(VTC News) - Sau khi ba "ông lớn" than, dầu, điện cùng kêu khổ vì lỗ chênh lệch tỷ giá, lại một lần nữa đề xuất xin bù lỗ vào giá thành điện được đưa ra, người dân lại có nguy cơ sẽ lại phải "gánh" khoản lỗ này.
Xin bù lỗ 1.200 tỷ vào giá điện, giá điện sẽ lại tăng?
Mới đây, tại cuộc giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương ngày 3/9, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc TKV đã bất ngờ báo cáo con số lỗ "khủng" lên tới 1.200 tỷ đồng về chênh lệch tỷ giá sau cú tăng mạnh tỷ giá trong thời gian qua.
Ngay cả tập đoàn dầu khí quốc gia PVN cũng không tránh khỏi tác động từ việc tăng tỷ giá trong việc sản xuất nhiệt điện khí. Nếu cả PVN và TKV đều đưa tất cả lỗ tỷ giá vào giá điện bán cho EVN thì tài chính EVN sẽ rất khó khăn.
Do vậy mà khả năng phát sinh lỗ còn có thể gấp hơn nhiều lần so với con số mà TKV báo lỗ 1.200 tỷ đồng, và TKV đang đề xuất lên Bộ Công Thương để xin được bù khoản lỗ này vào giá thành điện.
Lỗ chênh lệch tỷ giá 1.200 tỷ, TKV xin bù lỗ vào giá thành điện- Ảnh minh họa |
Trước tình hình này, nhiều người đã tỏ ra lo ngại trước việc không sớm thì muộn giá điện sẽ lại một lần nữa tăng mạnh sau cú nhảy vọt 7,5% vào ngày 16/3 vừa qua.
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở bởi trước khi đề án tăng giá điện vào ngày 16/3 được xét duyệt và được đưa vào áp dụng, EVN đã báo lỗ khủng với con số lên tới 12.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 8.000 tỷ đồng do lỗ chênh lệch về tỷ giá.
Theo tính toán của các bộ, ngành, việc điều chỉnh tăng giá điện như vậy sẽ giúp EVN không bị lỗ trong năm 2015, đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
Thậm chí, theo Phó Tổng giám đốc EVN, tập đoàn còn có thể tăng doanh thu lên 13.000 tỉ đồng, bù lỗ được 12.000 tỷ đồng năm 2015 và có thể sinh lãi 1.500 tỷ đồng.
Nhận định về việc có tăng giá điện sau khi các "ông lớn" về điện, dầu, khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, diễn biến tỷ giá trong thời gian qua cũng đã có những tác động nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, với những kiến nghị nhằm bù đắp lỗ vào giá thành sản xuất điện thì Bộ Công Thương sẽ phải tổng hợp và gửi ý kiến trình lên Chính phủ để xem xét.
Thiếu công bằng cho người dân
Hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cũng tỏ ra lo lắng về việc các tập đoàn xin phân bổ lỗ chênh lệch tỷ giá vào giá thành điện.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, việc điều chỉnh tỷ giá đến nay đã hơn 5% không chỉ ảnh hưởng riêng ngành than và khoáng sản.
Nếu một khi đã kinh doanh, các ngành này cũng cần phải lường trước những rủi ro và có kế hoạch dự trù để có thể ứng phó kịp thời, chứ không thể để rơi vào tình trạng bị động, xong kinh doanh bị thua lỗ rồi lại xin bù vào giá thành được.
Như vậy người dân sẽ lại là người phải trực tiếp gánh chịu, sẽ rất thiếu công bằng đối với họ. Chưa kể, việc này sẽ còn gây ra cả những bất ổn cho nền kinh tế, đặc biệt trong những tháng cuối năm.
Tăng giá điện để bù lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ rất thiệt cho người dân |
Lý do là bởi các doanh nghiệp sản xuất sẽ tăng tốc để hoàn thành những đơn hàng quý cuối trước khi sang năm mới nên họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu như giá điện lại tiếp tục tăng mạnh.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo rằng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra biên độ nới tỷ giá là 2% nên các doanh nghiệp cũng cần phải có kế hoạch, ký hợp đồng mua bán ngoại tệ với ngân hàng ít nhất trong 3 - 6 tháng tiếp theo để khi có biến động về tỷ giá, các ngân hàng vẫn phải bán ngoại tệ cho DN với mức tỷ giá trong khoảng thời gian ký kết hợp đồng.
Trả lời phỏng vấn của VTC News, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, kêu lỗ đã là "điệp khúc" muôn thuở của "nhà đèn", nay đến cả nhà than cũng báo lỗ tới 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để điều chỉnh giá điện thì cần phải có sự xem xét, nghiên cứu của nhiều bộ ngành khác nhau, chứ không thể để riêng một mình Bộ Công Thương quyết định được.
Ngoài ra, khoản TKV báo lỗ 1.200 tỷ đồng lỗ cũng rất cần phải được rà soát, tách bạch rõ ràng về các khoản chi, các khoản đầu tư... chứ không thể gom vào làm một rồi xin tính vào giá điện để người dân phải gánh chịu.
Trước những báo cáo và kiến nghị của TKV, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương sẽ tính toán kỹ lưỡng việc xin bù lỗ 1.200 tỷ đồng vào giá điện, cân đối đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân trước tác động này.
Ông Phúc cũng cho biết: "Nếu mức tác động là quá lớn thì chúng tôi sẽ thảo luận, bàn bạc với Bộ Tài chính để thống nhất" và ông khẳng định: "Hiện nay, chưa có đề xuất cụ thể gì về tăng giá điện".
Ngoài ra, ông Phúc cũng thông tin rằng, trong tháng 9, EVN sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến người dân về biểu giá điện mới, với kỳ vọng biểu giá mới sẽ chỉ còn 3 bậc hoặc thậm chí 1 bậc so với biểu giá lũy tiến 6 bậc như hiện nay.
Huyền Trân
Bình luận