông uống, cụ bà cũng phải để lên tay cho cụ ông. Nhìn cảnh cụ bà trông cụ ông, nhiều người không khỏi rớm lệ.
Sau bữa sáng ấm bụng ấy, tôi mời 2 cụ vào nhà hỏi chuyện và biếu cụ ít tiền.Nếu không được mời bữa sáng này, 2 cụ sẽ nhịn ăn để trưa chỉ ăn cái bánh mỳ.
Vào tới nhà, bỏ mũ nón và đống hàng trên người, cụ dò dẫm tìm ghế ngồi. Nhìn kỹ, cụ ông lưng hơi còng, tay chống gậy. Cụ mặc chiếc áo rách nách, 2 miếng vải được đắp lên thân áo làm túi.
Qua câu chuyện, tôi được biết cụ ông tên là Trần Thanh Xuân, 75 tuổi, quê ở đội 13, thôn Hương Trung, xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Còn cụ bà tên Hà Thị Hương, 70 tuổi. Cụ ông mù nên không rành đường đi lối lại, càng khó khăn hơn khi người tinh mắt là cụ bà lại không biết chữ.
Ở tuổi 2 cụ, đáng nhẽ phải được con cháu nuôi nhưng thật ngược đời, 2 cụ phải nuôi 2 đứa cháu mồ côi mẹ.
Cụ bà rơm rớm nước mắt kể: “Gia cảnh nhà tôi khổ lắm cô ạ. Khi còn trẻ, tôi và ông nhà tôi lấy nhau, rồi ông đi chiến trường từ năm 1965 đến 1973 thì xuất ngũ vì mù mắt.
Về nhà, ông cũng giúp tôi việc nhà nhưng không cày cấy được vì mắt mũi như vậy. Tôi sinh được 4 người con. Những tưởng vợ chồng lần hồi nuôi con cái lớn khôn, chúng tôi được hưởng tuổi già. Nhưng rồi, cuộc sống lại càng khó khăn.Anh nhân viên chuyển phát nhanh này động lòng nên mua giúp ông cụ.
Trước đây, không đủ ăn cơ cô ạ. Dần dà cũng đỡ hơn, không còn bị đói. Nhưng vẫn túng thiếu lắm, làm được 3 tạ thóc thì phải mang 2 tạ đi trả nợ. Nhưng mấy năm nay, tai họa lại giáng xuống gia đình tôi”.
Cụ bà vừa cúi xuống lấy ống tay áo vừa lau nước mắt kể tiếp: Cụ sinh được 2 trai, 2 gái. Con trai cả năm ngoái đã mất ở tuổi 47 sau một lần ngã ngoài sân. Gia đình đưa ra trạm xá 2 ngày thì mất.
Anh để lại người vợ ngày ngày chỉ biết làm ruộng và 3 người con, 1 đứa đi miền Nam làm thuê, 1 con gái đi làm ở quê và 1 cậu con trai đang học lớp 6.
Còn con trai thứ 2 cuả cụ năm nay 45 tuổi, vợ chết cách đây 6 năm vì không có tiền chữa bệnh. Anh này có 2 người con nhưng cảnh gà trống nuôi con cũng gặp nhiều khó khăn lắm. Hai đứa con, đứa lớn vừa học xong lớp 12, đứa nhỏ còn bé. Trước đây, vì vợ ốm nên anh phải vay mượn tiền ngân hàng để chữa chạy. Đến nay, tiền còn chưa trả hết mà vợ thì đã mất.
Vì vây, ông bà phải đi kiếm tiền nuôi 2 đứa cháu này. Nào tiền quần áo, tiền ăn hàng ngày…
Hai cô con gaí cụ cũng gặp khó khăn khôn cùng khi chồng của 2 cô đều đã chết. Không chỗ bấu víu nên 2 cụ phải dắt díu nhau lên Hà Nội kiếm sống.
