Sáng 15/2 (mùng 6 Tết), Lễ hội Đền Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Từ 6h sáng, hàng nghìn người dân, du khách thập phương đã có mặt tại đây để tham gia nghi lễ cung tiến 8 lễ vật của Nhân dân các thôn, làng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
8 lễ vật này gồm: trầu cau, cầu húc, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ, ngựa sắt, voi chiến và đặc biệt là giò hoa tre.
Sau khi làm lễ ở đền Thượng, hai lễ hoa tre được che kín để mang đến Đền Hạ. Giỏ hoa tre còn lại được đặt tại Đền Thượng.
Trên đường xuống Đền Hạ, lễ hoa tre được nhiều người đi xung quanh bảo vệ.
Trong các kiệu rước, kiệu có “Tướng bà” được đưa từ đình làng Yên Tàng (xã Bắc Phú) là quan trọng nhất.
“Tướng bà” được chọn là một bé gái 10-12 tuổi gương mặt sáng, thành tích học tập tốt, gia đình gương mẫu. Gia đình có con cháu được ngồi trên kiệu là niềm vinh dự của cả dòng tộc. Năm nay, Nghiêm Thị Bích Ngọc (10 tuổi) được chọn vào vai quan trọng này.
Trước kia, một số năm lễ hội Gióng có hiện tượng cướp "Tướng bà", dân làng phải mang tiền, xôi gà tới chuộc. Vì thế năm nay, hết buổi lễ, "Tướng bà" Bích Ngọc được bảo vệ nghiêm ngặt ra ô tô trở về với gia đình, tránh nguy cơ bị "bắt cóc".
Lễ hội Gióng đền Sóc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội đền Gióng kéo dài hết tháng Giêng, thu hút hàng nghìn du khách thập phương tham dự, dâng lễ đầu năm.
Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời nên hàng năm cứ ngày mùng 6 tháng Giêng, dân làng nơi đây mở hội để tưởng nhớ Thánh Gióng. Lễ hội có đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên Đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng.
Bình luận