• Zalo

Xóa bỏ kỳ thi THPT Quốc gia sẽ không thể có bức tranh giáo dục toàn vẹn

Giáo dụcThứ Sáu, 03/08/2018 10:18:00 +07:00Google News

Nhiều giáo viên cho rằng không vì sai phạm ở một số địa phương mà quay lại kiểu thi cũ và đề xuất bỏ kỳ thi THPT Quốc gia.

Video: Học sinh gian lận kỳ thi THPT Quốc gia sẽ bị xử lý ra sao?

Những ngày qua, vấn đề nên duy trì hay không kỳ thi THPT Quốc gia được nhiều bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn. Dư luận hết sức bức xúc khi xảy ra gian lận điểm thi trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở một số địa phương, đặc biệt là sai phạm chấn động làm sai lệch điểm thi ở Hà Giang, Sơn La.

Một số ý kiến cho rằng cần bỏ Kỳ thi THPT Quốc gia, trả lại việc tổ chức thi tuyển đại học cho các trường đại học như trước. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng cần giữ ổn định kỳ thi như hiện nay, không thể vì một vài cán bộ sai phạm, địa phương gian lận mà hủy bỏ công sức, nỗ lực đổi mới, giảm áp lực thi cử của toàn ngành giáo dục... 

Đừng phủ nhận thành quả của kỳ thi THPT Quốc gia

Trước nhiều ý kiến tranh luận, nhiều giáo viên cho rằng, qua từng năm, Kỳ thi THPT Quốc gia đã có những điều chỉnh hợp lý. Vì vậy, dư luận không nên quy chụp từ sự việc Hà Giang, Sơn La mà nghi ngờ đến sự nghiêm minh, nghiêm túc của các tỉnh, thành còn lại.

Trả lời VTC News thầy giáo Trịnh Quỳnh – giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia là cần thiết bởi đó là một phần trong quá trình dạy và học. Hơn nữa, kỳ thi THPT Quốc gia cũng đã thể hiện rõ những ưu thế đúng theo dự kiến của Bộ GD-ĐT như giảm áp lực cho học sinh về cả quy trình, thủ tục lẫn cách học và thi.

"Tuy trong quá trình thực hiện, kỳ thi gặp phải những bất cập nhưng theo tôi không vì thế mà xóa bỏ.  Nếu xóa bỏ kỳ thi THPT Quốc gia sẽ không thể có được bức tranh giáo dục toàn vẹn, không đánh giá được kết quả của quá trình dạy học cũng như định hướng được hoạt động dạy và học. Khi đó, chất lượng giáo dục sẽ không được đánh giá chính xác và bị buông lỏng, mất kiểm soát”, thầy Quỳnh khẳng định.

trinh-quynh 4

 Thầy giáo Trịnh Quỳnh cho rằng nên duy trì kỳ thi THPT Quốc gia.

Đồng quan điểm, cô Phùng Thu Hiền, giáo viên môn Trường THPT Quốc Oai (Hà Nội) cũng cho rằng, không nên bỏ kỳ thi THPT Quốc gia vì kỳ thi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các em học sinh sau 12 năm đèn sách.

Cô Hiền khẳng định, tinh thần của Kỳ thi “2 trong 1” là rất thiết thực, các thí sinh chỉ phải thi một kỳ thi gọn, nhẹ, không lãng phí nhiều thời gian, công sức và tiền bạc đi thi ở nhiều nơi, nhiều trường, không nên vì một vài sự việc đáng tiếc diễn ra trong thời gian qua mà nên đánh giá cả kỳ thi, đề nghị bỏ kỳ thi như một số ý kiến, như vậy là phủ nhận toàn bộ nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua. Nếu tất cả các cán bộ đều có trách nhiệm, công tâm, không vụ lợi cá nhân thì sẽ không xảy ra vụ việc như ở Hà Giang, Sơn La.

