Sáng 13/6, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án chạy thận khiến 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ hai.
Sáng nay, đại diện Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đến dự phiên tòa theo lời mời của TAND tỉnh Hòa Bình.
Đại diện Bộ Y tế có các ông Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế), ông Nguyễn Minh Tuấn (Cục trưởng Cục Trang thiết bị và Công trình y tế) cùng một số lãnh đạo các Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ Y tế. Ngoài ra, còn có các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội.
Viện Khoa học hình sự có 4 cán bộ đến tham dự tại phiên tòa.
Theo Chủ tọa Nguyễn Văn Vận, việc mời đại diện Bộ Y tế và Viện Khoa học hình sự đến phiên tòa là để Bộ Y tế trình bày quan điểm được nêu tại Công văn số 41 được đóng dấu mật và Công văn số 2569 do Bộ Y tế gửi TAND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan Trung ương trước khi phiên tòa diễn ra.
Công văn 41 chủ yếu nói về nội dung giám định y khoa nên Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng được mời lên để làm rõ, từ đó giúp HĐXX xem xét, đánh giá toàn diện vụ án. Đây là công văn đóng dấu mật nên không được công bố tại phiên tòa.
Trước đó, quá trình giải quyết vụ án, Bộ Y tế gửi hai công văn cho cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình, trong đó một đóng dấu mật và một công khai. Đối với công văn mật, chủ tọa từ chối công bố nội dung vì là văn bản mật, không nằm trong hồ sơ vụ án.
Công văn còn lại chính là văn bản thể hiện quan điểm của Bộ Y tế về tội danh của các bị cáo, đề nghị xét xử phúc thẩm khách quan, công tâm, khoa học trong vụ án chạy thận nhân tạo khiến 9 bệnh nhân thiệt mạng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Công văn nêu, ngày 30/1, Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình 42 tháng tù với tội danh Vô ý làm chết người. Nhiều ý kiến cho rằng "mức án này khiên cưỡng, chưa đúng tội danh và thậm chí oan sai.
Bộ Y tế chỉ ra rằng cơ quan điều tra đã 3 lần thay đổi tội danh chứng tỏ lúng túng trong việc xác định tội danh do không đủ cơ sở để buộc tội.
"Xử phạt bác sĩ Lương về tội Vô ý làm chết người chưa phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm", Bộ Y tế nêu rõ.
"Nhân viên y tế nào dám trực tiếp tham gia công tác cứu chữa người bệnh khi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không trừ ai. Từ đây, các thầy thuốc, nhân viên y tế để thủ thân, an toàn cho mình sẽ bám vào các thủ tục hành chính, mất thời gian cho các công việc ngoài chuyên môn thay vì tận tâm chữa bệnh, cứu người.
Hậu quả cuối cùng, chịu thiệt thòi nhất là người bệnh vì họ sẽ chết, chết rất đúng thủ tục, đúng quy trình và các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không bắt bẻ vào đâu được", Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Y tế kiến nghị, vụ tai biến Hòa Bình là sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, nên việc xác định nguyên nhân các bệnh nhân thiệt mạng, bản chất vụ án phải thận trọng, kỹ lưỡng.
Bình luận