Trường này dự kiến tuyển sinh 280 học sinh khối 6 (8 lớp, mỗi lớp 35 học sinh) với phương thức tuyển sinh được đưa ra gồm:
– Tuyển thẳng: đối với học sinh đạt giải quốc tế, khu vực, quốc gia về văn hóa (các lĩnh vực Toán, Tiếng Anh, Khoa học; giải Toán bằng Tiếng Việt, tiếng Anh trên Internet… do Bộ, Sở GD-ĐT tổ chức).
– Xét tuyển: học sinh tiểu học hoàn thành tốt 3 mặt giáo dục (học tập, năng lực, phẩm chất) liên tục từ lớp 1 đến lớp 5.
Điểm xét tuyển vào trường bằng tổng các điểm: bài kiểm tra cuối năm của 3 môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh; các giải về văn hoá, thể dục thể thao ở cấp tiểu học do Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp tổ chức; Chứng chỉ tiếng Anh.
Cụ thể, cộng điểm cụ thể các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 3 môn Toán, Tiếng Việt, tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5: học tập xuất sắc là 25 điểm (có 1 điểm 9 trừ 0,25 đ); học tập Tốt là 20 điểm (có 1 điểm 8 trừ 0,25 đ).
Cộng điểm cho những học sinh ở cấp tiểu học đạt giải trong các kỳ thi cấp Thành phố, cấp huyện các môn văn hóa, thể dục thể thao, văn nghệ, mỹ thuật. (có mức điểm cụ thể ở bảng kèm theo).
Đặc biệt, trường đưa ra mức cộng 20 điểm cho những học sinh có chứng chỉ tiếng Anh: TOEFL IBT 450; IELTS 3.0 do những đơn vị khảo thí tiếng Anh được Bộ hoặc Sở GD-ĐT cấp phép (chỉ cộng 1 lần cho chứng chỉ cao nhất).
Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều giáo viên và phụ huynh xôn xao. "Tại sao lại đưa ra mức điểm IELTS làm tiêu chí cộng điểm đối với các học sinh vừa tốt nghiệp cấp tiểu học", "Việc đưa ra những tiêu chí như thế này chẳng khác nào khuyến khích luyện thi IELTS cho trẻ ngay từ cấp tiểu học", các phụ huynh thắc mắc.
Trao đổi với VietNamNet, bà Trần Thị Thu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng, nhà trường dự kiến đưa ra tiêu chí liên quan đến chứng chỉ Tiếng Anh, bởi xét thấy khi các học sinh đạt các mức điểm đó thì cũng đạt trình độ tương đương với việc đạt giải Nhất tại các kỳ thi cấp huyện môn văn hóa.
“Xét thấy các học sinh đạt được các chứng chỉ này thì trình độ cũng ngang các học sinh đạt giải Nhất tại cuộc thi môn Tiếng Anh cấp huyện. Do đó, trường chúng tôi cũng quyết định đưa vào để khuyến khích, động viên các học sinh”, bà Thu nói.
Bà Thu giải thích thêm, trước đây khi nhiều cuộc thi các môn văn hóa, thể dục thể thao,... được tổ chức, thì nhà trường xét tuyển học sinh qua các danh hiệu cấp huyện, thành phố, quốc gia. Song, những năm gần đây, do để giảm áp lực thi cử cho học sinh, toàn Hà Nội cũng giảm bớt các cuộc thi. Vì vậy, nhà trường phải đưa thêm các hình thức ưu tiên cộng điểm từ các chứng chỉ ngoại ngữ.
Bà Thu cho hay, các mức Toefl IBT 450 hay Ielts 3.0 để cộng điểm do các giáo viên môn Tiếng Anh của trường đánh giá. Nhà trường dự thảo mức điểm đó, rồi trình Phòng GD-ĐT xét duyệt. Năm ngoái, nhà trường cũng đưa ra việc cộng 20 điểm cho các học sinh có chứng chỉ quốc tế trong việc tuyển sinh năm học 2020-2021. Không phải vì trường đưa ra mức cộng điểm thì các phụ huynh mới cho con đi học, luyện thi các chứng chỉ ngoại ngữ.
“Học Tiếng Anh giờ đây như phong trào chung trong xã hội. Không phải chỉ đăng ký vào trường chúng tôi mới thế, mà ở các trường khác cũng vậy, thực tế, nhiều phụ huynh đã đầu tư cho con đi học thêm tiếng Anh ngay từ cấp tiểu học với suy nghĩ học sớm thì khả năng phát âm, tiếp thu của con sẽ tốt hơn,...”, bà Thu nói.
Ngoài ra, theo bà Thu, các tiêu chí cộng điểm của nhà trường đưa ra cũng khác nhau ở từng năm chứ không phải năm nào cũng như nhau và không có mục đích tăng sự quan trọng của các kỳ thi về IELTS hay TOEFL.
Ngoài ra bà Thu cho hay, các chứng chỉ tiếng Anh này cũng được các cơ sở có uy tín, chất lượng cấp. Để có được mức điểm của các chứng chỉ quốc tế, các con cũng phải có tư duy và tố chất tốt về ngoại ngữ thì mới thi được, chứ không phải phụ huynh cứ đổ xô cho con đi học, ôn luyện là cũng đạt được chứng chỉ. Không phải cứ theo một khóa học xong là có thể đạt được. Do đó, phụ huynh cũng cần nhìn nhận rằng nếu khả năng con mình không đạt được thì không nên chạy đua đi học thêm, luyện thi.
Tuy nhiên, theo bà Thu, đây vẫn đang là dự thảo phương án tuyển sinh của nhà trường. Do đó, nhà trường cũng sẽ xem xét các ý kiến của phụ huynh và khi được Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì phê duyệt mới áp dụng chính thức.
Bình luận