Từ ngày mùng 1 Tết đến nay, đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (thường gọi là đền Bà Hải) tại xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đón gần 40.000 lượt du khách tới chiêm bái, dâng hương cầu tài lộc.
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách và người dân từ khắp nơi đã ùn ùn kéo về ngôi đền, mang theo lễ vật chờ đợi làm lễ.
Lượng khách đổ về quá đông khiến chính điện “vỡ trận”. Hàng trăm người phải đứng chen chúc để làm lễ trong đền.
Nhiều người phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ để được vào điện làm lễ. "Sau khi thắp hương tại đền, tôi phải chờ đợi hơn 30 phút để có chỗ ngồi làm lễ và gieo quẻ. Tuy khách đông nhưng mọi người vẫn tuân thủ thứ tự, không chen lấn giành chỗ của nhau", một du khách cho biết.
Việc làm lễ trong đền phải nhờ các thầy. “Tiền công” cho thầy mỗi lần làm lễ phụ thuộc vào lòng thành của gia chủ.
Mỗi thầy làm lễ khoảng 15 phút sau đó nhanh chóng nhường chỗ cho người khác vào.
Lễ vật để dâng gồm tấu sớ, hương, vàng mã, hoa quả, bánh kẹo…
Khu vực viết tấu sớ luôn trong tình trạng quá tải.
Các quầy, cửa hàng dịch vụ cũng luôn trong tình trạng chật kín du khách.
Bãi giữ xe chật kín chỗ. Giá giữ xe ở bãi là 20.000 đồng/lượt.
Đại diện BQL Khu di tích Đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu cho biết, để đảm bảo an ninh, phục vụ người dân chiêm bái trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán, đơn vị đã yêu cầu các hộ kinh doanh dịch vụ cũng như các thầy cúng lễ phải tuân thủ các quy định, nghiêm cấm triệt để vấn đề chặt chém, chèo kéo du khách. Đến nay, các hoạt động đón khách tại đền Bà Hải diễn ra thuận lợi, an toàn.
Bà Nguyễn Thị Bích Châu là con gái của đại thần Nguyễn Tướng Công, sinh ra ở Hải Hậu, Nam Định, bà nổi tiếng là cô gái vừa xinh đẹp lại giỏi giang nên được mọi người hết mực yêu mến. Năm 1373, bà được vua Trần Duệ Tông yêu thương và tuyển làm cung nhân gọi là ái phi Bích Châu, lấy hiệu là Phù Dung.
Lúc nhà Trần suy vong, quý phi Bích Châu đã soạn thảo “Kê minh thập sách” với đường lối quân sự, chính trị, văn hóa thiết thực, trọng yếu, phù hợp với giai đoạn lúc bấy giờ. Đến năm 1377, bà hộ giá nhà vua đem quân đánh Chiêm Thành nhưng không may bị trúng độc và mất vào ngày 12 tháng 2.
Linh cữu Quý phi Bích Châu được đưa về Thăng Long theo đường biển. Tuy nhiên, đến cửa biển xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh) ngày nay thì gặp mưa to gió lớn, không thể đi tiếp được, vua Trần Phế Đế (người kế vị vua Trần Duệ Tông vừa mất) liền xuống chiếu cho quan quân an táng linh cữu của bà tại đây và lập miếu để Nhân dân thờ phụng, hương khói.
Bình luận