• Zalo

Xét tuyển đại học tập trung năm 2016: Điều quan trọng nhất Bộ GD-ĐT phải lưu ý

Giáo dụcThứ Năm, 12/05/2016 10:18:00 +07:00Google News

Nhiều chuyên gia giáo dục đều có cùng quan điểm việc xét tuyển đại học tập trung năm 2016 phải trên tinh thần tự nguyện để không vi phạm quyền tự chủ

(VTC News) – Nhiều chuyên gia giáo dục đều có cùng quan điểm việc xét tuyển đại học tập trung năm 2016 phải trên tinh thần tự nguyện để không vi phạm quyền tự chủ của các trường đại học.

Sáng ngày 9/5, trao đổi với VTC News, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ  Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh cho biết năm 2016, cả nước sẽ thống nhất dùng chung phần mềm để xét tuyển đại học.

Ông Trinh cho biết đây chỉ là giải pháp kỹ thuật để giải pháp giải quyết căn bản tình trạng thí sinh ảo như năm 2015 và việc làm này không vi phạm quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc xét tuyển tập trung năm 2016 cần dựa trên tinh thần tự nguyện của các trường đại học, cao đẳng
Các chuyên gia giáo dục cho rằng việc xét tuyển tập trung năm 2016 cần dựa trên tinh thần tự nguyện của các trường đại học, cao đẳng 

Tuy nhiên, việc thông tin việc xét tuyển đại học 2016 tập trung trong cả nước do Bộ chủ trì thực hiện cũng khiến cho lãnh đạo nhiều trường đại học và dư luận xôn xao bình luận.

Lãnh đạo nhiều trường đại học lo lắng việc này sẽ vi phạm quyền tự chủ trong đào tạo, tuyển sinh còn phụ huynh, học sinh lo lắng vì những thay đổi bất ngờ trước ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Nhiều chuyên gia đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ những thông tin về việc xét tuyển đại học tập trung năm 2016. 

Trao đổi với VTC News, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo là mở rộng nhóm GX ra toàn quốc là tốt nhưng cần phải chú ý đến các giải pháp.

“Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra chủ trì là một việc tốt. Nếu nhiều trường tham gia thì sẽ giảm được thí sinh ảo. Cơ hội của thí sinh càng tăng lên”, ông Sơn nêu quan điểm.

Ông Sơn cho rằng không phải tất cả các trường đại học, cao đẳng trên cả nước sẽ tham gia. Các trường phải đăng ký tham gia trên cơ sở tự nguyện.

Nếu công tác truyền thông làm tốt, các trường thấy rằng việc làm này có lợi cho nhà trường, cho thí sinh thì việc còn lại để các trường tự đăng ký tham gia.

“Trường nào muốn xét tuyển riêng thì phải do quyền tự chủ riêng của các trường”, ông Sơn nói.

Cũng cùng quan điểm này, một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Không thể bắt buộc các trường tham gia xét tuyển tập trung vì như vậy là vi phạm Luật giáo dục đại học”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét tới việc tổ chức xét tuyển tập trung trên cơ sở việc tổ chức tuyển sinh theo nhóm trường (như nhóm GX) đã được xã hội ủng hộ.

“Việc triển khai xét tuyển tập trung phải đảm bảo quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường, theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, không nhất thiết tất cả các trường phải tham gia”, một chuyên gia nêu quan điểm.


Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn Bộ GD-ĐT ngay tại hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục ĐH công lập

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cho hay hiện nay thí sinh đang gấp rút ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải giải thích rõ việc này không ảnh hưởng đến việc ôn thi của thí sinh.

Việc xét tuyển theo nhóm trường mở rộng sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc xét tuyển vào các trường, đảm bảo công bằng, minh bạch trong tuyển sinh và giảm số lượng thí sinh ảo.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hỗ trợ các công cụ cần thiết để các trường xét tuyển tập trung. Kết quả xét tuyển tập trung sẽ tư vấn cho các trường trong quyết định thí sinh trúng tuyển vào trường mình phù hợp hơn do đã loại được thí sinh ảo.

Cũng có cùng quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng việc Bộ đứng ra làm là cần thiết nhưng phải trên tình thần tự nguyện của các trường.

Theo ông Khuyến, kỳ xét tuyển chung phải coi đó như là một dịch vụ công ích chứ không phải là kỳ thi.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thạch, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Hà Nội và ông Lê Hữu Lập (Nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông) cho rằng quy định mới cần đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Hai vị chuyên gia này cho rằng phần mềm của Bộ phải vừa lọc được “ thí sinh ảo” và vừa phải đảm bảo quyền lợi với thí sinh (mỗi thí sinh được 2 trường với 4 nguyện vọng).

Theo quy định hiện nay, một thí sinh đỗ được vào 2 trường , đến phút cuối các em mới quyết định là học trường nào. Vì vậy phần mềm mới cần phải đảm bảo điều này.

Vì vậy, hiện nay các chuyên gia đều cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lắng nghe ý kiến góp ý của dư luận và sớm có thông báo chính thức về việc xét tuyển chung năm 2016.

Trước đó, ngày 10/5, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Trong đó, nghị quyết của Chính phủ lưu ý đặc biệt đến việc tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng

Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016.

“Đặc biệt lưu ý khâu xét tuyển đại học, không để tạo điểm nóng bức xúc ở một số trường như năm 2015”, nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Phạm Thịnh (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn