Bé Hoàng Anh bên chiếc đàn bầu |
Thích đàn bầu từ thuở lọt lòng
Nghệ nhân nhí đó tên đầy đủ là Ngô Thị Hoàng Anh, con gái đầu lòng của anh Ngô Đình Quý và chị Chu Thị Huyền ở xóm 3, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Hoàng Anh sinh tháng 12/2005, lúc mới sinh ra cô bé chỉ nặng chưa đầy 3 kg, sức khỏe bình thường. Duy chỉ có điều là bé Hoàng Anh rất hay khóc, bố mẹ, ông bà dỗ dành thế nào cũng cũng không làm bé bớt khóc.
Một hôm, tình cờ ông nội của bé là Ngô Khắc Duy lấy cây đàn bầu ra chơi thì bé Hoàng Anh đang khóc trên vai mẹ, bỗng dưng im bặt không khóc nữa và hé môi cười.
“Kể từ lần đầu khi nghe tiếng đàn bầu bé Hoàng Anh không còn khóc và hờn dỗi mẹ nữa. Để kiểm chứng điều này, từ lần đó cứ mỗi lần nó khóc, hờn là tôi lại mang cây đàn bầu ra chơi một bản thế là bé Hoàng Anh lại cười vui”, ông Duy nói.
Anh Quý và chị Hiền còn kể, từ khi biết chơi đồ chơi, anh chị mua rất nhiều đồ chơi nhựa về nhưng Hoàng Anh chỉ chơi duy nhất chiếc đàn bầu nhựa.
Nghệ nhân nhí học giỏi, đàn hay
Bé Hoàng Anh (thứ 2 từ phải sang) bên ông nội
Ông Duy kể: “Mặc dù bé Hoàng Anh rất thích nghe tiếng đàn bầu từ lúc mới lọt lòng, nhưng để tiếp xúc với chiếc đàn bầu thì mới chỉ từ khi hè mẫu giáo cách đây 3 tháng. Hôm đó, cũng tình cờ trong lúc tôi đánh đàn cho cháu nghe, cháu liền chạy lại bảo ông dạy cho cháu chơi với”.
Nghĩ cháu còn nhỏ nên ông Duy bảo cháu không chơi được, đợi ít năm nữa lớn tuổi rồi ông dạy cho nhưng Hoàng Anh không chịu, nằng nặc đòi chơi thử. Thế là, đôi tay non sữa của bé bắt đầu đặt lên dây đàn từ lúc đó.
Chưa đầy 1 tuần sau, Hoàng Anh đã thể hiện thành công 2 làn điệu dân ca quen thuộc và nổi tiếng “Giận mà thương” và “Việt Nam quê hương tôi” khiến nhiều mọi người trong nhà bất ngờ.
Đến nay, sau 3 tháng tập đàn, Hoàng Anh đã chơi được tất cả 14 bài về dòng nhạc dân ca, ca ngợi quê hương đất nước, mà trong đó có những bài mà theo ông Duy thì đó là nhưng bài rất khó như bài “Vì miền Nam” của nhạc sỹ Huy Thục, hay bài “Lên Ngàn” và “Xe chỉ luồn kim”. Những bài thường được dùng trong thi tốt nghiệp bộ môn đàn bầu ở nhiều trường đào tạo âm nhạc.
Theo ông Duy, trung bình nếu một người bình thường để đánh được tiếng đàn bầu tròn tiếng chứ chưa nói đến luyến láy đứng nhịp điệu như Hoàng Anh cũng phải mất từ 2 năm đào tạo trở lên.
Trong cuộc thi liên hoan câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất tổ chức tháng 9 vừa qua, Hoàng Anh đoạt giải đặc biệt “Nghệ nhân nhí nhỏ tuổi sử dụng nhạc cụ hay nhất” và làm cả hội trường sửng sốt, thán phục trước phần thi của mình.
Nhiều thành viên Ban giám khảo nhận xét, để đánh được những bản nhạc như Hoàng Anh, một sinh viên thanh nhạc phải học mất 3 – 4 năm. Đó là chưa kể đến phong cách biểu diễn tự tin, luôn nở nụ cười, nghiêng ngả đắm say theo nhịp điệu của bài hát từ cách nhấn nhá, kéo dây đàn tạo nên âm thanh sâu lắng và động tác vẫy chào khán giả như nghệ sỹ chuyên nghiệp.
Khi được hỏi về việc dạy giỗ và phát huy tài năng của cháu trong tương lai, ông Duy cho hay: “Hiện tại cháu ở nhà với ông bà, còn bố mẹ cháu phải đi làm việc ở bên Lào. Vì vậy, trước mắt tôi cũng chỉ kết hợp bày dạy thêm đàn cho cháu vào những giờ nghỉ giải lao ở nhà và những hôm rảnh rỗi thứ bảy chủ nhật. Cái chính là để cháu học tập văn hóa ở nhà trường được tốt”. Theo đánh giá của giáo viên trường tiểu học xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Hoàng Anh là học sinh ngoan ngoãn, học giỏi và ca hát rất hay.
Cao Tuân
Bình luận