Trong câu chuyện, thỉnh thoảng cụ ông lại xen: “Tôi là quân nhân nên mỗi tháng nhà nước hỗ trợ 180 ngàn đồng. Nhà nước cũng giúp phẫu thuật nhưng không khỏi mù mắt. Ở quê, nhà tôi xây gạch nhưng mái lợp bằng lá cọ, thiếu thốn đủ bề”.
Ra Hà Nội, 2 cụ dắt díu đi bán hàng rong. Ngày thì đi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, tối đến về nhà trọ nằm nghỉ cho qua ngày.Còn đây là một cháu nhỏ thương cảm đã biếu 2 cụ ít tiền từ số tiền mừng tuổi của bé.
Sáng sáng, 2 cụ nhịn ăn, trưa ăn chút bánh mì, tối về mới ăn cơm 15 ngàn đồng/suất. Thế mà 2 con người ấy vẫn phải cố mà sống. Sống vì con vì cháu, nếu có mệnh hệ gì, cháu cụ ai nuôi? Nhất là đứa cháu vừa học xong lớp 12, nó ngoan lắm. Cụ hy vọng nó học xong cấp 3 sẽ tiếp tục thi Đại học, 2 cụ sẽ cố lê thân già để kiếm tiền nuôi cháu học thành người.
“Thế 2 cụ trọ ở đâu ạ?”, tôi hỏi. “Chúng tôi chỉ dám về nhà trọ buổi tối thôi. Hai người mất 30 ngàn đồng. Nhà trọ ấy cứ hơn 10 người mỗi phòng. Nằm trên phản thôi cô ạ. Tôi đi nhiều lắm lúc nhức xương lắm nhưng vẫn phải cố. Tối về đó có chỗ nghỉ ngơi”, cụ ông nói.
Hiện, 2 cụ trọ ở nhà ông Hiền trên phố Lai, dốc Hoàng Cầu, Hà Nội.
Mỗi ngày, 2 cụ lãi khoảng 50 ngàn đồng. Nhưng 2 cụ chỉ làm 20 ngày, còn lại về quê nghỉ ngơi. Mỗi lần về quê mất 280 ngàn đồng ô tô, 20 ngàn tiền xe buýt nên mỗi tháng, số tiền mang về quê cho cháu cũng chỉ vài trăm ngàn đồng.
Ở cái tuổi này, bệnh đã ập đến, nhưng 2 cụ vẫn dắt díu nhau đi. Cụ bà bị hen phế quản nên trong túi lúc nào cũng có thuốc giãn phế quản. Cụ ông nói: Khi nào bà ấy lên cơn hen là tôi cho uống ngày 1 viên.
Cụ ông lập cập lôi trong túi lọ thuốc, viên thì sứt, viên thì ố vàng, nhìn cảnh này càng khiến tôi thấy xót xa.
Cụ bà nói về chuyện buôn bán của mình: “Thấy chúng tôi già cả, nhiều người cũng gọi vào mua hộ, lắm khi thừa vài ngàn đồng, họ cũng không lấy lại”.
“Các cụ đã nhiều tuổi rồi sao phải đi bán hàng, già như các cụ, đi xin người ta cũng cho mà”. Cụ ông khẳng khái bảo: “Tôi dù không còn trong quân đội, nhưng tôi đã từng chiến đấu vì đất nước. Tôi phải giữ danh dự quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi không bao giờ đi xin”.
Qua bài viết này, chúng tôi mong quý độc giả, quý ân nhân có tấm lòng, xin hãy cứu giúp 2 cụ già có hoàn cảnh trên.
Các nhà hảo tâm có tấm lòng, xin giúp đỡ hoàn cảnh trên và gửi về địa chỉ:
Báo điện tử VTC News Tầng 10, tòa nhà 18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tài khoản số: 0021.0002.4899-1 Ngân hàng Vietcombank-Số 51 Lạc Trung - CN Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Xin đề rõ: Đóng góp giúp cụ Trần Thanh Xuân
Toàn bộ số tiền sẽ được chúng tôi chuyển cho gia đình cụ Xuân
Nguyễn Tâm
Bình luận