(VTC News) - Ngay sau khi bài văn lạ của cậu học sinh Nguyễn Trung Hiếu (11 chuyên Lý trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam) được đăng trên mạng đã có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện này.
Thậm chí nhiều người tỏ ra ngạc nhiên: “Trường Ams cũng có học sinh nghèo thế à?”. Tuy đây là ngôi trường nổi tiếng bởi thành tích học tập xuất sắc nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, đây vẫn là ngôi trường của “Con nhà giàu”. VTC News xin trích đăng tâm sự của bạn Trúc Quỳnh - Chuyên Văn khóa 09 – 12 xung quanh vấn đề này.
Amsers giàu gì và nghèo gì?
Có lẽ chưa bao giờ những định kiến xã hội lại có cơ hội thể hiện tự do và rộng rãi đến vậy trong thời buổi toàn cầu hóa, tốc độ hoạt động và phát triển của con người được tính bằng từng tích tắc. Chỉ vài giây sau cái chết của ông Muammar Gaddafi những hình ảnh và thông tin đã tràn ngập như một cơn bão báo chí trên khắp thế giới.
Định kiến xã hội về giàu nghèo |
Định kiến xã hội xuất phát từ sự bất bình đẳng xã hội và những quan niệm sai lạc; như ở đâu cũng có kẻ giàu, người nghèo. Khi còn nhỏ những đứa trẻ chơi với niềm vui tự nhiên nhất, nhưng sẽ có ngày chúng lớn lên, được học về những điều gì là "đúng" và "sai"; như Gallileo từng phải quỳ xuống thề từ bỏ quan niệm trái đất tròn quay quanh mặt trời trước giáo hội để củng cố đức tin mù quáng của các con chiên trên khắp thế giới trong khoảng thời gian quá dài.
Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam từng là 67 lần, bây giờ thì chẳng ai dám chắc con số ấy đang leo thang đến đâu. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự chênh lệch giàu-nghèo tại Mĩ cũng chạm ngưỡng cao nhất và tại London con số là 273 lần.
Liệu đó có phải là sự bất công giữa một bên "tiền lại đẻ ra tiền" với một bên không bao giờ ngóc đầu lên được? Nếu nghèo là một cái tội thì ai là người gây ra nó? Bao giờ thì những người có tiền không bị gán là "bọn" nhà giàu? Khi nào, người ta sẽ tìm cách vượt lên hoàn cảnh thay vì suy nghĩ hạn hẹp, ích kỉ?
Trường Ams vốn nổi tiếng với nhiều nữ sinh học giỏi và xinh đẹp ( Ảnh: Phạm Thịnh) |
Có lẽ không phải lần đầu tiên mà đã rất nhiều lần những câu chuyện về học sinh trường Hà Nội - Amsterdam làm xôn xao những trang báo mạng và dậy sóng những bình luận của độc giả.
Gần đây nhất là bài văn của em Nguyễn Trung Hiếu lớp 11 Lý viết về giá trị của đồng tiền được đưa lên mạng đã làm không ít người cảm động rơi nước mắt, nhưng cũng gợi lên suy nghĩ không biết vô lý hay vô tâm: "Trường Ams cũng có kiểu này ư?"
Những bình luận, chia sẻ cảm xúc về bài văn của em Hiếu trên một trang facebook. |
Đôi khi, giá trị một con người được đo đếm đơn giản bằng chiếc điện thoại người đó dùng, xe họ đi, ngôi trường họ học hay trang facebook có nhiều bạn bè không. Trường Ams không thiếu những học sinh gia đình giàu có, có điều kiện. Nhưng họ không phải những cậu ấm cô chiêu chỉ biết tiêu xài tiền của bố mẹ; chưng diện và khoe khoang theo kiểu lố bịch càn rỡ như những câu chuyện gây sốc trên mạng.
Dưới mái trường ấy trong suốt hơn 26 năm kể từ ngày thành lập luôn là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, là nơi có những giáo viên tạo điều kiện để học sinh trưởng thành tự nhiên đúng với mình nhất.
Một người lạ đến trường Ams có thể được tận mắt thấy tai nghe những câu chuyện thú vị, kì lạ nhất mà chắc chắn sẽ làm họ thay đổi những suy nghĩ của họ về cuộc sống, theo một cách nào đó.
"Hà Nội - Amsterdam" đã thành thương hiệu khiến người ta nể trọng, không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Đó chẳng phải niềm tự hào lớn cho đất nước?
Đúng vậy. Từ những giải quốc gia, những huy chương quốc tế đến sau mỗi khóa học kết thúc, năm nào cũng vậy học sinh Ams đều ghi danh tại những đại học danh tiếng nhất thế giới như Harvard, Yale, Columbia, MIT, Stanford, Princeton v.v...
Không chỉ mạnh về thành tích học tập, người ta biết đến Ams là môi trường năng động, cạnh tranh. Những hoạt động, các cuộc thi lớn trong trường như Ngày hội anh tài, Ams's got Talent, Made in 12 v.v... đều do một tay những nhóm học sinh tự lo liệu từ khâu lên kế hoạch, xin tài trợ... dưới sự cho phép của BGH và được tổ chức chuyên nghiệp đến khó tin. Phải chăng sự thật thường khó tin?
Teen trường Ams năng động với nhiều hoạt động sôi nổi suốt năm học |
Mặc cảm giàu nghèo là một cảm xúc rất nhỏ nếu so với mặc cảm về nhận thức. Đất nước Việt Nam là cái nôi của nhiều tài năng lớn. Những tài năng được nuôi dưỡng không giống như một con rô-bốt, làm tất cả những việc nó được lập trình, mà sự tài hoa thực sự chỉ nở khi phá vỡ những quy luật.
Những người nhiều tiền sẽ có quyền chọn lựa mặc gì, ăn thế nào,.. nhìn bên ngoài thì điều đó là đáng mơ ước. Nhưng ước mơ có tiền chỉ là tấm đệm sau khi con người tìm thấy ước mơ thực sự của mình và sau khi họ dũng cảm vượt lên chính mình.
Những kẻ hèn là những người không chịu thay đổi, chối bỏ sự thay đổi và sáng tạo. Rất tiếc, phần lớn định kiến của xã hội là như thế. Mặt trong họ nể nhưng mặt ngoài họ tỉnh bơ nhận xét "thường thôi". Vậy là rõ ràng họ nhận thức được khả năng của mình nhưng còn thiếu ý chí. Phải như thế mới thấy được tầm quan trọng của người đi đầu.
Xét một vài khía cạnh, Ams là người dẫn đường như thế - nơi khởi nguồn của những ý tưởng lạ. Khó khăn không đánh gục sự nhiệt huyết mà hơn thế là động lực chân chính. Đó là mái trường mà lớp đàn anh đàn chị đi trước sẽ có những đàn em theo sau, nối tiếp bảng vàng thành tích cho trường. Và chúng ta không thể phủ nhận điều kiện kinh tế có đóng góp vào những đổi thay ấy.
Người ta có thể rẻ rúng hoặc xem trọng giá trị đồng tiền đến đâu chăng nữa, nhưng nghĩ đến cùng đâu phải người giàu có đã là người hạnh phúc. Giàu có mà không có điểm dừng, sẽ không chạm vào hạnh phúc. Học sinh theo học dưới mái trường Hà Nội - Amsterdam không đến trường để khoe giàu hay kể khổ. Một cách đơn giản nhất, đó là nơi gặp mặt bè bạn, thầy cô; là ngôi nhà thứ hai chắp cánh ước mơ của họ. Chín chắn trong cách suy nghĩ và làm việc nhưng là những học sinh, chẳng ai thiếu được bè bạn và những câu chuyện rất học trò. Đó là hạnh phúc được làm học sinh Ams.
Khẩu hiệu bất hủ của các Amsers: "Once Amser,Forever Amser" |
Ban đầu nhiều người ấn tượng khi xem những hình ảnh về ngôi trường ấy. Thế nhưng, đâu phải học ở một ngôi trường danh tiếng có nghĩa là có nhiều tiền. Đó là sự sai lệch nhận thức thảm hại nhất khi lòng đố kị làm lu mờ lý trí. Khi người ta nghĩ rằng một cái gì đó có thể có mùi vị ghê tởm thì có thể nó sẽ như vậy - không phải vì người ta cảm nhận nó như thế mà là vì người ta chờ đợi nó sẽ như vậy.
Chính thầy Hiệu trưởng cũng không phủ nhận học sinh Ams còn thiếu sót, có suy nghĩ tự đắc về mình. Thầy không chỉ trăn trở về việc duy trì và phát huy thành tích, thế mạnh của hơn 2600 học trò mà còn luôn tìm cách rèn luyện phát triển họ thành những con người tài năng và sống có đạo đức.
Chúng ta không ưa những kẻ khoe giàu hợm của, và học sinh Ams cũng vậy. Đơn giản, họ có đủ quyền tự hào về những việc mà bản thân họ đã làm được ở độ tuổi nhiều người vẫn nghĩ rằng "trẻ con thì biết gì về đời".
Tinh thần Amsers đã là một cầu nối vô hình với biết bao thế hệ và là một sức mạnh dám nghĩ - dám làm không thể lẫn vào bất cứ đâu là điều cuối cùng bài viết muốn gửi gắm. Đừng để đồng tiền và những mặc định về nó lan truyền những suy nghĩ vô cảm.
Suy nghĩ của bạn đọc xung quanh câu chuyện về cậu học trò nghèo Nguyễn Trung Hiếu và định kiến giàu nghèo xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.
Trúc Quỳnh
- Chuyên Văn khóa 09 - 12
Bình luận