Nội dung được nêu ra tại văn băn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên của ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Anh, quyết định số 236 của Thủ tướng quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng Hàng không Điện Biên được quy hoạch sân bay cấp 3C (theo ICAO) dùng chung cho dân dụng và quân sự. Đến năm 2020, công suất thiết kế đạt 0,3 triệu hành khách/năm và đến năm 2030 đạt 2 triệu hành khách/năm.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sau đó đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Như vậy, việc xây dựng sân bay Điện Biên là thực hiện theo các quy hoạch đã được Thủ tướng, Bộ GTVT phê duyệt.
Tuy nhiên, tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án (Pre-FS), các mô hình dự báo đều có kết quả đến năm 2025, sản lượng hành khách dưới 500.000 khách/năm và đến năm 2030, sản lượng hành khách dưới 1.000.000 khách/năm.
Do đó “siêu uỷ ban” đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ lý do có sự khác biệt về sản lượng hành khách đến năm 2030 nêu tại báo cáo Pre-FS và các quy hoạch sân bay Điện Biên đã được phê duyệt tại các quyết định nêu trên.
Bên cạnh đó, ACV cần tính toán thận trọng để thực hiện phân kỳ đầu tư Dự án đến năm 2030, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án.
Ông Hoàng Anh cũng cho biết thêm, thời điểm hiện nay, các khu bay tại 21 cảng hàng không đang giao ACV quản lý, khai thác (trong đó có sân bay Điện Biên), chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển thành tài sản doanh nghiệp của ACV.
Theo đó, khu bay hiện hữu tại sân bay Điện Biên là tài sản công được quản lý, sử dụng theo quy định về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ngoài ra, việc đầu tư khu bay theo Báo cáo Pre-FS dự án sẽ chồng lấn lên khu bay hiện hữu.
Theo số liệu ghi nhận của ACV đến ngày 31/7/2020, giá trị còn lại theo sổ sách tài sản nhà nước tại khu bay chỉ còn khoảng 1,7 tỷ đồng. Do đó, “siêu uỷ ban” đề nghị Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên xây dựng phương án xử lý phần tài sản công còn lại theo quy định pháp luật.
Đồng thời, ACV cần rà soát, tính toán và xác định đầy đủ các nội dung chi phí tổng mức đầu tư dự án.
Về hiệu quả đầu tư thực hiện dự án, theo báo cáo Pre-FS, hiệu quả tài chính của dự án IRR chỉ đạt 3,12%, chỉ tiêu giá hiện tại thuần (NPV) là (-) 855,3 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn đầu tư >50 năm, dự án không có hiệu quả về mặt tài chính, không phù hợp với yêu cầu, quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về việc đầu tư bảo đảm bảo toàn và phát triển vốn.
Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án có hiệu quả về mặt kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh và cơ động xử lý các tình huống cấp bách của khu vực Tây Bắc, vừa là nhiệm vụ kinh tế, vừa là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa rất quan trọng. Nội dung đánh giá này đã được Chính phủ, các bộ, ngành, tỉnh Điện Biên thống nhất trong quá trình xem xét định hướng đầu tư sân bay Điện Biên.
“Trong trường hợp giao ACV đầu tư, đề nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư dự án trên cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội, tăng cường tiềm lực an ninh, quốc phòng mang lại từ dự án (không đánh giá hiệu quả tài chính của dự án)”, ông Hoàng Anh đề nghị.
Bình luận