• Zalo

Xếp hạng các trường đại học: Chỉ mang tính tham khảo?

Giáo dụcThứ Bảy, 09/09/2017 07:04:00 +07:00Google News

Bảng xếp hạng các trường ĐH chỉ mang tính chất tham khảo để các trường ĐH biết được thế mạnh cũng như hạn chế của mình, từ đó có hướng khắc phục.

Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một bảng xếp hạng đại học do một một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước tiến hành và công bố.

Sau khi bảng xếp hạng được công bố, nhiều vấn đề được đặt ra như tính khách quan, toàn diện và tiêu chí xếp hạng đã thực sự chuẩn xác để người dân có cái nhìn tổng thể, đúng bản chất của việc xếp hạng cũng như chất lượng giáo dục của các trường ĐH.

Từ lâu nay, ở Việt Nam, người dân, học sinh, sinh viên thường có suy nghĩ là trường nào xếp thứ hạng đầu tiên là tốt, còn trường nào xếp phía sau là đào tạo kém chất lượng hơn. Suy nghĩ này có thể ít nhiều ảnh hưởng đến xu hướng chọn trường học, ngành nghề của thí sinh.

bang-xep-hang

Bảng xếp hạng các trường ĐH dựa theo các nhóm tiêu chí 

Theo một chuyên gia giáo dục, thuộc khối các trường đại học kinh tế, thí sinh khi chọn đăng ký học trường ĐH nào cần tìm hiểu kỹ về điểm trúng tuyển đầu vào,  quá trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có  việc làm, ý kiến của các nhà tuyển dụng về chất lượng ứng viên tốt nghiệp từ trường đại học, và đặc biệt là sự thành công của các cựu sinh viên. Ngoài ra, đánh giá chung của xã hội về chất lượng đào tạo của một trường ĐH cũng rất quan trọng.

Sự đánh giá, xếp hạng của nhóm chuyên gia, các tổ chức đều có ý nghĩ nhất định nhưng người dân và các em học sinh, sinh viên cần phải xem xét nhiều yếu tố một cách đẩy đủ hơn trước khi quyết định đăng ký chọn trường học phù hợp với bản thân.

Một vấn đề khác được cũng thu hút được nhiều ý kiến bàn luận là việc nhóm tác giả đo thành tựu nghiên cứu khoa học của các trường bằng số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. Trọng số của tiêu chí này chiếm tới 40% điểm số xếp hạng.

Chuyên gia giáo dục, thuộc khối các trường đại học kinh tế nhận định, bảng đánh giá, xếp hạng các trường ĐH do nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước vừa công bố chỉ mang tính chất tham khảo để các trường ĐH biết được thế mạnh cũng như hạn chế của mình để từ đó có hướng khắc phục.

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không nên so sánh việc công bố các bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế giữa các trường đại học khối ngành khoa học xã hội nhân văn (trong đó có kinh tế) với các trường thuộc các khối ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên. Đối với các khối ngành khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên thì giảng viên đăng bài trên các tạp chí quốc tế thuận lợi hơn so với các đồng nghiệp  thuộc khối ngành khoa học xã hội nhân văn. Họ gặp ít rào cản hơn về ngôn ngữ, nội dung cũng như  phương pháp nghiên cứu.

Ở trên thế giới, việc xếp hạng các trường ĐH có sự thay đổi tùy vào những tiêu chí khác nhau của từng tổ chức, cơ sở thực hiện. Những trường ĐH chuyên ngành được xếp hạng khác với những trường tổng hợp, đa ngành.

Việc xếp hạng trường ĐH ở các nước trên thế giới được thực hiện khách quan, có thể do những tổ chức độc lập ngoài cơ quan quản lý nhà nước hay tổ chức phi lợi nhuận thực hiện.

nghien-cuu-khoa-hoc

Đánh giá khía cạnh nghiên cứu khoa học của top 15 trường ĐH trong giai đoạn 2011-2015 

Không nên đặt tiêu chí bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế lên hàng đầu

Theo TS Phạm Thị Ly, Trung tâm nghiên cứu và đánh giá giáo dục, ĐH Nguyễn Tất Thành nhận định, các tác giả đã cố gắng chứng minh đó là thước đo khách quan và khả tín song tiêu chí đưa ra trong bảng xếp hạng cần được lưu ý.

Đó là trong cơn sốt xếp hạng, các trường đua nhau tăng con số công bố, kết quả là đạo văn, mua bài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các trường ĐH và sinh viên. Nếu ta nhấn mạnh tiêu chí số lượng bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế như thứ để đo thành quả các trường thì ta sẽ đưa ra bức tranh sai lệch. Điều đáng lo ngại là có thể khiến các các trường đi con đường sai lệch vì họ sẽ chạy theo thành tích, chạy theo bài báo, làm mọi cách để có những con số thật đẹp thay vì tập trung sứ mạng tạo ra tri thức, phục vụ cộng đồng và đào tạo sinh viên.

Theo TS Phạm Thị Ly, việc xếp hạng các trường ĐH không phải trường nào công bố nhiều hơn mà trường nào thực sự đóng góp cho việc đào tạo ra những con người có ích cho xã hội, trường nào thực sự tạo ra kiến thức giúp ích cho cộng đồng, cải thiện đời sống người dân, thay đổi bộ mặt xã hội.

bach-khoa 3

Ở tiêu chí cơ sở vật chất và quản trị, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đứng thứ 25. 

Còn theo quan điểm của TS Tạ Hải Tùng, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) thuộc ĐH Bách Khoa Hà Nội, việc đếm số bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế của các trường cần hết sức cẩn trọng và nên tham khảo thông tin từ các trường. Bởi hiện nay việc dùng tên quốc tế của các trường cũng như khi tác giả viết bài dùng tên ĐH lớn hay ĐH con vẫn chưa thống nhất.

Việc tính toán số bài báo trên giảng viên cũng cần lưu ý. Chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 2.300 cán bộ, trong đó có khoảng 700 cán bộ phục vụ giảng dạy và phòng thí nghiệm. Vì vậy, nếu chia số bài báo cho 700 cán bộ này thì không đúng vì họ không thể công bố quốc tế được.

“Theo như giới thiệu của nhóm tác giả thì sau khi thu thập dữ liệu có gửi lại cho một số trường để xác nhận. Tuy nhiên, sẽ có trường không quan tâm hoặc không cập nhật số liệu đầy đủ. Sau khi đưa ra bảng xếp hạng, báo chí đưa tin, các trường gửi lại thông tin thì sẽ ra sao?" - ông Tùng đặt câu hỏi.

Từ đó, ông Tùng đề xuất, nhóm tác giả nên công bố dữ liệu của các trường để bản thân các trường cũng như xã hội có thể kiểm tra.

Ngoài ra, một số xếp hạng  mà nhóm công bố có rất nhiều điểm không hợp lý, dễ nhìn thấy bằng mắt thường. Chẳng hạn như ở tiêu chí cơ sở vật chất và quản trị, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đứng thứ 25, trong khi bằng mắt thường cũng biết khuôn viên, thư viện của ĐH Bách khoa Hà Nội hơn rất nhiều trường “top cao” trong bảng xếp hạng này.

Video: Bảng xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn