• Zalo

Xét xử đại án 9.000 tỷ đồng: Kiến nghị khởi tố một 'trợ thủ đắc lực' của Phạm Công Danh

Pháp luậtThứ Ba, 16/08/2016 16:34:00 +07:00 Google News

VKS đã cho rằng, dựa vào hồ sơ vụ án và lời khai các bị cáo tại phiên tòa có đủ căn cứ kết luận Phạm Thùy Trang là người trực tiếp giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền ra khỏi ngân hàng.

Hôm nay (16/8), phiên tòa xét xử đại án Ngân hàng TMCP Xây Dựng VN (VNCB) do Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và 35 đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tiếp tục diễn ra với phần đề nghị của VKS. Vị đại diện VKSND TP.HCM (thừa ủy quyền VKSND tối cao) cho rằng, Phạm Công Danh là chủ mưu vụ đại án, phải chịu trách nhiệm hậu quả gây ra trong vụ án này… 

Kiến nghị khởi tố Trang “phố núi”

 Hình ảnh diễn biến phiên tòa

Theo VKS, bị cáo Phạm Công Danh làm lãnh đạo VNCB không đưa ngân hàng này phát triển mà làm đi xuống trầm trọng. Vụ án do Phạm Công Danh gây ra là một trong những vụ án trọng điểm, trong thời gian ngắn, VNCB từ lỗ hơn 2.800 tỉ đồng (cuối năm 2012), đến thời điểm vụ án được khởi tố thì vốn chủ sở hữu âm hơn 18.000 tỉ đồng.

Phạm Công Danh chỉ đạo lập hồ sơ nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB 63 tỉ đồng, lập hồ sơ khống thuê các mặt bằng số 268 đường Tô Hiến Thành và 816 đường Sư Vạn Hạnh quận 10, gây thiệt hại 581 tỉ đồng.

Vị đại diện VKS nhận định, bị cáo Phạm Công Danh là người đã chỉ đạo rút 5.190 tỉ đồng tại VNCB không có chữ ký của chủ tài khoản, là bà Trần Ngọc Bích. Tổng thiệt hại mà bị cáo Phạm Công Danh gây lên đến 7.038 tỉ đồng.

VKS đã cho rằng, hiện bà Phạm Thùy Trang (Trang phố núi) đã xuất ngoại nên chưa thể lấy lời khai, nhưng dựa vào hồ sơ vụ án và lời khai các bị cáo tại phiên tòa có đủ căn cứ kết luận Trang là người trực tiếp giúp sức cho Phạm Công Danh rút tiền ra khỏi ngân hàng. VKS kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thùy Trang.

VKS cũng kiến nghị về trường hợp ông Nguyễn Việt Hà (Chủ tịch Quỹ Lạc Việt), căn cứ hồ sơ vụ án, lời khai tại phiên tòa, việc Tập đoàn Thiên Thanh phát hành trái phiếu, ông Hà không thể không biết quy trình phát hành cũng như ủy thác và nhận ủy thác. Vì vậy đề nghị HĐXX cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Hà giúp sức cho Phạm Công Danh rút ra khỏi VNCB 903 tỉ đồng.

Chủ mưu gây ra đại án NH Xây Dựng  

Tại sao em trai Phạm Công Danh thoát tội?

Với phần luận tội của VKS, cho thấy Phạm Công Danh là chủ mưu gây ra đại án, tuy nhiên, theo hồ sơ vụ án, còn cho thấy liên quan trực tiếp đến em trai Phạm Công Danh, là Phạm Công Trung, nhưng vị này lại thoát tội một cách “tài tình” (!?).

Tự nhận không có kinh nghiệm, trình độ về kinh doanh ngân hàng, nhưng những thủ đoạn của Phạm Công Danh đã chứng tỏ Danh là “bậc thầy” về “nghiệp vụ rút tiền” khi với nhiều thủ đoạn khác nhau rút hơn 18.000 tỉ đồng của ngân hàng thì cánh tay đắc lực của Phạm Công Danh là em trai, Phạm Công Trung. Trung là Quyền Tổng Giám đốc Tập Đoàn Thiên Thanh.

