Làm lụng, tiết kiệm cả năm được mấy đồng thì tiêu vèo một cái cho tết là hết. Bên nhà chồng, tôi nói thật là quá đông con cháu họ hàng. Đông anh em thì cũng vui thật vì nhà có việc là mọi người xúm vào làm giúp. Nhưng đến tết đi mừng tuổi thì thâm túi lắm.
Cứ tết về nhà chồng, đi đến đâu tôi cũng phải mừng tuổi. Hết trẻ con lại đến các cụ, nghĩ thôi mà hoa hết cả mắt rồi. Nhiều lần muốn lờ đi mà chẳng được vì mẹ chồng cứ nhắc khéo phải mừng tuổi cụ, chúc mừng cháu học sinh giỏi, mới đỗ đại học…Kiểu gì cũng có lý do để rút ví.
Mỗi đứa cháu ít nhất cũng 50 ngàn đồng, danh sách cháu chắt dài mấy trang cũng đi cả vài triệu. Đã thế còn người già trong họ nữa chứ. Ai cũng phải mừng tuổi vì đều sắp mừng thọ rồi. Mỗi lần như vậy tôi lại cắn răng bỏ phong bao, ít thì 100 ngàn, nhiều thì 200-300 ngàn. Như năm ngoái riêng tiền biếu cụ già cũng đã tốn của tôi những 3 triệu bạc.
Vì như vậy, nên mỗi lần tết đến là tôi đều xung phong chui vào tận xó bếp nấu nướng cho khỏi phải ló mặt ra ngoài. Nhưng mẹ chồng không hiểu ý, hay có hiểu mà bà vẫn cố tình không để tôi không có cớ lui quân vào những ngày này.
Mùng một nào bà cũng dắt cả con trai lẫn con dâu đi khắp họ hàng với lý do, mới cưới 2-3 năm phải đi hết mới nhớ mặt nhau nên tôi đành cắn răn mà theo.
Mới sớm ngày mùng 1 đã có mấy đám hàng xóm sang nhà tôi chúc tết kéo theo một đám trẻ con, cháu chắt các vị. Tôi nghĩ bụng, trẻ con hàng xóm thì chỉ cần 10-20 nghìn mừng tuổi là được. Vừa thấy tôi đưa ra bao lì xì đựng 10 nghìn, màu vàng, mẹ chồng nói khéo: “Cái này màu xấu các cháu không thích đâu.
Con lấy cái loại màu xanh kia kìa (tôi để tiền trong phong bì cùng màu cho đỡ nhầm lẫn)”. Thật sự tôi chỉ biết đứng hình mà nôn tiền ra. Thấy bọn trẻ con bóc luôn phong bao khoe tờ tiền với ông bà chúng, mẹ chồng tôi có vẻ hãnh diện lắm. Còn tôi thì méo mặt vì đi đứt nửa triệu bạc rồi.
Thế là chỉ trong ngày mùng 1, tất cả các khoản chi tiêu của hai vợ chồng dịp tết đã hết veo.
Chưa dừng lại ở đó, họ hàng nhà chồng năm nào cũng mang số tiền tôi bỏ vào phong bao để cân đo đong đếm và đánh giá đạo đức của tôi. Mừng ít thì chê trách đủ kiểu, mừng nhiều cũng chẳng thấy họ khen một câu.
Khi tôi vừa đưa lì xì cho các cháu chồng, chúng mở ngay ra trước mặt mọi người và khoe ầm ĩ. Lúc đó, chị chồng cười nói vui vẻ và nói vài câu xã giao thôi, tôi cứ tưởng là ổn rồi. Không ngờ đến trưa, vì nhà vệ sinh tầng 2 có người nên tôi mới lên tầng 3 đi nhờ. Đang trong đó thì nghe chị chồng nói với con rằng: “Của con chỉ có 50 ngàn thôi á. Giàu mà kẹt thật, lì xì cháu ruột mà không bằng người dưng. Mất công mẹ mấy hôm nay phải thảo mai với mợ”.
Nghe chị nói vậy, tôi thấy rất bực mình. Tôi có phải kiểu ăn không của người khác đâu. Trước tết tôi cũng đã tặng các cháu quần áo mới rồi, còn lì xì chỉ mang hình thức thôi. Nhưng không ngờ chị lại coi trọng phong bao lì xì ngày tết đến vậy.
Video: Bao lì xì handmade độc lạ gây bão Tết Mậu Tuất 2018
Năm nay chưa đến tết, mẹ chồng đã gọi điện ráo trước với tôi là về mừng tuổi cháu mỗi đứa cũng phải 100 ngàn đấy. Bây giờ cái gì chẳng tăng giá, 50 ngàn có mua được gì đâu. Mà không mừng vậy thì lại mang tiếng là đi làm ở Hà Nội mà không bằng người ta ở quê thì chán lắm.
Nghe đến đây, tôi hoảng sợ thực sự với tục mừng tuổi đầu năm ở quê chồng. Đành rằng hai vợ chồng sống ở thành phố, có việc làm ổn định thật, nhưng còn bao khoản phải chi tiêu, chưa kể còn phải giành dụm tiền để lo chuyện con cái. Vậy mà có ai hiểu cho đâu.
Mà kể cũng lạ, mẹ chồng tôi chẳng sốt ruột gì chuyện cháu chắt. Bà chỉ thích con cái bà chi tiền thật mạnh tay để bà mát mặt hãnh diện. Tôi chỉ ước từ tết năm nay, tục mừng tuổi này sẽ biến mất. Hoặc ít nhất cũng đừng khiến tôi phải đau đầu, khốn khổ thế này.
Bình luận