Hôm qua, tiếp tục phiên tòa xử vụ “đại án” 9.000 tỷ đồng, sau khi kết thúc phần xét hỏi của HĐXX, chủ tọa chuyển sang phần các luật sư bảo vệ cho các bị cáo và người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan tham gia xét hỏi.
Trước đó, trong phần xét hỏi, đại diện VKS đã hỏi ông Phạm Công Trung (em ruột ông Danh). Ông Trung nói rằng mình là đại diện được ông Danh ủy quyền trong Tập đoàn Thiên Thanh hiện nay và mong muốn được giải tỏa tài sản kê biên đang thế chấp tại các ngân hàng để phối hợp tìm đối tác, khắc phục hậu quả vụ án tốt hơn.
Bà Quách Kim Chi (vợ ông Phạm Công Danh) đề đạt nguyện vọng những tài sản đang thế chấp ngân hàng thì xử lý theo pháp luật, tài sản chưa thế chấp nhưng bị kê biên thì giải tỏa lệnh kê biên. Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB) cho biết, 124 sổ tiết kiệm (5.880 tỷ đồng) của nhóm bà Trần Ngọc Bích không thể trả lại cho bà Bích đến khi nhóm này thanh toán khoản vay 5.190 tỷ đồng cùng tiền lãi vay cho VNCB.
Sang phần các luật sư tham gia xét hỏi bị cáo, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM - bảo vệ cho bị cáo Phạm Công Danh) được mời tham gia xét hỏi đầu tiên. Nhận câu hỏi từ luật sư Hoài về tình hình của Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNCB), đại diện NHNN cho biết Đại Tín gặp khó khăn đúng như cáo trạng và kết luận điều tra.
Theo đó, đơn vị này từng thanh tra Ngân hàng Đại Tín và chốt số liệu vào ngày 29/2/2012 thì thấy, thời điểm đó Ngân hàng Đại Tín kinh doanh âm hàng ngàn tỷ đồng. NHNN xác định ba nguyên nhân khó khăn của Ngân hàng Đại Tín là do bà Hứa Thị Phấn (lúc đó là Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín) thao túng nhằm phục vụ cho cá nhân, đồng thời các Công ty của bà Phấn chây ỳ không trả nợ; lãnh đạo của Ngân hàng Đại Tín vi phạm trong hoạt động tín dụng; hoạt động của ban kiểm soát không hiệu quả.
Sau khi thanh tra, NHNN yêu cầu Ngân hàng Đại Tín thu hồi công nợ. Sau15 tháng không thu hồi được công nợ, NHNN đã phải chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để xem xét trách nhiệm liên quan. Về câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài liên quan tới “mua VNCB 0 đồng”, đại diện NHNN cho biết cơ sở pháp lý để NHNN mua VNCB 0 đồng là căn cứ 4 văn bản, gồm: Luật NHNN, Luật các Tổ chức tín dụng, Đề án Tái cơ cấu ngân hàng và các Tổ chức tín dụng và Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ.
Hôm nay 5/8, phiên tòa tiếp tục với phần luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo, người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan.
Đại diện VNCB cho biết, 124 sổ tiết kiệm (5.880 tỷ đồng) của nhóm bà Trần Ngọc Bích không thể trả lại cho bà Bích đến khi nhóm này thanh toán khoản vay 5.190 tỷ đồng cùng tiền lãi vay cho VNCB.
Video: Bóc trần thủ đoạn lừa đảo của công ty đa cấp
Bình luận