• Zalo

Xét xử đại án 9.000 tỷ đồng: Luật sư tranh luận về xử lý vật chứng

Pháp luậtThứ Ba, 17/01/2017 19:43:00 +07:00Google News

Ngày 17/1, phiên tòa phúc thẩm đại án VNCB tiếp tục phần đối đáp, tranh luận giữa luật sư với đại diện Viện Kiểm sát.

Tại tòa, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (bảo vệ quyền lợi cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích) cho rằng việc VKS quy kết cho ông Thanh, bà Bích đồng phạm và trốn thuế là không có cơ sở.

Luật sư Uyên cũng nêu rằng, hiện cơ quan tố tụng chưa kiên quyết thu hồi tiền khắc phục hậu quả, gián tiếp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Thanh, bà Bích. Ngoài Phạm Công Danh, các bị cáo khác không phải bồi thường.

Các khoản tiền Phạm Công Danh trả cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích được cho là vật chứng, bị thu hồi nhưng các khoản khác trả cho một số ngân hàng khác, Cty Hải Tiến lại không bị xác định là vật chứng, không bị thu hồi.

18

Hình ảnh tại phiên tòa

Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã tổng hợp 20 vụ án đã được xét xử về về tội danh tương tự như vụ án Phạm Công Danh, trong đó có nhiều vụ được dư luận quan tâm, nhưng không có vụ án nào thu hồi, xử lý vật chứng như vụ án Phạm Công Danh.

Hơn 5.600 tỷ đồng đã được Bản án sơ thẩm thu hồi từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích do xác định đây là vật chứng trong các hành vi cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay của Phạm Công Danh và đồng phạm. Theo Bản án, số tiền này bị Phạm Công Danh rút ra từ VNCB, trả cho ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích cho các giao dịch khác. Việc thu hồi hay không thu hồi số tiền này đã được tranh luận khá căng thẳng tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm.

20

 Các bị cáo tại phiên tòa

Các luật sư tại tòa và luật sư Hoàng Đôn Hùng, người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ án liên quan đến ngành ngân hàng, đã có những ý kiến tranh luận đáng chú ý về vấn đề này.

Quy định khi nào tài sản là vật chứng

Bộ luật Hình sự có quy định về biện pháp tư pháp là thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đây là biện pháp cưỡng chế, có tính chất trừng phạt, áp dụng với người phạm tội với các tội danh có hành vi vụ lợi như chiếm đoạt tài sản, thu lời bất chính (buôn lậu, cờ bạc …).

Với các tội danh không mang tính chất vụ lợi như cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay thì không có khái niệm tài sản do phạm tội mà có. Do đó, với vụ án Phạm Công Danh, bản án sơ thẩm không xác định số tiền hơn 5.600 tỷ đồng trên là tài sản do phạm tội mà có.

19

 Bị cáo Phạm Công Danh

Bản án sơ thẩm xác định số tiền hơn 5.600 tỷ đồng trên là vật chứng và thu hồi trả cho VNCB. Vấn đề đang tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm Phạm Công Danh là số tiền này có phải vật chứng không, nếu có thì có thể thu hồi để trả cho VNCB không?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, vật chứng là những gì có thật, có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội, được các cơ quan có thẩm quyền thu thập theo đúng trình tự trong quá trình xử lý vụ án. Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ được cơ quan tố tụng thu thập để chứng minh tội phạm.

Khi vụ án được xử lý, tức việc chứng minh tội phạm đã hoàn thành, cơ quan tố tụng phải ra các quyết định xử lý các vật chứng đã được thu thập trước đó. Pháp luật quy định các biện pháp xử lý vật chứng có thể là: tịch thu với những vật cấm lưu hành (súng, đạn …), với tài sản do phạm tội mà có (với những hành vi vụ lợi như chiếm đoạt, buôn lậu …); trả lại cho chủ sở hữu những tài sản bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép… Bản chất của xử lý vật chứng không có tính chất trừng phạt, chỉ là thủ tục tố tụng xử lý những gì đã thu thập nhằm chứng minh tội phạm, khi việc chứng minh đã hoàn thành.

Theo Bản án sơ thẩm, Phạm Công Danh có hành vi cố ý làm trái khi rút 5.190 tỷ đồng từ VNCB không có chứng từ. Số tiền này được chuyển cho ông Trần Quí Thanh trả nợ cho giao dịch cá nhân khác. Ông Trần Quí Thanh đã chuyển số tiền này cho nhiều người khác, những người này lại dùng để trả nợ các khoản vay tại VNCB. Về hành vi vi phạm quy định về cho vay, Phạm Công Danh rút tiền vay của VNCB qua các công ty của mình, sau đó bên vay tại VNCB lại chuyển cho các công ty, cá nhân khác trước khi chuyển cho ông Trần Quí Thanh (500 tỷ đồng), bà Trần Ngọc Bích (119 tỷ đồng). Ông Thanh, bà Bích tiếp tục dùng số tiền này cho các mục đích cá nhân khác.

Các khoản tiền trên được Tòa sơ thẩm xác định là vật chứng và thu hồi từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích để trả lại cho VNCB. Theo luật sư, việc thu hồi này không xuất phát từ bất cứ sai phạm nào của ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích. Quyết định thu hồi số tiền này không đồng nghĩa với việc buộc ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích phải chịu trách nhiệm tài sản về hành vi của Phạm Công Danh. Tuy nhiên, hậu quả của hành vi này là ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích bị mất tiền.

Luật sư dẫn theo quy định pháp luật toàn bộ số tiền trên không phải là vật chứng vì các lý do sau: tất cả số tiền này không còn tồn tại vào thời điểm xét xử sơ thẩm. Khi Tòa sơ thẩm quyết định thu hồi, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích không còn quản lý số tiền này.

Số tiền 5.190 tỷ đồng đã được chuyển cho VNCB, hiện đang do VNCB quản lý. Các khoản còn lại Tòa sơ thẩm không xác định được ai đang quản lý để thu hồi. Tất cả số tiền này chưa được thu thập, quản lý theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự.

Các luật sư cho rằng, về bản chất, Tòa sơ thẩm đã thu hồi “giá trị khoản tiền” từ ông Thanh, bà Bích nhằm mục đích khắc phục hậu quả cho VNCB chứ không phải là thu hồi “vật chứng”, là một vật cụ thể đã được thu thập trước đó, để chứng minh tội phạm.

Video: Hàng ngàn người xếp hàng dự phiên tòa xét xử nữ thủ quỹ biển thủ 1 tỷ đồng

Nguồn: Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn