• Zalo

Xóa tên 320 luật sư: Những câu hỏi cần làm rõ

Pháp luậtChủ Nhật, 06/01/2019 08:30:00 +07:00Google News

Quyết định xóa tên các luật sư vi phạm nghĩa vụ đóng phí, vi phạm Điều lệ Liên đoàn Luật sư tuy có đủ căn cứ pháp lý nhưng còn nhiều điều đáng bàn.

Mặc dù không phải lần đầu nhưng vì con số quá lớn nên thông tin “320 luật sư (LS) vừa bị Đoàn LS TP.HCM xóa tên khỏi đoàn do không đóng phí liên đoàn và phí thành viên liên tục nhiều năm” đang gây nhiều chú ý. Trên báo chí, lãnh đạo của Đoàn LS TP.HCM cùng vài LS khác đã có nhiều giải thích nhưng chúng tôi cho rằng có một số ý kiến cần được xem xét lại cho hợp lý hơn.

1. Việc xóa tên đó có phải là quyết định kỷ luật LS không?

Câu trả lời được nhiều LS tên tuổi đưa ra là: Không phải.

Điều đáng nói là Luật LS và Điều lệ Liên đoàn LS 2015 chỉ đưa ra hai trường hợp xóa tên là kỷ luật LS và giải quyết cho LS rút tên khỏi đoàn. Vậy, nếu nói việc xóa tên 320 LS không đóng phí trong nhiều năm không phải là một hình thức kỷ luật thì đó là gì?

Theo Điều 85 Luật LS, khi vi phạm quy định của luật này, Điều lệ, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của LS thì LS có thể bị kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Hình thức kỷ luật cao nhất là xóa tên khỏi danh sách LS của đoàn LS.

xoa-320-luat-su_plbo_thumb

 

Điều lệ Liên đoàn LS Việt Nam 2015 có quy định nghĩa vụ của LS là nộp phí thành viên đầy đủ và đúng kỳ hạn. Điều lệ này còn dành ra Điều 40 để quy định về việc kỷ luật đối với LS, trong đó có hẳn một nội dung về việc xử lý LS không đóng phí thành viên. Chi tiết là 18 tháng không đóng phí sau khi đã được thông báo công khai trong phạm vi đoàn LS thì đương nhiên bị xóa tên khỏi danh sách đoàn.

Như vậy, khi các LS vi phạm nghĩa vụ nộp phí khiến đoàn phải xóa tên theo các điều, khoản rõ ràng của Điều lệ Liên đoàn LS và Luật LS thì cần phải xác định cho đúng là bị kỷ luật, chứ không thể lưng lửng ngoài vòng pháp luật được. Riêng những trường hợp không thể đóng phí vì bất khả kháng (như: Đã mất, không còn ở Việt Nam…) thì đoàn LS có thể tách ra, không quy vào diện bị kỷ luật để tránh gây oan khiên, nhập nhằng nhẹ, nặng.

2. Thu hồi chứng chỉ hành nghề và thẻ LS theo diện gì?

Từ chỗ cho là không phải là một hình thức kỷ luật có phần thiếu thuyết phục mà nhiều ý kiến về cách xử lý tiếp theo bị mâu thuẫn và có thể không chính xác.

Chẳng hạn, có ý kiến cho là xóa tên do không đóng phí thì không bị thu hồi chứng chỉ hành nghề LS, chỉ khi nào bị xóa tên đã hai năm mà không gia nhập đoàn nào thì mới bị thu hồi chứng chỉ. Thế nhưng theo Luật LS thì thời hạn hai năm không gia nhập đoàn LS nào dẫn đến bị thu hồi chứng chỉ hành nghề LS chỉ tính từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề, chứ không hề tính theo thời điểm bị xóa tên.

Trong khi đó, LS Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM, cho biết: Với quyết định xóa tên 320 LS nói trên, đoàn đã thông báo đến Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề LS, đề nghị Liên đoàn LS Việt Nam thu hồi thẻ LS.

Theo Luật LS, những trường hợp không còn ở trong nước sẽ thuộc diện bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Đối với rất nhiều trường hợp còn lại, nếu cho là không phải kỷ luật thì vì sao Đoàn LS TP.HCM lại làm các việc thông báo, đề nghị thu hồi chứng chỉ… theo quy định của khoản 3 Điều 85 Luật LS về việc xử lý kỷ luật LS?

Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS sẽ tiếp nhận, xử lý như thế nào khi các quy định hiện hành chỉ đề cập đến việc thu hồi chứng chỉ, thẻ đối với mỗi diện bị xóa tên do kỷ luật?

Tóm lại, quyết định xóa tên các LS vi phạm nghĩa vụ đóng phí, vi phạm Điều lệ Liên đoàn LS là có đủ căn cứ pháp lý. Vấn đề cần bàn thêm là phải xác định đúng bản chất của việc xóa tên đó để các bước liền theo như khiếu nại, cấp lại chứng chỉ hành nghề, thẻ LS, gia nhập lại đoàn LS được các cá nhân và các cơ quan chức năng thực hiện thống nhất theo thời gian, trình tự quy định.

>>> Đọc thêm: Kiểm điểm 12 người gây oan sai cho ông Nén: ĐBQH, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN nói gì?

(Nguồn: plo.vn)
Bình luận
vtcnews.vn