Ông Động cho biết: “Theo quy hoạch chung về thể thao của Chính phủ, có việc xây dựng, tạo ra các thiết chế, công trình thể thao tại các quận, huyện. Đây là chủ trương đúng để phục vụ mục đích phát triển thể thao cơ sở, tăng cường sức khỏe và các hoạt động cộng đồng của người dân. Vấn đề là thiết chế đó được xây dựng ở quy mô như thế nào thì mỗi địa phương khi thực hiện cần phải lưu ý.
Theo quan điểm của tôi, sân vận động tại các quận, huyện chỉ nên có quy mô dưới 2.500 chỗ ngồi, nhà thi đấu khoảng 1.000 chỗ là vừa. Nếu xây quá to, quá rộng nhưng nhu cầu sử dụng và việc khai thác không đạt hiệu quả thì đó là sự không cần thiết, gây lãng phí. Một công trình thể thao đến vài ngàn chỗ ngồi, tiêu tốn hàng trăm tỉ đồng nhưng mấy tháng mới có một vài sự kiện thì đúng là lãng phí rồi”.
Dự kiến vào tuần tới Sở VH-TT&DL TP sẽ có văn bản gửi các quận, huyện để nhắc nhở việc này. Chúng tôi
Sở dĩ có điều này là do trong thời gian qua tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, các trung tâm thể dục thể thao được chính quyền đầu tư cả hàng trăm tỉ đồng để xây dựng.
Đầu tư hoành tráng...
Cụ thể, Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) huyện Hoài Đức có tổng diện tích 5,6ha với nhiều hạng mục được thiết kế quy mô, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó đáng chú ý nhất là sân vận động quy mô 4.000 chỗ ngồi, có mái che, sân cỏ nhân tạo, đi kèm tổ hợp phòng ban tổ chức, phòng họp báo, phòng cho VĐV...
Ngoài ra, trung tâm còn có một nhà thi đấu đa năng 2.000 chỗ ngồi, giàn đèn cao áp hơn 100 bóng và hệ thống âm thanh đi kèm trị giá 7 tỉ đồng. Đó là chưa kể bể bơi (kích thước 25x11m) và khu nhà văn hóa quy mô lớn trong khuôn viên trung tâm hiện đang được xây dựng.
Theo UBND huyện Hoài Đức, dự án xây dựng trung tâm được khởi công từ năm 2009 với tổng mức đầu tư lên tới 200 tỉ đồng được lấy từ nguồn vốn ngân sách, thuộc thẩm quyền phê duyệt của huyện. Trong đó nhà thi đấu (bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, làm đường) đầu tư 120 tỉ đồng, sân vận động gần 80 tỉ đồng.
Còn tại huyện Đan Phượng, khu liên hợp thể thao của huyện được đầu tư với tổng vốn 32 tỉ đồng gồm sân vận động 8.000 chỗ ngồi, nhà thi đấu đa năng, sân quần vợt, bể bơi. Theo một lãnh đạo huyện, ngoài bể bơi, sân quần vợt được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, những công trình còn lại của khu liên hợp đều được đầu tư bằng vốn ngân sách.
... Nhưng hoạt động đìu hiu
Có mặt ở khu liên hợp thể thao của huyện Đan Phượng ngày 26/7, dù là dịp cuối tuần nhưng cả khu liên hợp không có hoạt động thể thao nào diễn ra, đặc biệt là thiếu bóng dáng VĐV và người dân. Còn tại sân vận động 8.000 chỗ ngồi, trong khi một số nhóm thợ sửa sang, bảo dưỡng các vị trí ghế ngồi đang xuống cấp thì ở các phòng dưới công trình chỉ thấy bóng dáng người dân ra vào để... hỏi về chuyện xử lý xe vi phạm.
Thậm chí, bấy lâu nay ngoài một số hạng mục tại trung tâm hoạt động đúng chuyên môn, còn lại một số phòng, khu vực của khu liên hợp đang trong tình trạng cho các đơn vị chức năng khác mượn sử dụng tạm thời. “Phần diện tích các phòng quanh sân vận động hiện nay không phải chỗ cho các VĐV.
Một bên dành cho lực lượng cảnh sát giao thông của huyện làm việc, còn nửa kia dành cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Vì thế mới thấy cảnh người dân ra vào hỏi về chuyện xe vi phạm” - một người dân sống gần khu liên hợp này giải thích.
