• Zalo

Xe 'hổ vồ' phá nát cầu, đường

Bạn đọcChủ Nhật, 22/06/2014 08:38:00 +07:00Google News

Xe "hổ vồ" được coi là "thủ phạm chính" tàn phá mặt đường, gây nên hiện tượng lún, nứt trên diện rộng.

Xe "hổ vồ" được coi là "thủ phạm chính" tàn phá mặt đường, gây nên hiện tượng lún, nứt trên diện rộng.

Theo thống kê của Cục Ðăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có gần 62 nghìn xe tải tự đổ, trong đó có khoảng 45 nghìn chiếc có thùng hàng được nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp hoặc cải tạo trước khi quy định về kích thước thùng xe có hiệu lực (1-10-2012).

Loại xe này có tên là "Howo", thường được gọi là xe "hổ vồ", nhập khẩu từ Trung Quốc. Các chủ xe cơi nới thùng lên gấp hai, ba lần kích cỡ chuẩn, được coi là "thủ phạm chính" phá nát cầu đường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Cơi nới hết cỡ

Dòng xe tải tự đổ là phương tiện khá hữu hiệu được sử dụng để chuyên chở nguyên vật liệu phục vụ các công trình xây dựng, cầu đường, san lấp mặt bằng. 
Thời điểm trước ngày 1/10/2012, khi Thông tư 32/2012/TT-BGTVT quy định về kích cỡ thùng xe có hiệu lực, loại xe này được nhập khẩu về khá lớn. Dù chiều cao thành thùng đã gấp khoảng hai lần so với xe cùng loại được nhập khẩu sau đó, nhưng nhiều xe "hổ vồ" còn tiếp tục cơi nới thêm, lắp mái đậy, phủ bạt che để chở "kịch trần". 
Hiện nay, đang tồn tại một nghịch lý là cùng loại xe tải tự đổ 3 - 4 "chân" như nhau, nhưng kích thước thùng hàng trước và sau thời điểm trên lại khác biệt rõ rệt và cả hai loại đều hợp lệ. Ðiều này đã vừa gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, vừa khiến các chủ xe "ganh đua" nhau chở quá tải.

Số liệu từ các đơn vị đăng kiểm cho thấy, phần lớn xe nhập trước thời điểm tháng 10-2012 đều có thể tích thùng xe vượt quá 100% kích thước quy định, thậm chí có xe vượt 300%. Thực tế cho thấy đã đến lúc cần có sự kiểm soát phù hợp và thống nhất đối với thùng hàng của loại xe "hổ vồ" nhằm ngăn chặn từ gốc nguy cơ chở quá tải hoặc tự ý cơi nới thùng xe.
 Xe "hổ vồ" được coi là "thủ phạm chính" tàn phá mặt đường, gây nên hiện tượng lún, nứt trên diện rộng.

Mới đây, Cục Ðăng kiểm Việt Nam (ÐKVN) đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) các biện pháp kiểm soát đặc biệt với loại xe "hổ vồ". Theo đó, nếu xe nào vi phạm, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, lực lượng TTGT các địa phương sẽ báo cáo qua phần mềm tin học của các trạm cân tải trọng về Tổng cục Ðường bộ Việt Nam (ÐBVN).

Hằng tháng, Tổng cục sẽ chuyển thông tin qua mạng đến Cục ÐKVN. Trên cơ sở đó, các xe vi phạm sẽ phải cắt bỏ phần cơi nới, đưa kích thước về đúng thông số được quy định, nếu không, sẽ không được tiếp nhận đăng kiểm. 
Bộ GTVT cũng đã ra Thông tư số 10/2014/TT-BGTVT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-6, quy định in mẫu tem kiểm định riêng đối với xe tải nhập trước thời điểm 1-10-2012. Trong sổ chứng nhận kiểm định, cũng in thêm ảnh tổng thể xe. Xe sẽ được chụp chéo khoảng 45 độ từ phía sau để nhận rõ thùng hàng, khi có ảnh trên giấy chứng nhận, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông dễ so sánh, phát hiện xe đó có nới thêm thành xe hay không.

Phá nát mặt đường

Tại một số địa phương phía bắc, xe "hổ vồ" đang hoạt động rất mạnh, tàn phá cầu đường với mức độ khủng khiếp. Với tác nhân thời tiết nắng nóng, nhựa mặt đường trở nên hóa dẻo, lại phải oằn mình gánh chịu hàng đoàn xe chở vượt tải gấp hai, ba lần, các tuyến đường kể cả mới đi vào khai thác đều bị bật lở, trồi lún. 
Ngay tại Hà Nội, xe "hổ vồ" cũng khá phổ biến trên các tuyến đường khu vực ngoại thành. Mỗi lần xe chạy qua là mỗi lần người tham gia giao thông hoặc người dân sống chung quanh khiếp hãi bởi phải hứng chịu khói bụi mù mịt. Tại Thanh Hóa, trên một số tuyến đường dẫn vào khu kinh tế Nghi Sơn, nhiều xe "hổ vồ" chở đất đá lên tới 60 - 80 tấn, mặc dù quy định đăng kiểm cho phép tải trọng toàn bộ (cả xe và thùng) chỉ 20 - 30 tấn. 
Tới Nghệ An, Hà Tĩnh, tuyến quốc lộ huyết mạch 48 nối các huyện miền tây Nghệ An với quốc lộ 1 cũng đang xuống cấp, hình thành "gồ sống trâu" do hàng trăm xe "hổ vồ" chạy suốt ngày đêm, hầu như xe nào cũng cõng 60 - 70 tấn nguyên vật liệu. Dọc quốc lộ 1, đoạn tuyến TP Vinh (Nghệ An), Vinh - Hà Tĩnh mặc dù được coi là hình mẫu về chất lượng của ngành giao thông, cũng không trụ nổi với sức tàn phá của xe "hổ vồ". 
Giám đốc Sở GTVT Nghệ An Nguyễn Hồng Kỳ nhận định: "Sau khi đăng kiểm, nhiều chủ phương tiện đã tự cơi nới thùng, bệ xe để tăng tải trọng. Nhiều xe 3 trục nhập từ Trung Quốc theo thiết kế chỉ chở từ 20 đến 25 tấn nhưng sau khi cơi nới có thể chở đến 60 - 70 tấn. Ðây được coi "thủ phạm chính" của tình trạng hằn lún mặt đường thời gian gần đây".

