Trả lời phỏng vấn BBC Sport trước trận Bồ Đào Nha gặp Iran, cựu tiền đạo Anh Alan Shearer phân tích sự khác biệt giữa Ronaldo và “đại kình địch” Lionel Messi. Anh mô tả: “Messi là một nghệ sĩ, Ronaldo mà một cỗ máy”. Quan điểm của Shearer đang ngược dòng dư luận.
Bởi sau hai lượt trận đầu vòng bảng World Cup 2018, Ronaldo được tung hô lên tận mây xanh với 4 bàn thắng, còn Messi chìm nghỉm trong những lời chê bai. ESPN đánh giá “Ronaldo mới là cầu thủ đạt đến tầm của Diego Maradona chứ không phải Messi”. Daily Mail viết tại đấu trường World Cup, Ronaldo vĩ đại hơn Messi.
Trên thực tế, trước World Cup 2018 quan điểm chung của giới chuyên môn (các cầu thủ, cựu cầu thủ, HLV) về Messi - Ronaldo là khá đồng nhất. Hồi tháng 12/2015, cựu trung vệ Rio Ferdinand cũng có nhận xét hoàn toàn tương tự Shearer. “Messi là một thiên tài, một nghệ sĩ. Còn Ronaldo là một cỗ máy hoạt động hiệu quả”, cựu cầu thủ Manchester United nhấn mạnh.
Trên báo Marca, cựu danh thủ Ronaldo (Brazil) cũng đánh giá Messi cao hơn Ronaldo. “Với tinh thần chiến thắng tuyệt vời, Ronaldo là cầu thủ độc nhất vô nhị. Nhưng tôi thừa nhận rằng Messi mang lại nhiều phép màu cho bóng đá hơn”, siêu sao từng đem về cho Brazil danh hiệu vô địch thế giới năm 2002 khẳng định.
Hồi tháng 12/2017, khi Ronaldo giành Quả bóng vàng thứ 5, chuyên gia bóng đá Stevie Grieve viết trên trang cá nhân: “Sau 20 năm nữa, Ronaldo sẽ được xem như một Gerd Mueller thời hiện đại. Đó là một cỗ máy săn bàn tàn nhẫn. Còn Messi sẽ được nhớ đến với tư cách một nghệ sĩ luôn làm những điều kỳ diệu hàng tuần”.
“Cỗ máy” cần đầy đủ dầu mỡ
Sự khác biệt giữa “nghệ sĩ” và “cỗ máy” là quá rõ ràng. Thời trẻ, Ronaldo cũng thường xuyên có những pha dốc bóng tốc độ cao bên cánh trái, sút xa ghi bàn. Nhưng càng lớn tuổi, anh càng di chuyển sâu vào vòng cấm địa và trở thành một số 9 điển hình, luôn tận dụng những cơ hội dù nhỏ nhất để phá mành lưới đối phương.
Trên thực tế, cú đá phạt trực tiếp tuyệt đẹp của Ronaldo ở trận gặp Tây Ban Nha là một sự ngạc nhiên. Bởi đã từ vài năm qua, không ai còn đánh giá anh là một chuyên gia sút phạt. Trong ba mùa giải 2015/16, 2016/17 và 2017/18, mỗi mùa siêu sao 33 tuổi chỉ ghi vỏn vẹn một bàn thắng từ những pha đá phạt trực tiếp.
Nhìn chung, Ronaldo rất cần sự hỗ trợ của đồng đội để tỏa sáng, cần những đường chuyền của họ để anh dứt điểm. Có thể nói Ronaldo chỉ chơi tốt khi các đồng đội của anh chơi tốt và chiến thuật phục vụ anh được triển khai hiệu quả. Và khi điều ngược lại xảy ra, Ronaldo chỉ còn là cái bóng mờ trên sân.
Hai trận bán kết giữa Real Madrid và Bayern Munich, trận chung kết Real và Liverpool ở Champions League mùa giải vừa qua là minh chứng. Ở bán kết, Bayern kiểm soát thế trận suốt 90 phút và hạn chế tối đa tầm hoạt động của các tiền vệ Real. Kết quả là Ronaldo đói bóng và vô hại.
Trong trận chung kết, Liverpool đánh mất thế trận từ sau khi Mohamed Salah dính chấn thương rời sân, nhưng vẫn hạn chế rất tốt những đường chuyền tới chân Ronaldo. Siêu sao người Bồ Đào Nha khi bị cô lập đã không tạo ra bất kỳ tình huống đáng chú ý nào, đành ngậm ngùi nhìn Gareth Bale tỏa sáng.
Ở trận Bồ Đào Nha - Iran, nhà đương kim vô địch châu Âu gặp khó khi phải đối mặt với một đội bóng chơi phòng ngự chặt. Bởi Bồ Đào Nha của HLV Fernando Santos chỉ giỏi chơi phòng ngự phản công chứ không quen cầm nhiều bóng, áp đảo đối thủ.
Đứng ở cửa dưới, họ chơi hiệu quả hơn nhiều. Hàng thủ chắc chắn, hàng tiền vệ cơ động, luôn phục vụ tối đa Ronaldo là phương thức giúp Bồ Đào Nha, dù không được đánh giá cao, trở thành nhà vô địch EURO 2016. Nhưng khi gặp một đối thủ chơi giống mình, Bồ Đào Nha chật vật. Và đương nhiên Ronaldo cũng không phát huy hiệu quả khi các đồng đội anh gặp khó khăn.