Tại Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức, trong suốt ngày 26/7 tất cả đều đìu hiu. Xung quanh diện tích rộng thênh thang gần 6ha chỉ lác đác vài chiếc ôtô dừng đỗ phục vụ cán bộ văn phòng làm việc tại trung tâm.
Địa phương nói không lãng phí
“Đầu tư trung tâm TDTT một huyện với quy mô như thế liệu có quá lớn và cần thiết hay không?”, trả lời câu hỏi này của chúng tôi ngày 27/7, ông Vương Duy Hướng, chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, nói: “Việc đầu tư xây dựng trung tâm hiện đại là tính cho cả tương lai vì huyện Hoài Đức đang được quy hoạch lên quận”. Ông Hướng cho rằng việc xây dựng trung tâm hiện đại không chỉ phục vụ nhu cầu thể dục thể thao cho người dân trong huyện mà trong tương lai còn phục vụ các giải thể thao của TP, quốc gia.
“Mới đây trung tâm đã tổ chức Giải cầu lông TP. Hoài Đức khá gần trung tâm, quốc lộ 32 đã xây dựng rộng rãi, khang trang nên sau này các giải tổ chức trong nội đô nếu di chuyển về đây sẽ giúp giảm tải áp lực về giao thông đi lại, ăn ở rất nhiều cho VĐV” - ông Hướng phân tích.
Còn theo ông Nguyễn Khánh Mạnh - phó giám đốc Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức, trung tâm có nhiều mô hình mới hoạt động “hơi bị tốt” và “nhiều quận huyện đến đây tham quan học hỏi mô hình”. Điều này trái ngược với bản danh sách một cán bộ chuyên môn trung tâm cung cấp cho chúng tôi. Từ tháng 2 đến tháng 7, tại trung tâm chỉ diễn ra 13 hoạt động thể thao. Trong đó chỉ duy nhất một hoạt động cấp TP, còn lại là các buổi thi đấu cầu lông, cờ tướng, kéo co trong huyện.
Giải thích việc khu liên hợp này bị “biến dạng” về chức năng, ông Nguyễn Hữu Hoàng, phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, cho rằng những phòng, diện tích của khu liên hợp đang cho các lực lượng cảnh sát giao thông, phòng cháy chữa cháy mượn sử dụng tạm là do những đơn vị này chưa bố trí được nơi làm việc. “Tới đây bố trí được sẽ phải chuyển” - ông Hoàng khẳng định.
Về hoạt động của khu liên hợp, đặc biệt là tình trạng thiếu bóng dáng người dân trong các công trình, khu liên hợp thể dục thể thao, theo ông Hoàng, nếu về không đúng thời điểm có thể có tình trạng vắng bóng người dân. Nhưng vào dịp chiều các khuôn viên trong khu liên hợp đều có người dân tham gia tập thể dục, đi bộ.
Theo ông Hoàng, những công trình của huyện ngoài phục vụ các hoạt động thể dục thể thao cấp TP, cấp huyện, phục vụ các hoạt động văn hóa... còn phục vụ các giải thể thao quần chúng của huyện. Tuy nhiên, đề cập về khu nhà thi đấu đa năng, ông Hoàng cho biết hiện nhà thi đấu chỉ dành cho VĐV luyện tập.
Những khu này rất khó để người dân có thể tham gia, đó là thực tế. Ông Hoàng cũng thừa nhận việc làm sao để đưa công trình vào hoạt động hiệu quả, khai thác hiệu quả để không lãng phí, vừa để người dân được thụ hưởng, vừa khai thác được mà không sai mục đích đang là trăn trở lớn của huyện.
“Để quản lý và vận hành hiệu quả trung tâm thể dục thể thao được đầu tư là việc lớn, phải có cơ chế, chính sách cụ thể. Tuy nhiên những cơ chế chính sách chung chưa có mà mới chỉ là cách làm của huyện. Chẳng hạn huyện xác định sẽ dùng nguồn kinh phí hoạt động của sự nghiệp thể thao, thậm chí kêu gọi hỗ trợ thêm từ các nguồn để tổ chức các hoạt động thể thao toàn huyện.
Như một năm huyện tổ chức 4-5 giải bóng đá toàn huyện. Thời điểm tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật nên gần như tuần nào cũng có sự kiện. Hiện sân vận động được sửa chữa để tới đây sẽ có giải bóng đá toàn huyện thu hút sự tham gia của người dân các xã. Như vậy, người dân cũng đang được hưởng sự đầu tư đúng hướng qua việc có sân chơi, được trực tiếp tham gia, cổ vũ” - ông Hoàng nói.
Bình luận