Người dân sống dọc theo quốc lộ 1 (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ngoài chịu đựng ô nhiễm, khói bụi nặng nề, còn luôn thường trực nỗi lo về mất an toàn giao thông. Ðã có nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra trên "cung đường tử thần" mà nguyên nhân chính từ những chiếc xe tải hạng nặng này. Nguy cơ tai nạn vẫn đang còn hiện hữu. Vào thời điểm tan tầm, hoặc trong năm học, khi học sinh tan trường, rất dễ gặp nguy hiểm, vì học sinh thường đi hàng ngang, mà xe tải nặng chạy ẩu với mật độ quá dày đặc.
Giữa tháng 6 vừa qua, trong quá trình thị sát dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Hà Tĩnh, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đã phải trực tiếp "bắt tại trận" một số xe "hổ vồ" chở vật liệu quá tải trọng cho phép và yêu cầu các đơn vị chức năng xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm này. Ba chiếc xe "hổ vồ" của Công ty Ðại Hiệp mang biển kiểm soát Nghệ An, trên cửa xe dán hình con hổ mầu vàng ở tư thế vồ mồi. Qua kiểm tra, phát hiện khi đưa xe vào đăng kiểm, thùng xe ở trạng thái nguyên bản (cao 60 cm), nhưng sau khi đăng kiểm xong, lại lắp loại thùng khác cao tới 2 m. 
Việc xử lý triệt để xe "hổ vồ" cơi nới thùng cũng gặp không ít khó khăn. Theo Nghị định 171 của Chính phủ, đối với lỗi tự ý thay đổi kích thước thùng xe sau khi lập biên bản xử phạt, phạt từ 800 nghìn đến một triệu đồng và buộc tài xế, chủ xe khôi phục lại nguyên trạng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không được phép giữ xe đối với lỗi này nên không thể giám sát được chủ phương tiện có khắc phục nguyên trạng sau khi bị xử phạt hay không.
Trên quốc lộ 12 C, toàn bộ phần đường bên phải tuyến, từ vị trí năm mỏ đá về cảng Vũng Áng và Khu công nghiệp Formosa, đã hình thành các vệt "gồ sống trâu" dài hàng chục km, nhiều vị trí lún sâu đến hơn 10 cm. Tuy các đơn vị sửa chữa đã bỏ ra gần một tỷ đồng cào bóc các vệt "gồ sống trâu", kết hợp vá láng lại một số vị trí mặt đường bị lún sâu nhưng giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. 
Trước hiện tượng hằn lún đường đang xảy ra trên diện rộng, Bộ GTVT cùng các đơn vị trong ngành đang nỗ lực nghiên cứu, xác định nguyên nhân, rà soát toàn bộ các khâu từ vật liệu nhựa đường, đá sỏi đến quy trình thi công, kỷ luật công trường. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường, toàn bộ các khâu trong quá trình thi công đều bảo đảm, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác cũng đã xuất hiện lún, nứt. Có thể thấy, với tốc độ tàn phá khủng khiếp của xe chở quá tải như hiện nay, không có loại đường nào chịu đựng nổi. Nếu không có biện pháp siết chặt tải trọng hơn nữa trong thời gian tới, e rằng hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nâng cấp đường sá thời gian qua sẽ sớm đổ xuống sông, xuống biển.
Chiều 19-6, Phó Tổng cục trưởng ÐBVN Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan bàn biện pháp xử lý xe chở vật liệu quá tải tàn phá quốc lộ 12 C. Trên tuyến, bình quân mỗi ngày có gần 700 lượt xe quá tải hoạt động, hầu hết các xe đều cơi nới thùng vượt nhiều lần so với quy định. Hà Tĩnh là một trong các địa phương có số lượng lớn loại xe này hoạt động, vì vậy việc xử lý đã ở mức cấp bách. Mức xử phạt hành vi cơi nới thùng chỉ khoảng một triệu đồng, trong khi hành vi phạt chủ doanh nghiệp chưa được triển khai nên hạn chế tính răn đe.
 Lãnh đạo tỉnh và Tổng cục ÐBVN đã thống nhất trước mắt sẽ xem xét biện pháp xử lý vi phạm qua phiếu cân của các mỏ đá, cùng với cam kết của chủ mỏ, nếu vi phạm sẽ rút giấy phép. Tổng cục ÐBVN cũng đề xuất biện pháp dừng việc đăng kiểm đối với những xe vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng xe tại chu kỳ kiểm định tiếp theo.

Theo Nhân dân
Bình luận
vtcnews.vn