"Ở kỳ thi THPT năm nay, khâu coi thi đảm bảo đúng quy chế, công bằng. Tuy nhiên, khâu chấm thi và bảo vệ kết quả thi còn chưa chặt chẽ, tạo điều kiện cho một số cá nhân can thiệp vào kết quả thi, gây hoang mang cho nhiều thí sinh tham gia kỳ thi và cả các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc kịp thời của Bộ GD-ĐT trong việc lắng nghe ý kiến phản ánh của học sinh giáo viên về tiêu cực tại một số sở giáo dục địa phương. Việc làm này không chỉ lấy lại sự công bằng cho các em học sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 mà còn lấy lại lòng tin của học sinh cả nước vào kỳ thi THPT", cô Hiền nhận xét.

XEM THÊM BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐÂY

Thầy Đỗ Văn Toàn, giáo viên môn Vật Lý trường THPT Xuân Hưng (Đồng Nai) cho rằng, với tình hình hiện tại vẫn nên duy trì kỳ thi THPT Quốc gia nhưng cần có sự giám sát chặt chẽ của Bộ ở từng địa phương và các trường Đại học. Việc chấm bài thì theo khu vực, chấm chéo và có sự giám sát của Bộ thì mới khắc phục được tiêu cực.

 "Nếu bỏ kỳ thi này chắc là 80% học sinh không chịu học. Không nên nhìn vào tiêu cực đã xảy ra mà đòi bỏ cả kỳ thi. Điều quan trọng là qua những việc đó, phải biết rút kinh nghiệm và hoàn thiện hơn. Nếu cứ thấy việc gì có vấn đề là bỏ thì sẽ không bao giờ làm được việc gì cả.

Thực ra việc tổ chức thi ở nhiều địa phương vẫn rất tốt. Đơn cử như chỗ tôi thì kỳ thi đã diễn ra rất nghiêm túc. Để xảy ra sai phạm là do công tác chấm thi vẫn còn nhiều kẻ hở để lợi dụng gây tiêu cực.

“Nếu bỏ kỳ thi thì với “bệnh thành tích, cục bộ” ở ta hiện nay, sẽ có học sinh dù không cố gắng học cũng vẫn có bảng điểm, học bạ đẹp để tốt nghiệp, trình độ mặt bằng giáo dục chung cả nước sẽ không thống nhất, rất khó kiểm soát về chất lượng khi khâu quản lý của chúng ta còn kém.

Nhưng cần có sự giám sát chặt chẽ của Bộ ở từng địa phương và các trường đại học. Việc chấm bài thì theo khu vực, chấm chéo và có sự giám sát của Bộ thì mới khắc phục được tiêu cực.

Gay gắt hơn, một giáo viên xin được giấu tên tỏ thái độ bức xúc cho rằng, những ai đề xuất bỏ kỳ thi THPT là đang phá hoại nền giáo dục.

"Đổi mới thi cử cần xuất phát từ một quan niệm đúng đắn về thi tốt nghiệp THPT. Đúng là kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức theo hướng đổi mới đã ngày càng giảm áp lực thi cử đối với học sinh, xã hội, đặc biệt là cho các thành phố lớn; tạo thuận lợi cho học sinh và gia đình; giảm bớt tình trạng dạy và học lệch. 

Kỳ thi này nếu được tổ chức nghiêm túc đúng quy chế từ khâu ra đề coi thi đến chấm thi sẽ là thước đo chính xác đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông. Phương án này khi mới đưa ra rất được học sinh hoan nghênh".

1_81842

Nhiều giáo viên cho rằng, không nên vì một vài sự việc đáng tiếc diễn ra trong thời gian qua mà nên đánh giá cả kỳ thi, đề nghị bỏ kỳ thi như một số ý kiến, như vậy là phủ nhận toàn bộ nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua.

