• Zalo

Xây sân vận động trăm tỷ: Phó chủ tịch huyện lên tiếng

Thời sựThứ Hai, 29/07/2013 10:00:00 +07:00Google News

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, xây sân vận động lớn như vậy là vì để phục vụ cho nhu cầu người dân đến đá bóng, các sở ngành giao lưu.

Trao đổi với PV về việc xây dựng Trung tâm TDTT và sân vận động có vốn đầu tư lên tới 200 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, sở dĩ xây sân vận động lớn như vậy là vì để phục vụ cho nhu cầu người dân đến đá bóng, các sở ngành giao lưu.

Hoài Đức quyết định xây Trung tâm TDTT, sân vận động quy mô như vậy vì Hoài Đức có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Ước tính đến năm 2015 số dân sẽ tăng từ 20 vạn lên đến 30-40 vạn người.

Sân vận động hình tổ chim của huyện Hoài Đức đứng đầu cấp huyện về độ hoành tráng. 

Ngoài ra, mảng giáo dục, y tế huyện đã có nhiều đầu tư và nhiều trường, trạm đã đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đến nay chưa có xã, thị trấn nào xây dựng được trung tâm văn hóa, cho nên phần lớn các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ đều dồn lên tuyến huyện cả.

- Tổng mức đầu tư công trình đến nay là 200 tỷ đồng, một phần đã đưa vào sử dụng, vậy huyện đã có phương án vận hành, khai thác hiệu quả chưa, thưa ông?


 

Có nhiều người dân vào đá bóng chứ. Nhiều cuộc giao lưu giữa lãnh đạo các huyện, trung tâm phát triển quỹ đất, nhiều nơi giao lưu chứ không phải toàn lãnh đạo đâu. Đã thu hút cả cán bộ các sở nội thành ra chơi chứ có phải riêng Hoài Đức đâu.

Ông Nguyễn Văn Nuôi
 
Chúng tôi đã giao cho Trung tâm xây dựng quy chế và phương án khai thác, vận hành các hạng mục. Một phần hoạt động sẽ theo phương thức dịch vụ, thu tiền. Tuy nhiên ban đầu phải thu hút được người dân đến với Trung tâm. Sau này trung tâm phải lấy thu để trang trải kinh phí.


- Được biết, trong quy hoạch sân vận động còn có 1 khán đài B với 4.000 chỗ ngồi. Vậy khi nào huyện sẽ xây dựng tiếp khán đài B?

Đúng là trong quy hoạch ngoài khán đài A 3.500 chỗ thì còn có thêm một khán đài B nữa nhưng chúng tôi chưa xây dựng vì còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng năm và phải còn xin ý kiến các ngành.

- Thưa ông, hiện cả nước đang phải thắt chặt chi tiêu công vậy mà huyện Hoài Đức vẫn đầu tư xây dựng những công trình chưa thật sự cấp bách như SVĐ thì liệu có đi ngược lại với chỉ đạo của Chính phủ không?

Hàng năm thực hiện Nghị quyết 11, Sở KH&ĐT đều về làm việc với huyện rà soát các dự án rất chặt. Cũng vì vậy nên mặc dù có đất rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa xây các hạng mục còn lại của sân vận động. Việc xây sân vận động hiện nay đã được Sở KH&ĐT cho phép, vì sử dụng ngân sách nên đồng ý làm chúng tôi mới triển khai được.

Phó Chủ tịch huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Nuôi
- Một huyện nông nghiệp ngoại thành như Hoài Đức, mức chi tiêu của người dân còn thấp, phong trào thể thao không mạnh thì liệu khả năng thu hút người dân trong huyện đến với sân vận động lớn này có khả thi không?

Đúng là như vậy! Hiện nay ngay cả sân vận động quốc gia, Trung tâm Hội nghị quốc gia, các công trình phục vụ SEA Games 22 và ngay cả nhiều công trình của các nước khác thì việc khai thác để hoàn vốn trong trường hợp này là không thể.

 Huyện có dân số 22 vạn và cũng gần trung tâm Hà Nội thì việc kéo người dân ngoại thành ra với sân vận động Hoài Đức là rất thuận lợi. Chúng tôi phục vụ cả các quận huyện nội thành và ngoại thành. Bản thân tôi còn đi lên cả Hòa Lạc để đánh tennis. Nhiều sở ngành đã về đây để đá bóng, chơi thể thao.


- Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay sân vận động thường dành cho cán bộ, lãnh đạo địa phương chứ người dân bình thường thì không dễ vào. Ông nghĩ sao về điều này?

Nói như vậy thì không đúng. Có nhiều người dân vào đá bóng chứ. Nhiều cuộc giao lưu giữa lãnh đạo các huyện, trung tâm phát triển quỹ đất, nhiều nơi giao lưu chứ không phải toàn lãnh đạo đâu. Đã thu hút cả cán bộ các sở nội thành ra chơi chứ có phải riêng Hoài Đức đâu.

- Cảm ơn ông!



Theo TPO
Bình luận
vtcnews.vn