Ngày 23/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên toà sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Võ Văn Mạnh, cựu Giám đốc công ty thẩm định giá AMAX nghẹn ngào cho rằng mức án đề nghị với bản thân là quá khắc nghiệt.
“Nghe mức đề nghị hình phạt, bị cáo thấy sốc và rất buồn, đó là mức quá nặng nề, quá khắc nghiệt với bị cáo”, bị cáo Mạnh nói.
Trình bày hoàn cảnh gia đình, bị cáo Mạnh khai mình sinh ra trong một gia đình nông thôn miền núi, từ nhỏ học được cách sống ngay thẳng, lương thiện, ngay cả trong ý nghĩ cũng chưa từng nghĩ đến mình có hành vi vi phạm pháp luật.
“Việc phải đứng ở đây là ngoài sức tưởng tượng của bị cáo, bị cáo không biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật”, bị cáo Mạnh nói.
Cựu Giám đốc AMAX cho rằng ngay từ đầu, bị cáo không nhận hợp đồng thẩm định AVG cho MobiFone. Tại thời điểm thực hiện, bị cáo cũng không được tham gia vì nhiều lý do khách quan.
"Bị cáo không có điều kiện tham gia trực tiếp và theo sát quá trình thẩm định giá vì ngay từ khi bắt đầu thẩm định, ba bị cáo mất, bị cáo phải trở về quê và khi trở lại thì quá trình thẩm định giá đã hoàn thành.
Do diễn ra ở Hà Nội nên sau đó bị cáo không có điều kiện thẩm định lại. Thêm một yếu tố nữa là tại thời điệm thẩm định, hệ thông các tiêu chuẩn thẩm định của Việt Nam còn chưa được ban hành đầy đủ. Những điều đó tác động tiêu cực đến cách hiểu của bị cáo”, cựu Giám đốc AMAX trình bày.
Bị cáo Võ Văn Mạnh cho rằng, bản thân bị cáo không có bất cứ động cơ mục đích vụ lợi nào, quá trình thẩm định bị cáo cũng không liên hệ trao đổi với người nào bên MobiFone, AVG hay Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bản thân bị cáo sau đó cũng không được hưởng lợi bất cứ gì, toàn bộ số tiền giá trị hợp đồng là 440.000.000 đồng bị cáo cũng không có tư lợi.
“Bị cáo mong được sự khoan dung đặc biệt của HĐXX để sớm trở về với gia đình. Mẹ bị cáo 90 tuổi đang sống một mình, mong từng ngày từng giờ bị cáo trở về. Bị cáo mong sớm trở về tiếp tục lao động, làm việc và làm người có ích”, bị cáo Mạnh bật khóc.
Cũng giống Võ Văn Mạnh, bị cáo Hoàng Duy Quan, thẩm định viên công ty AMAX khi tự bào chữa cho mìnhcũng tỏ ra bất ngờ và buồn khi nghe mức hình phạt đề nghị của VKS.
“Bị cáo sinh ra trong gia đình cách mạng, luôn có ý thực tuân thủ pháp luật. Trong vụ việc, bị cáo không có động cơ gì mà do bị cáo yếu kém về mặt chuyên môn.
Gia đình bị cáo hiện tại cũng đang rất khó khăn, từ khi bị cáo bị bắt tạm giam, vợ bị cáo phải chăm sóc 2 đứa con. Hiện bị cáo phải trông cậy hoàn toàn vào vợ để chăm sóc các con và cả kinh tế”, bị cáo Quang trình bày.
Hoàng Duy Quang cho rằng bản thân bị cáo không có chủ đích giúp sức cho MobiFone.
“Bị cáo mong HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ khung hình phạt để bị cáo sớm có cơ hội trở về làm tròn trách nhiệm của người chồng, cha và về hiếu thảo với cha mẹ, trở thành người có ích cho xã hội”, bị cáo Quang nghẹn ngào.
Cáo trạng truy tố các bị cáo nêu rõ, với vai trò là Giám đốc AMAX, Võ Văn Mạnh ký hợp đồng dịch vụ định giá và thẩm định giá ngày 18/7/2015 với MobiFone, giá trị hợp đồng là 440.000.000 đồng; Ký Báo cáo xác định giá trị Doanh nghiệp AVG; Chứng thư thẩm định giá số 256/TĐG-CT-AMAX, mục đích thẩm định giá làm căn cứ xem xét để quyết định việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dùng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp AVG là 16.565.000.000.000 đồng.
Quá trình thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG đã vi phạm Quyết định 129/2008/QĐ-BTC ngày 31/12/2008; Quyết định số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính về thẩm định giá doanh nghiệp nhưng Võ Văn Mạnh vẫn ký Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo xác định giá trị AVG không đúng với giá trị thực tế để cung cấp cho Mobifone làm căn cứ đàm phán mua 95% cổ phần AVG gâv thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Hoàng Duy Quang là Thẩm định viên của AMAX tham gia ký Báo cáo xác định giá trị Doanh nghiệp AVG số 256 ngày 05/8/2015; Ký Chứng thư thẩm định giá số 256/TĐG-CT-AMAX ngày 05/8/2015, mục đích thẩm định giá làm căn cứ xem xét để quyết định việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, dùng phương pháp tài sản để xác định giá trị doanh nghiệp AVG là 16.565.000.000.000 đồng.
Bình luận