Mới đây, sự việc nhiều xe buýt tuyến 152 đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về chợ Bến Thành đang gây nhiều tranh cãi khi in quảng cáo xe gắn máy.
Cụ thể, hình ảnh quảng cáo được in 2 bên thân xe buýt, mỗi bên chiếm đến 50% diện tích thân xe. Để thu hút người nhìn, doanh nghiệp đã không ngần ngại in hình ảnh 3 nghệ sỹ hiện nổi tiếng tại Việt Nam đứng tạo dáng dưới logo tên thương hiệu, phía dưới cùng của tấm quảng in 4 chiếc xe gắn máy của hãng Yamaha cùng dòng chữ "Yammaha tại sao không?"
Hằng ngày, tuyến xe này đi qua các tuyến đường sôi động nhất của TP.HCM như: Trường Sơn, Hoàng Văn Thụ, Cách Mạng Tháng Tám, chợ Bến Thành... Đây được gọi là “lộ trình vàng” khi được các doanh nghiệp tranh nhau quảng cáo vì có lượng khách di chuyển nhiều, có thể dễ dàng tiếp cận đối tượng mà doanh nghiệp nhắm đến.
Trong khi chủ trương của TP.HCM là kêu gọi người dân hạn chế sử dụng xe cá nhân và sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, thì rõ ràng, việc quảng cáo này thể hiện sự bất cập trong quản lý của cơ quan cấp phép, các cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm cho thuê quảng cáo trên xe buýt.
Trong hoạt động quảng cáo, ngoài thông điệp quảng cáo, thì công cụ và phương tiện quảng cáo đều phải phù hợp với chiến lược riêng. Trong trường hợp này, thông điệp quảng cáo là hợp lý, vì đã được cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, công cụ quảng cáo trong trường hợp này là cực kỳ bất hợp lý khi sử dụng xe buýt để quảng cáo xe gắn máy. Dường như, để có nguồn thu, xe buýt sẵn sàng tạo điều kiện cho đối thủ ngay cả trên "sân nhà" của mình.
Bạn Đoàn Dung, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM chia sẻ: “Quảng cáo này em thấy nhiều lần rồi, em không hiểu sao một xe buýt công cộng lại quảng cáo xe cá nhân. Họ khuyên em mua xe máy thay vì đi xe buýt sao?".
Đồng quan điểm trên, bạn Lê Trung Nghĩa, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại nói: "Bản thân em là sinh viên còn thấy rõ được bất cập, thì em nghĩ những người quản lý vận tải cũng phải thấy rõ điều đó.
Em không thể hiểu được các nhà quản lý đang kêu gọi mọi người đi xe công cộng hay đi xe cá nhân nữa. Hay vì nguồn lợi từ doanh thu quảng cáo mà họ quên nội dung đó là gì. Xe buýt công cộng lại thẳng thừng kêu gọi người dân đi mua xe cá nhân, chẳng khác nào khuyên người dân đừng đi xe buýt mà hãy sử dụng xe gắn máy".
“Tôi nghĩ rằng nhãn hiệu xe máy này khá nổi tiếng ở Việt Nam, kể cả nhà tôi cũng có một chiếc. Nhưng cách họ lựa chọn để quảng cáo trên xe buýt là không hợp lý. Doanh nghiệp chỉ muốn bán được hàng, còn quảng cáo ở đâu có lợi thì họ thực hiện, các cấp quản lý phải có cái nhìn rõ nét hơn. Làm vậy khác nào trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, anh Hoàng Nam, nhân viên văn phòng chia sẻ.
Trả lời về những thắc mắc của người dân, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM nhận định: "Việc quảng cáo này không sai quy định của Luật quảng cáo. Vì theo đề án, đây là tuyến xe buýt có trợ giá, miễn là thể hiện nội dung không sai thì được quảng cáo, toàn bộ số tiền quảng cáo đó đều nộp về ngân sách TP.HCM.
Tuy nhiên, bản thân tôi cũng nhận thấy việc xe buýt công cộng mà đi quảng cáo cho xe cá nhân là điều bất cập, cần xem xét lại, tôi sẽ trình vấn đề này lên cấp trên".
Những năm gần đây, để thu hút hành khách đi xe buýt, TP.HCM đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp. Từ đầu tư đổi mới phương tiện xe buýt, đến thay lượng xe chạy bằng nhiên liệu khí thân thiện với môi trường, thay thế cho dầu, xăng (CNG) đang được các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.
Trên xe được gắn camera để quan sát thái độ của tài xế, tiếp viên. Có cả hệ thống phần mềm Busmap, tạo thuận lợi cho hành khách trong việc lựa chọn điểm đi, điểm đến, biết được chiều dài lộ trình, thời gian xe sắp tới.
Tính đến tháng 4/2018, đã có 1.000 xe buýt mới được sử dụng trên địa bàn TP.HCM. Song song đó, mô hình quảng cáo trên xe buýt cũng được thực hiện từ tháng 4/2017.
Bình luận