Ronaldo là một “cỗ máy”, như Shearer và Ferdinand nhận xét. Mà một cỗ máy cần tra đủ dầu mỡ mới có thể hoạt động hiệu quả. Vì thế, đừng bao giờ gọi Bồ Đào Nha là đội bóng một người. Cả 10 người còn lại đều nỗ lực tối đa để phục vụ Ronaldo, để đưa anh tới vị trí thuận lợi nhất và ghi bàn.
Messi vẫn luôn tỏa sáng ở các đấu trường lớn
Còn Messi là một nghệ sĩ, bởi anh luôn có những khoảnh khắc tạo ra những phép màu trên sân cỏ theo cách mà chỉ những nghệ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá như Pele và Maradona mới làm được. Đi bóng qua 3, 4 cầu thủ rồi ghi bàn hay tung những đường chuyền xé nát hàng thủ đối phương là điều Messi vẫn làm hàng tuần. Tổ chức tấn công, kiến tạo và ghi bàn, Messi làm tất cả.
Những người nói rằng Messi thua kém Ronaldo ở sân chơi World Cup hãy nhớ lại giải đấu ở Brazil năm 2014. Messi ghi 4 bàn thắng ở vòng bảng, kéo Argentina vào vòng knock-out, thực hiện đường chuyền quyết định giúp đội bóng của anh lọt vào vòng tứ kết, rồi lại chơi tuyệt hay đưa binh đoàn xứ sở tango tiến đến trận bán kết.
Còn Ronaldo khi đó chỉ ghi nổi một bàn thắng và Bồ Đào Nha bị đá văng khỏi World Cup ngay từ vòng bảng. Tại World Cup 2018, trọng tài đã rất nương tay trong trận Bồ Đào Nha - Iran, nếu không Ronaldo đã lĩnh thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội hậu vệ đối phương. Nếu các cầu thủ Iran tận dụng tốt cơ hội phút cuối cùng, Bồ Đào Nha đã phải xách vali về nước dù Ronaldo có ghi 4 bàn trong hai trận đầu.
Các fan của Ronaldo cũng khẳng định anh vĩ đại hơn Messi vì đã vô địch EURO trong khi thiên tài người Argentina luôn gục ngã ở chung kết Copa America. Người ta quên rằng tại Copa America 2015 và Copa America Centenario 2016 Messi đã chơi xuất sắc như thế nào. Anh là nguồn cảm hứng của cả đội bóng, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Argentina vào chung kết.
Ở trận chung kết 2015, Gonzalo Higuain là tội đồ của Argentina khi bỏ lỡ những cơ hội rất ngon ăn và đá hỏng quả luân lưu. Đến chung kết 2016, đến những phút cuối, Messi đi bóng qua hàng loạt cầu thủ Chile để rồi lại chứng kiến Higuain bỏ lỡ cơ hội đã được dâng đến tận miệng.
Trận chung kết EURO 2016, Pháp áp đảo Bồ Đào Nha từ những phút đầu tiên. Chỉ đến khi Ronaldo dính chấn thương rời sân, đội bóng của HLV Santos mới chơi khởi sắc hơn, và Eder ghi bàn quyết định đem về chiến thắng bất ngờ cho Bồ Đào Nha.
Trong bóng đá, bàn thắng không phải là tất cả
Nói dông dài chỉ để chứng minh rằng không thể khẳng định Ronaldo là “The GOAT” (Greatest of All Times) sau 2 trận đầu vòng bảng World Cup 2018. Điều đó thật lố bịch. Và hãy nhớ rằng lịch sử bóng đá luôn đánh giá cao các nghệ sĩ, thay vì các cỗ máy.
Nếu chỉ dựa vào thành tích ghi bàn, chưa nói đến Pele ghi hơn 1.000 bàn thắng, có lẽ huyền thoại bóng đá Đức Gerd Mueller xứng đáng hơn Ronaldo. Thập niên 1970, ông ghi hơn 700 bàn thắng, giành 3 European Cup (tương đương Champions League hiện nay) liên tiếp cùng Bayern Munich, ghi 14 bàn thắng ở các kỳ World Cup, bao gồm bàn ấn định tỷ số trong trận chung kết World Cup 1974 giữa Đức và Hà Lan. Ông còn ghi 2 bàn trong trận chung kết EURO 1972.
Nhưng chẳng ai gọi Gerd Mueller là “The GOAT” cả. Cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Đức là “Hoàng đế” Franz Beckenbauer, một hậu vệ toàn năng, một nghệ sĩ sân cỏ thực sự với kỹ thuật cá nhân điêu luyện, tốc độ cực nhanh, khả năng tổ chức hoàn hảo. Là hậu vệ, ông “chỉ” ghi hơn 100 bàn thắng trong suốt sự nghiệp, thua xa Mueller.
Tuy nhiên trong bất kỳ cuộc bình chọn nào, Beckenbauer vẫn luôn đứng trên Mueller. Và đương nhiên Mueller xếp sau những nghệ sĩ sân cỏ như Pele, Maradona, Johan Cruyff, Zinedine Zidane trong các danh sách cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Bởi trong bóng đá, bàn thắng không phải là tất cả. Ronaldo chưa bao giờ và không bao giờ là một cầu thủ toàn năng, anh chỉ thực hiện xuất sắc nhiệm vụ ghi bàn cũng giống như Mueller.
Anh cũng không phải là một nghệ sĩ sân cỏ, không thể tạo ra nhiều “phép màu” kỳ diệu như Messi vẫn làm. Và những cầu thủ vĩ đại nhất luôn tìm cách ghi bàn bằng nỗ lực, chứ không phải bằng những pha ăn vạ tinh quái trong vòng cấm địa đối phương.
Xin lỗi Ronaldo, dù có để râu dê thì anh sẽ mãi mãi không bao giờ trở thành “The GOAT”.
Bình luận