Sau khi xuất hiện clip, đã có nhiều ý kiến trái chiều về sự việc, nhiều người tỏ ra bức xúc trước việc sản phụ đến viện nhưng lại phải sinh con ngay tại chân cầu thang.
Nhiều người cũng cho rằng, BVĐK Hòa Bình bố trí Khoa Sản trên tầng 3 chưa hợp lý, gây khó khăn cho việc tiếp nhận các sản phụ khi chuyển dạ. Trước sự việc trên, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo BVĐK Hòa Bình để làm rõ sự việc.
Bác sĩ Phạm Thị Thoa, Trưởng Khoa Sản, BVĐK Hòa Bình, cho biết, sự việc thai phụ sổ thai ở cầu thang tầng 1, trước cửa khoa Nhi của bệnh viện khoảng 10h ngày 13/4.
Biết tin, các bác sĩ khoa Sản đã cấp tốc mang các phương tiện cần thiết chạy xuống đỡ mẹ và bé. Sản phụ này đã sinh em bé nặng hơn 3kg, được cắt rốn kịp thời, kết quả tốt. Sau đó các y tá đưa sản phụ lên khoa làm những bước còn lại.
Còn sản phụ sinh ngay tại chân cầu thang bệnh viện là chị N.T.T (41 tuổi, trú huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Đây là lần thứ 2 chị T sinh con. Lần siêu âm thai gần nhất cho kết quả dự sinh vào ngày 20/4.
Thời điểm chị T. chuyển dạ là khi đang đi thăm người thân trên thành phố Hòa Bình.
Bác sĩ Phạm Thị Thoa cho biết thêm, sau sinh khoảng 2 tiếng, có một người giới thiệu là mẹ chồng sản phụ T. đến xin cho chị này ra viện. Khoa Sản không đồng ý và giải thích phải để theo dõi ít nhất là 24 tiếng. Ngoài ra còn phải tiêm phòng cho cháu, thăm khám cả hai mẹ con, nếu khỏe mới được xuất viện.
“Đến sáng hôm sau (14/3), khoảng 7h30, bệnh viện không thấy hai mẹ con chị T đâu, liên hệ qua điện thoại nhưng không được. Ngày 15/4, một người giới thiệu là chị chồng sản phụ, mang theo bảo hiểm, chứng minh nhân dân của chị T. đến Khoa Sản thanh toán viện phí và xin giấy chứng sinh cho cháu bé. Vì vào ngày nghỉ, Khoa đã hẹn đến thứ Hai ngày 17/4”, bác sĩ Thoa nói.
Khoa sản ở tầng 3 đã 10 năm
Bác sĩ Trương Quý Dương, Giám đốc BVĐK Hòa Bình chia sẻ: "Đây là việc đáng tiếc xảy ra cho cả bệnh viện và sản phụ. Nếu mà chúng ta (sản phụ) có được sự chuẩn bị tốt thì sẽ tốt hơn. Thời điểm sổ thai, sản phụ này chưa phải là bệnh nhân của bệnh viện". Bởi bệnh nhân không qua phòng khám theo quy định mà đến thẳng khoa Sản.
Bác sĩ Dương giải thích thêm: Theo quy định, bệnh nhân hay sản phụ đến viện, đầu tiên phải qua phòng khám. Nếu chuyển dạ đẻ ngay, bác sĩ sẽ hướng dẫn làm thủ tục và đưa sản phụ lên Khoa Sản trên tầng 3 bằng thang máy. Nếu sản phụ còn khỏe, chưa đẻ ngay thì đi bằng cầu thang bộ cùng người nhà. Do sản phụ T đi một mình đến viện, không qua phòng khám nên bệnh viện không biết để tiếp đón thăm khám chăm sóc từ đầu.
Trên thực tế, đã từng có những trường hợp sản phụ đẻ trên xe taxi, hay đẻ ở ngay cổng bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
Mặc dù trường hợp này hoàn toàn do khách quan đưa lại nhưng bác sĩ Dương cũng thẳng thắn cho rằng bệnh viện cần phải rút kinh nghiệ và sẽ thiết lập lại hệ thông hướng dẫn, biển báo đường đi cho người bệnh biết, tăng cường việc tiếp đón giúp đỡ bệnh nhân khi vào viện được tốt hơn.
Bác sĩ Trương Quý Dương cũng gửi lời xin lỗi đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vì vụ việc đáng tiếc đã xảy ra. Đồng thời cảm ơn các ý kiến đóng góp của người dân, đã quan tâm, thẳng thắn phê bình, góp ý, động viên bệnh viện.
Về một số thắc mắc của người dân trong việc bố trí khoa phòng ở BVĐK Hòa Bình chưa hợp lý, bác sĩ Dương giải thích: Khoa Sản của bệnh viện nằm ở tầng 3 đến nay đã hơn 10 năm, nhưng chưa có trường hợp nào do sản phụ leo cầu thang mà bị sổ thai.
Theo thiết kế, hiện nay không có bệnh viện nào làm nhà 1 tầng, về mặt nguyên tắc những khoa nào mức độ bệnh nhân thấp, yêu cầu về chuyên môn cao, đặc biệt yêu cầu cao về vệ sinh môi trường, cách ly với các nguồn bệnh, yêu cầu ngặt nghèo thì phải đưa lên tầng cao.
Giám đốc BVĐK Hòa Bình cho rằng, việc bệnh viện bố trí Khoa Nhi ở tầng 01 là hợp lý bởi khoa này thường xuyên đông bệnh nhân, lưu lượng người nhà đi theo thăm nuôi qua lại lớn. Các cháu nằm viện nhưng vẫn có tính hiếu động hay chạy nhảy nên cần sự an toàn.
Video: Sản phụ chuyển dạ giữa đường, dân chung tay đỡ đẻ
Bình luận