Mới đây, Luật giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 có quy định "văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương".
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo chính quy và không chính quy (đào tạo thường xuyên, đào tạo từ xa) như trước.
Tuy nhiên, trước quy định này, nhiều sinh viên hiện đang trong quá trình kết thúc khóa học lại băn khoăn, trăn trở. Họ cho rằng, nếu "đánh đồng" hai hình thức đào tạo chính quy và không chính quy sẽ bất công với những trường hợp đào tạo chính quy. Rõ ràng, từ trước đến nay, chất lượng dạy-học của hai hình thức đào tạo này vẫn luôn được nhìn nhận khác nhau.
Trao đổi với PV VTC News về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT đưa phép so sánh "đào tạo chính quy" như sản xuất sản phẩm loại A và "không chính quy" như sản phẩm loại B. Ông phân tích rằng:
"Cách đây 30 - 40 năm, các doanh nghiệp có sản phẩm loại A, loại B do tình trạng khan hiếm, thiếu thốn hàng hóa, "méo mó có hơn không".
Một trường đại học thường có hai sản phẩm tung ra thị trường, một là loại A – giáo dục chính quy, hai là loại B – giáo dục thường xuyên. Và xã hội bằng lòng với việc chất lượng giáo dục thường xuyên sẽ tồi hơn giáo dục chính quy vì nhiều lý do.
Tuy nhiên, quy định bây giờ yêu cầu các trường chỉ được phép đưa ra thị trường sản phẩm loại A. Điều này buộc các trường khi cấp bằng cho sinh viên, phải chịu trách nhiệm về chất lượng của bằng đấy, không còn lý do đây là loại B nên kém cũng không sao".
Theo Tiến sĩ, Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định "bằng đại học chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau" chỉ có giá trị về mặt pháp lý, còn chất lượng đào tạo vẫn phụ thuộc ở từng trường, gắn với thương hiệu của trường.
"Hiện tại, Luật Giáo dục quy định nội dung đào tạo đầu vào tuyển sinh giống nhau, thi cử sử dụng chung đề, đánh giá kết quả, xét tốt nghiệp giống nhau, chỉ có địa điểm học khác và thời gian học có thể dài hơn", Tiến sĩ nói.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ cũng cho rằng quan niệm “học một lần, dùng kiến thức suốt đời” đã thay đổi. "Hiện tại, tỉ trọng học giáo dục thường xuyên còn ít. Nhưng trong 10 năm sắp tới, hình thức này còn phát triển mạnh hơn đào tạo chính quy.
Việc mềm dẻo trong cách thức học và thời gian học là xu thế hiện nay khi tri thức, ngành nghề thay đổi rất nhanh. Bảo đảm kết hợp giữa việc đào tạo chính thức và đào tạo lại", Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho hay.
Cùng chung quan điểm này, PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhận định: "Theo tôi, là một quy định tiến bộ. Bởi, bây giờ người ta có thể học qua nhiều phương tiện, hình thức khác nhau. Người ta có thể học trên lớp, có thể học từ xa như học online. Vấn đề quan trọng là làm sao đánh giá cho đúng, cho thực chất".
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, khi luật quy định như vậy, việc tổ chức dạy-học của nhà trường càng phải có trách nhiệm hơn, trường phải xây dựng thương hiệu của mình tốt hơn, vận dụng đội ngũ giáo viên, vận dụng được cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là trong điều kiện thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay.
Từ ngày 1/7/2019, Luật giáo dục Đại học sửa đổi 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, một trong số các quy định mới góp phần tạo điều kiện cho các sinh viên dù được đào tạo theo hình thức khác nhau nhưng khi tốt nghiệp đẳng đại học được công nhận như nhau, có cơ hội ngang nhau trong việc tuyển dụng lao động.
Cụ thể, khoản 23 Điều 1 Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 quy định rõ: “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”.
Đồng thời, quy định "người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.
Bình luận