Theo hồ sơ vụ án, Phạm Công Danh dùng 3.070 tỉ đồng của VNCB gửi sang BIDV. Sau đó, Danh đã chỉ đạo lập hồ sơ vay của 12 Công ty để vay BIDV tổng số 4.700 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo là bất động sản và tiền gửi của VNCB tại BIDV. Toàn bộ số tiền vay, Danh dùng cho mục đích cá nhân là tăng vốn điều lệ của VNCB và chi tiêu cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Kết quả điều tra, cáo trạng thể hiện, Danh đã chỉ đạo Mai Hữu Khương lựa chọn các công ty mà Danh thành lập trước đó đứng tên vay vốn và nhờ nhân viên, bảo vệ… thậm chí người không biết chữ đang làm ở Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà của họ đứng tên giám đốc, người đại diện theo pháp luật và trả lương cho những người này 5 triệu, sau này tăng lên 10 triệu đồng/tháng.

Các công ty này không hề có hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng như mục đích sử dụng vốn đã khai với BIDV, toàn bộ hồ sơ vay đều được lập khống. BIDV đã giải ngân 4.700 tỉ đồng cho các công ty này. Sau đó Phạm Công Danh lại rút tiền từ VNCB để trả nợ gốc và lãi cho BIDV.

Cũng theo Kết luận điều tra, Phạm Công Danh chỉ đạo lập hồ sơ vay khống của 12 công ty. Để lập hồ sơ vay thì phải có phương án vay vốn, hợp đồng đầu ra, đầu vào của từng công ty. Phạm Công Trung đã liên hệ với các đối tác để lập các hợp đồng đầu vào, đầu ra khống để đưa vào hồ sơ vay.

Trung còn có trách nhiệm đem các hợp đồng bán vật liệu xây dựng của 12 công ty cho các giám đốc, chủ dự án xây dựng ký, đóng dấu, trong đó có Cty Việt Trung do chính Trung làm giám đốc. Ngày 30/3/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có Quyết định khởi tố bị can với Phạm Công Trung, tuy nhiên, quyết định này đã không được VKSND tối cao phê chuẩn.

Phạm Công Trung biết rõ hồ sơ vay là không có thật nhưng vẫn trực tiếp lập các Hợp đồng không có thật để đưa vào hồ sơ vay. Trong các Cty vay vốn tại BIDV, có những giám đốc do chính Phạm Công Trung tìm và nhờ đứng tên. Số tiền 4.700 tỉ đồng vay từ BIDV đã không được sử dụng theo đúng hồ sơ vay mà sử dụng cho mục đích cá nhân như tăng vốn điều lệ của VNCB, chi tiêu của Tập đoàn Thiên Thanh do chính Trung điều hành.

Chính Phạm Công Trung cũng đứng tên cổ đông cá nhân để dùng số tiền vay này góp vốn vào VNCB. Với tư cách là Quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, chắc chắn Phạm Công Trung phải biết về các khoản tiền lòng vòng, phạm tội của Phạm Công Danh chuyển về Tập đoàn này để sử dụng mà đến nay hàng ngàn tỉ không biết đi đâu?

Tại phiên tòa, nhằm thu hồi tài sản của Phạm Công Danh, để khắc phục hậu quả, Phạm Công Trung đã khai 44 bất động sản công ty Việt Trung đang đứng tên là các tài sản của cá nhân mình và không liên quan đến Phạm Công Danh.

Trực tiếp lập hồ sơ vay khống, trực tiếp sử dụng tiền vay mà mình biết rõ là không đúng mục đích, tại sao Phạm Công Trung không bị xử lý về hình sự? Phạm Công Trung có hưởng lợi từ những hành vi của mình? Đây là các câu hỏi đang được dư luận quan tâm!

Video: Ông trùm lừa đảo bị kết án tù vẫn nhởn nhơ

(Nguồn: laodong.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn