Xôn xao việc thanh toán học phí bằng Bitcoin, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT lý giải

Giáo dụcThứ Sáu, 27/10/2017 15:48:00 +07:00

Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho biết việc dùng tiền ảo Bitcoin chỉ là một kênh thanh toán học phí cho trường chứ không phải trường niêm yết học phí bằng bitcoin.

Ngày 26/10, chủ tịch HĐQT Đại học FPT Lê Trường Tùng tuyên bố “Đại học FPT chấp nhận cho các đối tượng đang là sinh viên hoặc chuẩn bị là sinh viên của trường nộp học phí bằng Bitcoin. Trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại". 

Thông tin này nhanh chóng khiến sinh viên và dư luận xôn xao. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam triển khai chủ trương này trong khi loại tiền ảo Bitcoin này còn rất mới ở Việt Nam và chưa được cơ quan quản lý đưa ra khung pháp lý cụ thể.

dai hoc fpt

Ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho biết việc dùng tiền ảo bitcoin chỉ là một kênh thanh toán học phí cho trường chứ không phải trường niêm yết học phí bằng bitcoin. 

Nói rõ lại về vấn đề này, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch ĐH FPT, cho biết việc thông báo chấp nhận dùng tiền ảo bitcoin thực ra chỉ là một kênh để sinh viên nước ngoài thanh toán học phí cho trường chứ không phải trường niêm yết học phí bằng Bitcoin.

Tức là thông báo cho các em có thể mang Bitcoin sang Việt Nam và có thể chuyển thành tiền để thanh toán học phí cho trường được chứkhông phải sử dụng nó như một loại tiền tệ để đóng như tiền Việt hay USD.

Việc thử nghiệm thu học phí bằng Bitcoin vì đây là giải pháp khả thi đối với rất nhiều sinh viên nước ngoài đang học tập tại ĐH FPT. Đó là những sinh viên châu Phi, đặc biệt là từ Nigeria, họ rất khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để đóng học phí.

Ông Tùng chia sẻ, Bitcoin thực tế là một công cụ hỗ trợ cho việc nộp học phí của sinh viên. Sinh viên dùng Bitcoin để chuyển tiền sang Việt Nam, sau đó có thể đổi từ Bitcoin sang tiền mặt để nộp cho trường.

Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng đây chỉ là thử nghiệm vì bản thân ĐH FPT cũng có nhu cầu sử dụng một số bitcoin để phục vụ cho công tác nghiên cứu của trường vì trường có đào tạo về quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng nên không thể đứng ngoài được.

Ông Tùng nói thêm, việc trường thử nghiệm cũng chỉ ở quy mô nhỏ vì thực tế hiện trường chỉ có khoảng 100 sinh viên nước ngoài theo học, chiếm 1% số sinh viên.

Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc nhiều yếu tố về quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường.

Đánh giá về mức độ rủi ro của việc thu học phí bằng tiền ảo Bitcoin, ông Tùng cho rằng, việc thu phí bằng Bitcoin hay thu phí bằng ngoại tệ như hiện nay đối với sinh viên nước ngoài thì tỷ lệ rủi ro tỷ giá là tương đương.

Mặt khác theo TS Tùng, hiện Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến Bitcoin. Nhiều trường đại học trên thế giới cũng đã chấp nhận cho sinh viên sử dụng Bitcoin để thanh toán học phí.

Ông Lê Trường Tùng chia sẻ thêm: "Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Chúng tôi mong muốn thử nghiệm thu học phí, sử dụng đồng Bitcoin như một dạng giao dịch của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Là một trường đại học đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0".

Tiền ảo Bitcoin 

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp, được phát hành bởi Satoshi Nakamoto dưới dạng phần mềm mã nguồn, mở từ năm 2009.

Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào.

Hiện tại giá của bitcoin đã xấp xỉ gần 6.000 USD, đạt mức tăng trưởng hơn 500% chỉ trong năm 2017.

Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa công nhận bitcoin; tuy nhiên, một số nước đã chấp nhận đồng tiền ảo này như một hình thức thanh toán thứ ba.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn