Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm ở đường Trần Phú, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi chăm bẵm, đút từng thìa cháo cho cô gái nằm bẹp trên chiếc ghế, giọng ú ớ như muốn nói gì đó mà không rõ tiếng, khiến nhiều người xót xa.
Vừa cho ăn, người phụ nữ với khuôn mặt hốc hác, chỉ chực khóc vừa vỗ về, nói: "Trang của mẹ mạnh mẽ lắm phải không con, con cố gắng ăn vào cho khỏe nghe chưa… con của mẹ sẽ không bỏ cuộc đâu. Trang ơi! Tỉnh lại mà lên lớp đi con, học sinh của con đang chờ con đó”.
Trần Lê Thị Huyền Trang (SN 1990) từng là giáo viên tiếng Anh, trường THCS Ea Tul. Còn người chăm sóc từng ly từng tý là mẹ em, bà Lê Thị Lan.
Trang tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng năm 2012 rồi về địa phương giảng dạy. Sau khi kết hôn với thầy giáo ở cùng huyện, năm 2018, hai vợ chồng về ở cùng với bà Lan để thuận tiện công việc. Trang là con gái út trong gia đình, được cưng chiều từ nhỏ, nhanh nhẹn và rất thông minh.
Tuy nhiên chưa được bao lâu, Trang bắt đầu có những dấu hiệu lạ như tay chân cử động chậm, miệng nói không được lưu loát, trí nhớ giảm sút...
Thấy con như vậy, bà Lan lập tức đưa xuống bệnh viện ở TP.HCM thăm khám. Bà sốc khi nghe bác sĩ kết luận Trang bị bệnh Rối loạn chuyển hóa não (còn gọi là teo não) buộc phải mổ gấp. Cũng thời điểm này, bác sĩ cho biết Trang đang mang thai được 1 tháng.
Bà Lan lặng người, nước mắt tuôn trào. Bà vừa lo cho sức của Trang, vừa lo cho đứa bé trong bụng Trang. Bà nén lòng mình, tìm mọi cách trấn an tinh thần của Trang rồi lặng lẽ tìm hướng giải quyết, để mọi việc bình an.
Sau ca phẫu thuật, Trang tiếp tục đến trường. Nhưng 5 tháng sau đó thì cô không thể đi lại được nữa. Dù bị bệnh nhưng Trang vẫn vui vì suốt ngày cô xoa bụng, mong được nhìn thấy con.
"Thai lớn dần cũng là con gái tôi dần mất ý thức, không thể đi lại, chỉ nằm một chỗ như người tàn tật. Mỗi tháng, tôi đều bắt xe đưa Trang đi khám thai định kỳ", bà Lan nói.
Đến ngày sinh, Trang được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (TP. Buôn Ma Thuột) chỉ định là ca mổ đặc biệt nhất ở bệnh viện từ trước tới nay. Nhìn đứa bé chào đời mà bà Lan quặn thắt ruột gan, bà thương con, thương cháu vô cùng.
"Mỗi khi cháu đói tôi lại bé cháu lại bú mẹ, xong ru bé ngủ. Do cơ thể Trang tiều tụy nên tôi chỉ cho con bú mẹ 1 tháng rồi dứt hẳn”, bà Lan ngậm ngùi nói.
Dù bác sĩ nói bệnh này không có thuốc chữa, nhưng bà Lan luôn hy vọng con gái sẽ khỏe lại được phần nào hay phần nấy. "Tôi mong sao có người biết được căn bệnh này chữa như thế nào và có loại thuốc nam nào điều trị được thì chỉ để giúp cho con tôi với", bà Lan nói.
Hồi mới phát bệnh, dịp 20/11 có nhiều học sinh đến thăm, nhưng giờ thì chỉ lác đác vài em. Mỗi khi thấy có học sinh, dù không nói được nhưng Trang vui lắm.
"Gia đình tôi sống nhờ vào quán tạp hóa nhỏ nay càng chật vật, vất vả do nhiều nỗi lo toan. Chồng Trang hàng ngày cũng phải di chuyển hơn 30 cây số đi dạy học, do công tác ở xa nên việc chăm sóc cho vợ con gặp không ít khó khăn", bà Trang nói thêm.
Ông Lê Hữu Quynh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cư M’gar cho biết, cô Trang là giáo viên trẻ với biết bao hoài bão, cô yêu nghề, yêu núi rừng Tây Nguyên.
"Đơn vị cũng xem xét trình các cấp việc cho chồng cô giáo được về gần nhà công tác để tiện bề chăm sóc cô. Mỗi khi đến thăm hoàn cảnh cô giáo Trang, nhiều đồng nghiệp không cầm được nước mắt. Cầu mong sao, có một phép màu để cô Trang khỏe mạnh đi dạy trở lại và có thể chăm sóc con trẻ", ông Quynh nói.
Bình luận