• Zalo

Xin nghỉ học kiếm tiền chữa bệnh cho cha

Giáo dụcThứ Tư, 03/09/2014 12:25:00 +07:00Google News

Lớp sẽ bị nêu tên và coi như tôi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chủ nhiệm nếu cho em nghỉ học.

Lớp sẽ bị nêu tên và coi như tôi chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chủ nhiệm nếu cho em nghỉ học.

Nhưng rồi tôi đã kịp nghĩ cho em...

Bắt đầu giờ văn, tôi gọi Bình lên để kiểm tra bài cũ, em tần ngần đứng lên rồi loay hoay với hai quyển vở, hết nhìn tôi lại nhìn quyển vở trên tay.

Tôi dịu giọng: “Em đã học bài và chuẩn bị bài chưa?”. “Dạ, thưa cô rồi” - em nói và bỏ quyển vở trên tay vào ngăn bàn, chỉ cầm quyển còn lại lên đặt ngay ngắn trên bàn giáo viên. Ba câu hỏi được em giải quyết một cách lưu loát trước lớp. Tôi cảm thấy hài lòng vì điều đó.

Phan Thanh Bình, lớp 12B Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, nhân vật trong bài viết, phụ giúp mẹ làm việc nhà. 

Vở học của em cũng ghi chép rất đầy đủ, được trình bày sạch sẽ, bọc giấy báo cẩn thận. Tôi hỏi vở bài tập và chuẩn bị bài mới của em đâu, em chần chừ, tôi giục nếu không có em sẽ bị trừ điểm vì chưa hoàn thành nhiệm vụ cô giao.

Em lí nhí: “Có ạ” rồi về chỗ đem cho tôi quyển vở - đúng hơn là xấp giấy được cắt ngay ngắn từ những trang vở mà năm ngoái em chưa viết hết, được em lấy kim chỉ đóng thành một tập - cũng được bao bằng giấy báo nhưng trông cũ và nhiều trang giấy đã ngả màu, chỉ bài tập của em làm vẫn tươi nguyên màu mực, được trình bày logic và cẩn thận.

Cả lớp im lặng, em đứng đấy cúi đầu. Chìa quyển tập về phía em tôi thấy lòng nghèn nghẹn, cậu học trò mình đang mặc cảm vì chưa có đủ sách vở đến trường. Tôi ghi em điểm 10. Trước lớp, tôi nói điểm 10 không chỉ vì kiến thức mà đó còn là sự sáng tạo, là nghị lực vươn lên trong học tập xứng đáng làm gương cho cả lớp.

Không những thế, mới tuần đầu tiên của năm học em đã nghỉ đến ba buổi, tôi lo lắng hỏi thăm mới biết ba em bệnh suy thận đã lâu và năm nay lại càng nặng, tiền của cứ theo căn bệnh của ba em mà ra đi, em phải phụ mẹ đi làm mướn kiếm tiền để ba chạy thận một tuần hai lần, để mua sách vở cho cả hai anh em vào năm học mới.

Những buổi em nghỉ học là lúc em đi nhổ khoai mì thuê cho nhà hàng xóm. Tôi thoáng giật mình, đầu năm học nhiều khoản phải trang trải cho việc học, và cậu học trò của tôi đã phải tranh thủ kiếm tiền từng ngày.

Giờ sinh hoạt lớp, tôi thông báo những tiêu chí thi đua của nhà trường về nề nếp, chuyên cần, về thi đua học tốt. Đưa lớp vào nề nếp, thi đua xếp hạng với những lớp khác và vị trí xếp thi đua của các lớp trong tuần cũng là một trong những tiêu chí xếp loại thi đua đối với giáo viên chủ nhiệm.

Tôi đang dự tính phát động trong lớp hỗ trợ Bình mua sách vở đến lớp rồi sau đó sẽ nhắc em đi học đầy đủ, nhưng chưa kịp triển khai thì em đã chạy đến bên tôi xin nghỉ học hai ngày vào đầu tuần tới với lý do giúp mẹ nhổ đám mì bán lấy tiền cho ba chạy thận.

Tôi đã gật đầu: “Cô cho phép em nghỉ học hai ngày với điều kiện sau đấy phải chép bài đầy đủ, phải cố gắng hỏi bạn và thầy cô để không bị hổng kiến thức. Cô sẽ có kế hoạch kiểm tra điều đó”. Tôi lo nếu gây áp lực quá em sẽ nản chí và có thể nghỉ học luôn. Tôi tranh thủ nhắc nhở các em còn lại đi học đầy đủ như là để giúp bạn, để giúp lớp không vắng quá một học sinh có phép mà bị trừ điểm thi đua quá nhiều, bên cạnh đó phải đoàn kết và tích cực học tập hơn để tăng điểm thi đua.

Sau đó tôi đến nhà em, ban trưa đầy nắng, sau một buổi làm mướn mệt nhọc, thay vì nghỉ trưa để chiều tiếp tục em lại đang mày mò vá lại chiếc áo trắng đã sờn năm cũ để có mà thay đổi khi đến trường. Tôi hỏi ước mơ của em là gì, em trả lời: “Em muốn làm bác sĩ để có thể chữa bệnh cho ba”. Tôi dặn em: “Vậy thì em phải chăm chỉ đến trường”. Em cúi đầu, nước mắt rơi.

Tôi đưa câu chuyện của em đến cuộc họp hội đồng sư phạm, để rồi thầy cô cùng học sinh toàn trường chung tay quyên góp số tiền ít ỏi giúp em mua sắm đồ dùng học tập đến trường, vượt qua những thiếu thốn trước mắt.
Có thể làm được gì hơn?

Sáng nay, em ngồi trong lớp, làn da ngăm đen vì những ngày làm mướn kiếm tiền nuôi ba bệnh nhưng ánh mắt vẫn sáng lên niềm tin vào những điều tôi dạy về tình yêu thương, về một tương lai tươi sáng hơn. Tôi thầm khâm phục nghị lực và sự cố gắng của em. Nhìn em mân mê trang vở mới mà tôi không khỏi chạnh lòng. Năm nay là năm cuối cấp với bao nhiêu bài vở, em còn bao nhiêu sự lo lắng cho mẹ cho ba, ước mơ trở thành bác sĩ của cậu học trò hiếu thuận và học giỏi trường tôi hóa chông chênh. Và tôi - một giáo viên chủ nhiệm - cảm thấy mình bất lực, ngoài việc linh động cho em nghỉ học một hai buổi để giúp gia đình, ngoài việc cùng nhà trường góp những đồng tiền nhỏ bé giúp em, tôi có thể làm được gì hơn?

Theo TTO
Bình luận
vtcnews.vn