Ngay từ sáng sớm Mùng 1 Tết Canh Tý, mọi lối dẫn lên chùa Vĩnh Nghiêm đều kín người đến dâng hương lễ Phật.
Hoà cùng dòng người trong khói hương nghi ngút, bà Nguyễn Thị Kỳ (78 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, đi lễ chùa đầu năm là điều không thể thiếu của nhiều gia đình mỗi dịp Tết. "Năm mới lên chùa lễ Phật giúp quên đi hết những muộn phiền và chờ đợi điều tốt đẹp sẽ đến", bà nói.
Ngôi chùa rộng khoảng 6.000 m2, được xây năm 1964, là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở TP.HCM.
Sau khi thắp hương lễ Phật, hàng trăm người xếp hàng chờ đến lượt tự tay gõ vang 3 tiếng chuông.
Bà Ánh Sơn (58 tuổi, ngụ quận 8) cho biết năm nào cũng thực hiện việc này. "Tiếng chuông thể hiện sự giao hòa giữa trời và đất, xua đuổi âm khí, đón xuân ấm áp về. Ngoài ra, đây cũng được coi là lời nguyện cầu sự an lành cho mọi người", bà nói.
Sài Gòn sáng nay nắng chói chang, 33 độ C, nhưng dòng người vẫn kiên nhẫn xếp hàng dài ở khuôn viên trước chánh điện, chờ đến lượt vào gác chuông.
Trước khi gõ, nhiều người dán lời khấn nguyện vào bên trong thành chuông.
Người đi lễ mỗi lúc một đông, nhà chùa liên tục dùng loa nhắc "chỉ mang ba cây hương vào chánh điện, không cắm nhang vào bồn hoa, chậu kiểng...".
"Năm mới tôi chỉ cầu mong công việc suôn sẻ, sức khỏe ổn định và gia định hạnh phúc là vui rồi", Thục Anh (25 tuổi) nói, tay chắp nén nhang khấn nguyện.
Khá đông người xoa tay vào các tượng Phật trong chánh điện. Họ cho rằng làm như vậy sẽ được truyền năng lượng tích cực và những điều may mắn, tốt lành.
Lộc đầu năm của nhà chùa là những bịch gạo muối. Theo quan niệm nhà Phật, muối mặn có thể xua đuổi tà ma và cũng biểu trưng cho sự đậm đà trong các mối quan hệ. Gạo sẽ mang đến sự no ấm quanh năm.
Sau khi thắp hương hết các điện Phật, bà Bông (53 tuổi) thả những con chim sẻ bay về trời. "Phóng sinh không chỉ là làm viêc thiện mà còn là phóng thích tâm đố kị và thù hận để mình được tự do thoải mái", bà chia sẻ.
Bình luận