Giáo viên này phân tích nếu vẫn tiếp tục giữ kiểu thi tốt nghiệp THPT nặng nề như cũ, và sau đó 1 tháng là thi 3 chung rất căng thẳng, thì e rằng đó mới chính là một cách làm không giống ai, đi ngược lại xu thế phổ biến của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

"Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói "đổi mới giáo dục phải có lộ trình, không có giải pháp nào hoàn hảo". Dù thế nào cũng không thể quay lại kiểu thi cũ, cũng phải thay đổi, mà thay đổi như vừa qua, với tất cả những sai sót khó tránh hoàn toàn của nó, thì cái giá ấy thật chẳng có gì là cao so với thiệt hại nếu duy trì kiểu thi cũ. 

Nếu đề nghị bỏ kỳ thi THPT Quốc gia, duy trì kiểu thi cũ kỹ, cực kỳ tốn kém và lạc hậu đó là sự phá hoại nền giáo dục", giáo viên này bày tỏ.

Video: Công bố Phó GĐ và 4 cán bộ Sở GD-ĐT làm sai lệch điểm thi

Triệt tiêu lỗ hổng gây sai phạm

Trước các sai phạm xảy trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại Hà Giang và Sơn La, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm và cho biết, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Công an để xử lý nghiêm các vi phạm, nhưng không vì sai phạm mà phủ nhận toàn bộ kết quả thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi như một số ý kiến.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã được tổ chức và rút kinh nghiệm nên hoàn thiện hơn, đáp ứng được yêu cầu gọn, nhẹ, tích cực, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình và xã hội.

Trước mắt, Bộ GD-ĐT sẽ khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Cụ thể là vấn đề đề thi chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của thi THPT Quốc gia khi trong đề thi có những câu hỏi rất khó, đòi hỏi quá cao; Vấn đề cần khắc phục thứ hai là phần mềm chấm chắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật, có thể dẫn đến việc làm sai kết quả thi; Vấn đề công tác thanh tra, giám sát của Bộ đối với các địa phương trong khâu coi thi đã được tăng cường, nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

Do đó, Bộ sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, phục vụ cho kỳ thì trung học phổ thông quốc gia là chính.

Cùng với đó, Bộ đang hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi; Cải tiến công tác tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính khách quan; Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường Đại học, các cán bộ làm công tác thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các hội đồng thi.

Góp ý về vấn đề này, thầy giáo Trịnh Quỳnh cho rằng, kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức từ 2015 và thay đổi được qua các năm đã góp phần giảm áp lực thi cử đối với học sinh, xã hội. 

Trước mắt, khi các trường chưa sẵn sàng tự chủ, chưa chuyển đổi, Bộ GD-ĐT vẫn nên tổ chức Kỳ thi 2 trong 1 sau khi rà soát, điều chỉnh về cách thức triển khai, con người vận hành các khâu của Kỳ thi. Những vụ việc vừa qua chính là cơ hội để tìm ra lỗ hổng và bổ sung, vá lỗi.

Thầy Quỳnh cho rằng, nếu tổ chức một kỳ thi tiết kiệm về thời gian, tiền bạc... mà không đánh giá được kết quả thực chất, không giảm áp lực thực sự, thay đổi bản chất dạy học thì sự tiết kiệm đó cũng vô nghĩa.

"Điển hình là liên tục thay đổi hình thức tổ chức, tổ hợp môn thi, thời gian thi, nội dung giới hạn thi cử, cách thức biên soạn đề khiến giáo viên và học sinh phải chạy theo rất mệt mỏi, trong lúc đó bản chất dạy học không hề thay đổi.

Hay đơn giản như việc rút ngắn thời gian mỗi bài thi, ghép các môn thi thành một tổ hợp, giảm số lượng câu hỏi trắc nghiệm, trắc nghiệm hóa các câu hỏi tự luận, tăng giới hạn ôn tập 3 khối, tăng câu hỏi phân hóa…khiến áp lực học tập và thi cử của học sinh tăng cao khi phải tăng cường học tập với cường độ cao để đối phó với kỳ thi.

Thực tế, từ năm lớp 10, học sinh đã phân hóa thành 2 nhóm với 2 mục đích học tập khác nhau là học để xét tốt nghiệp và học để xét tuyển đại học. Nhóm học sinh đã xác định mục tiêu chỉ xét tốt nghiệp ngay từ đầu thì sẽ không có động cơ học tập" - thầy Quỳnh phân tích. 

Bên cạnh đó thầy Quỳnh cho rằng, việc kiểm tra đánh giá quá trình dạy học cần phải khách quan và công bằng. Không thể có tình trạng Sở GD-ĐT hay trường phổ thông vừa là người dạy vừa là người tự kiểm tra đánh giá. Như vậy, muốn khách quan, công bằng phải là các trường đại học hay một đơn vị khảo thí nằm ngoài Bộ GD-ĐT.

Nhiệm vụ xét tuyển đại học nên giao cho các trường đại học tự chủ. Theo thầy giáo này, các trường đại học phải chủ động và nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch tuyển sinh riêng. Ngoài ra, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển.

Bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm, các trường cũng nên tổ chức một kỳ thi nhỏ để sàng lọc lại học sinh chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi của Bộ GD-ĐT.

"Để đảm bảo khách quan, tránh tiêu cực xảy ra trong kỳ thi THPT Quốc gia, việc tổ chức thi ở các địa phương cần phân bố theo cụm lớn hơn, tổ chức coi thi chéo, chấm chéo. Không để xảy ra tình trạng như 35 thí sinh là chiến sỹ công an nghĩa vụ tại Lạng Sơn khi thi cùng một đơn vị; người tham gia tổ chức thi, người coi thi, chấm thi cũng ở đơn vị đó được.

Quy trình chấm thi theo Bộ GD-ĐT đã có sự hoàn thiện, xảy ra tiêu cực phần nhiều nằm ở con người. Vậy nên, Bộ phải điều chỉnh con người thực hiện quy trình đó. Tốt nhất, Bộ nên giao chấm chéo, chấm theo khu vực hoặc tổ chức chấm chung. Nhất thiết phải giao cho đơn vị độc lập chấm mới đảm bảo khách quan được”, thầy giáo Trịnh Quỳnh bày tỏ quan điểm.

cong-bo-sai-pham-thi-thpt-quoc-gia-2018-o-ha-giang-1200106-212833 3

Cục trưởng Quản lý chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng không nên vì những sai phạm vừa qua mà phủ nhận toàn bộ kết quả thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi như một số ý kiến.

Thầy Đỗ Văn Toàn, giáo viên môn Vật Lý trường THPT Xuân Hưng (Đồng Nai) cho rằng, nếu bỏ kỳ thi THPT Quốc gia thì với “bệnh thành tích, cục bộ” hiện nay, học sinh dù không cố gắng học cũng vẫn có điểm, học bạ đẹp để tốt nghiệp, trình độ mặt bằng giáo dục chung trong cả nước sẽ không thống nhất bởi vì khâu quản lý của chúng ta còn kém nên nếu để các trường tự xét tốt nghiệp thì rất khó kiểm soát về chất lượng.

Thầy Toàn cho rằng, đề thi THPT đúng là nên phân loại học sinh nhưng không nên nhiều câu khó lạ đến mức mà phổ điểm chung rộng nhất lại là dưới 5 quá nhiều.

Đồng quan điểm, cô Phùng Thu Hiền, giáo viên môn Vật Lý trường THPT Quốc Oai (Hà Nội) cho rằng, để khắc phục tiêu cực như hiện nay, nên cử đoàn thanh kiểm tra của Bộ gồm có chuyên viên của Bộ, Sở GD-ĐT và đặc biệt là các thầy cô giảng viên đại học giám sát quá trình chấm thi và gửi điểm thi về Bộ.

Lưu Ly - Minh Trang
Bình luận
vtcnews.vn