Ngày 29/8 phiên tòa xét xử đại án Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), do Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) cùng 35 đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng, tiếp tục phần đối đáp và kéo dài đến gần 19h tối mới xong, chủ tọa phiên tòa cho biết là kết thúc phần đối đáp.
Tuy nhiên đến 9h sáng 30/8 nếu còn ý kiến thì làm bằng văn bản gửi cho thư ký tòa và đến phần nói lời sau cùng của các bị cáo. Dự kiến thời gian nghị án từ ngày 30/8 đến một tuần sau (qua Lễ 2/9) sẽ tuyên án.
Với phần đối đáp làm nóng phiên tòa 30/8, luật sư cho rằng Phạm Công Danh đã sử dụng rất nhiều Cty, nhờ cả bảo vệ, lái xe làm giám đốc, lập hồ sơ vay không đúng, phương án vay khống, nâng giá trị tài sản thế chấp rút ra 5.000 tỉ đồng từ VNCB.
Số tiền này, Phạm Công Danh chuyển lòng vòng qua nhiều Cty, cá nhân rồi dùng trả nợ, chi tiêu. Số tiền Phạm Công Danh chi không xác định được địa chỉ là gần 1.500 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, Viện kiểm sát (VKS) đề nghị thu hồi số tiền hơn 600 tỉ đồng đã trả nợ cho nhóm Trần Ngọc Bích, 135 tỉ đồng cho nhóm Phú Mỹ. Bảo vệ cho nhóm bà Trần Ngọc Bích, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã tranh luận về ý kiến này với VKS.
Hủy cả giao dịch ngay tình
Theo luật sư Uyên, nhóm Trần Ngọc Bích không thể biết được tiền trả nợ là có nguồn gốc từ đâu, sau khi nhận tiền trả nợ, quyền và nghĩa vụ các bên đã chấm dứt, “nếu đặt vấn đề thu hồi 619 tỉ đồng thì sẽ không thể khôi phục được một loạt các giao dịch liên quan khác mà quyền và nghĩa vụ đã được các bên giải quyết xong”, luật sư dẫn Bộ luật Dân sự: “Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình, thì giao dịch với người thứa ba vẫn có hiệu lực”.
Luật sư Uyên nêu việc VKS đề nghị thu hồi tiền từ nhóm Trần Ngọc Bích là chưa toàn diện, chưa công bằng, không đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật.
Phạm Công Danh đã sử dụng số tiền vay trái pháp luật trả nợ cho BIDV 2.600 tỉ đồng, trả cho Trần Ngọc Bích 500 tỉ, trả cho nhóm Phú Mỹ 135 tỉ đồng, chi tiêu không rõ địa chỉ gần 1.500 tỉ đồng nhưng VKS chỉ đề nghị thu hồi từ nhóm Trần Ngọc Bích và nhóm Phú Mỹ.
“Một trong những tắc cơ bản là mọi cá nhân, tổ chức đều bình đẳng trước phát luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Vậy nguyên nhân nào, căn cứ nào, cơ sở nào mà VKS chỉ đề nghị thu hồi số tiền từ nhóm Trần Ngọc Bích và nhóm Phú Mỹ ?”.
Đẩy thiệt hại của VNCB cho người khác?
Cáo trạng và kết luận điều tra nêu: “Hành vi vi phạm quy định về cho vay của Phạm Công Danh và các đồng phạm đối với 14 Cty, số tiền vay 5.000 tỉ đồng, đã tất toán một khoản 300 tỉ đồng (Cty Nhà Hưng Thịnh), còn dư nợ gốc 4.700 tỉ đồng, trừ giá trị tài sản bảo đảm, còn lại 2.100 tỉ đồng không có khả năng thu hồi”.
Luật sư đặt vấn đề VKS đề nghị thu hồi cả phần không thiệt hại, “nếu việc thu hồi mà VKS đề nghị là có căn cứ, các khoản tiền mà cáo trạng và VKS nhận định chuyển cho nhóm Trần Ngọc Bích, nhóm Phú Mỹ… là đúng thì VKS cũng phải xác định chính xác số tiền còn lại phải thu hồi, tỉ lệ thu hồi đối với từng đối tượng.
Nếu như kiến nghị của VKS được chấp nhận mà chưa làm rõ được các nội dung vừa nêu thì ai sẽ là người được thụ hưởng các tài sản đảm bảo cho khoản vay, là VNCB hay là người bị thu hồi tiền?
Vô cùng nghịch lý khi khoản vay của các Cty của Phạm Công Danh tại VNCB có tài sản đảm bảo nhưng tiền để trả nợ cho khoản vay thì thu hồi từ các giao dịch ngay tình và tài sản đảm bảo thì vẫn do VNCB thụ hưởng hoặc bên thứ ba nào khác thụ hưởng mà không phải là người đã phải trả nợ cho khoản vay.
Trong khi chính VNCB là người có lỗi trong việc cho vay này”, luật sư cho rằng: “Việc thu hồi này về bản chất là đẩy thiệt hại của VNCB cho người khác, bắt người khác chịu trách nhiệm về lỗi của VNCB”.
Các vụ án khác không thu hồi
Luật sư Uyên dẫn chứng các vụ án về tội cố ý làm trái đã được xét xử như vụ án Phạm Thanh Bình
(Vinashin), Dương Chí Dũng (Vinalines), các vụ án về tội vi phạm về quy định cho vay xảy ra tại các tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây... và nhiều vụ án khác thì phán quyết cuối cùng cũng chỉ buộc các bị cáo bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, hoàn toàn không có việc thu hồi số tiền vay mà bên vay đã sử dụng cho các giao dịch hợp pháp, ngay tình khác.
Phán quyết như vậy là phù hợp pháp luật, đúng bản chất và đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật.
“Nếu đề nghị của VKS được chấp nhận, thì liệu tất cả các vụ việc cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay khác đã xét xử đã có sai lầm nghiêm trọng khi không thu hồi tài sản như vụ án này không ? Hệ thống các cơ quan tư pháp, chính sách pháp luật của Nhà nước sẽ phải trả lời câu hỏi tại sao không hề có chuyện thu hồi tương tự như vụ việc này ở các vụ án khác mà tôi đã dẫn chứng”.
Trong phần tranh luận trước đó, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên cũng đưa ra ví dụ để chứng minh các luận điểm của mình, nếu Ngân hàng (NH) A cho khách hàng vay, có thế chấp tài sản. Sau đó khách hàng vay tại NH B để trả nợ NH A, lấy lại tài sản thế chấp. Khi có vụ án vi phạm quy định về cho vay ở NH B thì tòa sẽ tuyên NH A phải trả lại tiền vay cho NH B, vậy thiệt hại của NH A do đã giải tỏa tài sản thế chấp thì ai chịu.
Nếu khách hàng vay tại NH B dùng tiền mua tài sản cố định hay trả lương công nhân thì cũng phải thu lại hay sao? Nếu không bảo vệ giao dịch ngay tình, môi trường kinh doanh, hệ thống các giao dịch thương mại, dân sự sẽ hỗn loạn.
Không có gì đảm bảo rằng các giao dịch sẽ được bảo vệ, không bị hủy trong tương lai chỉ vì nguồn gốc tiền trong giao dịch. Các bên thì không có cách nào biết được xác nhận được tiền của đối tác có “sạch” không.
Cho dù đề nghị của VKS có được HĐXX chấp nhận hay không, thì đây mới là phiên tòa sơ thẩm, vì phán quyết chưa có hiệu lực, chưa được thực thi trên thực tế, nhưng đã xảy ra một điều, đó là VKS đã xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo, đặc biệt nhiều bị cáo được đề nghị hưởng án treo (!?).
Bình luận