Tuy vậy, giữa muôn vàn khó khăn, vẫn có những doanh nghiệp nỗ lực trở lại sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Xoay chuyển tình thế
Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel, ông Nguyễn Tiến Đạt, cho biết: AZA Travel là một trong số ít doanh nghiệp du lịch không phải đóng cửa ngày nào trong suốt hai năm qua, dù đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.
Từ đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CEO AZA Travel quyết định chuyển phần lớn nhân sự sang sản xuất, kinh doanh bia tươi organic cao cấp Euro Beer, mặt nạ phòng chống dịch, đồng thời nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, tiết giảm nhân sự đến mức thấp nhất.
“Dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh chóng, AZA Travel đã hoãn, hủy tất cả các tour với hàng nghìn khách hàng. Chuyển sang sản xuất và kinh doanh bia tươi organic cao cấp Euro Beer, điều đáng mừng là phản ứng của thị trường rất tốt. Euro Beer đẩy mạnh bán online, ship đến tận nhà khách hàng. Nhờ đó, một bộ phận nhân viên vẫn có việc làm, thậm chí có thu nhập cao hơn khi làm du lịch”, ông Nguyễn Tiến Đạt lý giải.
Đầu năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn. Ngành du lịch đề xuất mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, áp dụng từ ngày 15/3, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của ngành lữ hành và nhà hàng khách sạn, cũng như đáp ứng nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách trong nước và quốc tế. Tổng Giám đốc AZA Travel đánh giá đây là “cơ hội vàng” để du lịch Việt Nam phục hồi. Tuy nhiên, để thành công, mỗi doanh nghiệp cần có những bước đi mới, ứng dụng chuyển đổi số, tạo lực thúc đẩy phát triển. CEO của AZA Travel cũng kỳ vọng được tiếp cận vốn tín dụng để doanh nghiệp lấy lại phong độ.
Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Vina T&T Group, chia sẻ: Dịch COVID-19 ập đến khiến đa số doanh nghiệp điêu đứng. Nhiều người lao động mất việc làm. Tuy nhiên, khó khăn với người này lại có thể là cơ hội của người khác. Với Vina T&T Group, khi các đối tác cần khẩu trang, dụng cụ y tế, doanh nghiệp tích cực tìm nguồn hàng cung cấp, tăng doanh thu. Ngay trong dịch, Vina T&T Group mở chuỗi quán cà phê, cửa hàng trái cây, vì “đây là cơ hội để thương lượng giá thuê mặt bằng tốt với thời gian dài”.
Nhờ tinh thần quyết tâm, sáng tạo, năm 2021, Vina T&T Group cán đích với kết quả hơn cả kỳ vọng khi doanh thu xuất khẩu tăng trưởng 18%. Tuy nhiên, lợi nhuận giảm nhẹ so với năm 2020 do doanh nghiệp gánh chi phí đầu vào tăng (logistis tăng cả chục lần so với trước dịch, chi phí sản xuất 3 tại chỗ, đầu tư cho nguồn nhân lực...). CEO Nguyễn Đình Tùng cho rằng, dịch bệnh được kiểm soát tiếp thêm niềm tin, giúp doanh nghiệp sớm trở lại guồng quay phát triển.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID-19 đòi hỏi doanh nghiệp phải có tư duy mới và tầm chiến lược mới để “biến nguy thành cơ”.
“Hậu quả từ đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu nguyên liệu và lao động tay nghề cao, nhiệm vụ của các doanh nghiệp sẽ nặng nề hơn. Mỗi doanh nghiệp phải có kế hoạch cụ thể để tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng và đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Muốn thành công, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và có tầm nhìn chiến lược mới, phù hợp”, ông Long nói.
Theo ông Long, kết quả kinh doanh khả quan của nhiều doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm là minh chứng rõ ràng, là tín hiệu tích cực về sự phục hồi, bắt nhịp trở lại sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam sau thời gian khó khăn vì dịch COVID-19.
Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nhằm thích ứng trong bối cảnh “bình thường mới”, doanh nghiệp nên có kế hoạch cụ thể, chiến lược phát triển rõ ràng, chủ động xây dựng phương án sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, cũng như xây dựng mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững.
“Doanh nghiệp cần lên kế hoạch kinh doanh với kịch bản đối phó với khó khăn, bất lợi; xây dựng kế hoạch tài chính cho 3 năm tới; chú trọng quản trị rủi ro trong kinh doanh, không nên quá trông chờ vào Chính phủ. Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp nên xây dựng các nguồn dự phòng và tìm thị trường mới thay thế thị trường đang bị tác động bởi chiến tranh”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, quá trình phục hồi sau đại dịch nếu chỉ dựa vào nỗ lực của các doanh nghiệp thì chưa đủ, bởi sau 4 làn sóng dịch bệnh liên tiếp, nền kinh tế Việt Nam đã tổn thương trên diện rộng, nhiều doanh nghiệp đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trước tác động chưa từng có của dịch bệnh, điều mà nền kinh tế cần và các doanh nghiệp kỳ vọng là các chính sách, gói hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ... đủ lớn, giúp doanh nghiệp sớm lấy lại phong độ, và nền kinh tế sẽ sớm phục hồi.
Bùng nổ lợi nhuận
Ngay quý I năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã báo lãi cao gấp vài lần, thậm chí cả chục lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đứng đầu danh sách là Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát Group, mã HPG) với lãi ròng hơn 8.200 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, tương ứng bình quân tạo ra hơn 90 tỷ đồng lợi nhuận cho cổ đông mỗi ngày.
Theo lãnh đạo Hòa Phát Group, quý đầu năm, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thép như than luyện coke, quặng sắt… tăng cao. Tuy nhiên, các nhà máy của Hòa Phát luôn hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hòa Phát đã sản xuất 2,16 triệu tấn thép thô, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát Group duy trì mức sản lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu giá thành khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Mảng bất động sản, các khu công nghiệp của Hòa Phát như Phố Nối A, Yên Mỹ II (Hưng Yên) tiếp tục được đầu tư mở rộng. Tỷ lệ lấp đầy đạt 100% diện tích khu vực đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tập đoàn cũng tích cực nghiên cứu, triển khai dự án bất động sản khu đô thị có tính thanh khoản cao tại một số tỉnh, thành phố.
Ở lĩnh vực điện máy gia dụng, ngoài tủ lạnh, tủ đông, máy điều hòa nhiệt độ, Hòa Phát bắt đầu cung cấp máy làm mát không khí từ quý I/2022 và đang đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy mới tại Hà Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu, sản xuất máy lọc nước, máy lọc không khí, tủ mát… Dự kiến quý III/2022, những sản phẩm điện gia dụng đầu tiên từ 2 nhà máy mới sẽ ra mắt thị trường.
Điểm sáng tiếp theo thuộc về “ông lớn” bất động sản - Công ty Cổ phần Vinhomes (Vinhomes, mã VHM) - với lãi ròng đạt 4.540 tỷ đồng. Doanh thu thuần ghi nhận gần 8.924 tỷ đồng, có được từ việc bàn giao các công trình bất động sản là nhà ở tại 3 đại dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Grand Park.
Quý I/2022, nhà phát triển bất động sản hàng đầu này ra mắt một số dự án lớn như phân khu The Pavilion (Vinhomes Ocean Park), phân khu The Tonkin (Vinhomes Smart City), giai đoạn 2 của Vinhomes Ocean Park - The Empire, tổ chức bán hàng tại phân khu The Beverly (Vinhomes Grand Park).
Mảng hoạt động chuyển đổi số, Vinhomes tiếp tục phối hợp linh hoạt các hoạt động truyền thông nhằm quảng bá thương hiệu và mở bán các dự án mới trên cả hai nền tảng online và offline để thích ứng với giai đoạn mới. Hiện quy mô tổng tài sản Vinhomes đạt 233.963 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 136.072 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,5% và 3,5% so với thời điểm đầu năm.
Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã GAS) cũng báo lãi ròng cao nhất từ 2018 đến nay, đạt 3.428 tỷ đồng, tăng 69%. Theo PV Gas, doanh nghiệp đang tập trung đầu tư dự án kho LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải và các dự án thành phần, sẵn sàng nhập khẩu vào năm 2023.
Trong quý đầu năm 2022, PV Gas đã thành lập Công ty Kho cảng LNG Sơn Mỹ, chuẩn bị cho việc triển khai dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ vào năm 2023. Ông lớn ngành khí cũng dự kiến góp vốn với tỷ lệ 51% vào dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Dự án này có tổng mức đầu tư quy đổi 28.788 tỷ đồng.
Điểm sáng nữa trong bức tranh kinh doanh quý đầu năm 2022 là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) với khoản lãi hơn 2.000 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ và cao nhất từ trước đến nay. Đại diện Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cho biết, sản lượng bán UREA tăng 30%, NPK tăng 33%, NH3 tăng 13% và giá bán trung bình các loại phân bón hóa chất cũng gia tăng mạnh, từ hơn 70% - 170%, giúp công ty bù đắp chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong đó, giá khí nguyên liệu tăng khoảng 37%.
Trong nhóm ngành dệt may, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG công bố doanh thu thuần quí I đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỉ đồng, tăng 74%. Theo ban lãnh đạo TNG, trong kỳ, công ty đã bổ sung máy móc thiết bị tự động, kiểm soát sản xuất theo mốc giờ đến từng người lao động nên nhân sự lao động và số lượng sản phẩm được cải thiện.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng tăng, tình trạng khan hiếm container được cải thiện, hàng hóa xuất khẩu không bị ách tắc ở cảng, giúp doanh thu tăng. Ngoài ra, công ty áp dụng triệt để phần mềm trong sản xuất. Vấn đề thu hồi công nợ được cải thiện, khách hàng thanh toán tốt hơn nên chi phí lãi vay giảm, chi phí bán hàng giảm.
Thêm loạt doanh nghiệp cũng báo lãi hơn nghìn tỷ trong quý đầu năm là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (mã FPT), Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB)…
Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, doanh thu quý I đạt 3.634 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.506 tỷ đồng. Quý đầu năm đạt kết quả lợi nhuận tăng cao đột biến là do sản lượng và giá bán mặt hàng phốt pho vàng, axit photphoric trích ly, phân bón của tập đoàn tăng. Bên cạnh đó, quý I đã có sản lượng quặng, giúp tiết giảm chi phí mua quặng apatit đầu vào, làm giảm giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận.
Bình luận