• Zalo

Xây nhà máy nước sông Hồng 3,6 nghìn tỷ: 'Sẽ giám sát chặt, không thả rông như trước'

Thời sựThứ Ba, 27/10/2015 08:32:00 +07:00Google News

Nhà máy mặt nước sông Hồng, vỡ đường ống nước sông Đà

(VTC News) – Giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ những điểm khác biệt trong việc xây dựng Nhà máy nước sạch sông Hồng sau 15 lần vỡ đường ống dẫn nước sông Đà.

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 27/10, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chấp thuận đầu tư dự án xây dựng Nhà máy mặt nước sông Hồng.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 3,6 nghìn tỷ đồng, do Công ty CP Nước mặt sông Hồng làm chủ đầu tư. Nguồn vốn đầu tư dự án là vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay và vốn huy động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy nước mặt sông Hồng có công suất 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sạch cho khu vực phía Nam sông Hồng, bao gồm trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường quốc lộ 32 (quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan phượng) và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức.

Về địa điểm, Nhà máy nước sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 20,5ha tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng. Công trình thu được đặt tại xã Liên Hà, huyện Đan Phượng.

Mạng lưới tuyến ống sẽ đi qua địa bàn các xã: Liên Hồng, Tân Hội, Tân Lập, Liên Hà, Liên Trung thuộc huyện Đan Phượng; các phường Thượng Cát, Tây Tựu, Minh Khai, Thụy Phương, Cổ Nhuế, Đông Ngạc, thuộc quận Bắc Từ Liêm và phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Liên quan đến việc rút kinh nghiệm từ các sự cố vỡ đường ống nước sông Đà, ông Lê Văn Dục cho biết, theo quy định mới, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giám sát chặt chẽ suốt quá trình đầu tư cho tới khi hoàn thành dự án chứ không thả rông như các dự án trước đây.

“Chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư trong suốt từ quá trình đầu tư, thiết kế kỹ thuật đều được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước phê duyệt chứ không phải thả rông như ngày xưa. Ngày xưa, chủ đầu tư được phê duyệt hết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ thẩm định, thẩm tra.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ giám sát chặt chẽ toàn bộ giai đoạn triển khai dự án, từ khâu đào hố cho tới lúc nghiệm khu giai đoạn rồi tới khi công trình được nghiệm thu toàn phần đưa vào sử dụng,” ông Dục khẳng định.

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng sẽ chọn đường ống làm bằng chất liệu gang dẻo. Đường ống này được chôn nông hơn rất nhiều so với đường ống dẫn nước của Nhà máy nước sông Đà.

Theo ông Lê Văn Dục, sử dụng đường ống làm từ gang dẻo vừa kinh tế, bền, vừa dễ sửa chữa khi có sự cố.

“Dùng gang dẻo thì không thể vỡ được. Ở dự án này, đường ống cũng không phải được chôn sâu 6m dưới lòng đất như Nhà máy sông Đà. Ở đây chỉ chôn đủ tải địa chất, khoảng 1,5m. Như vậy, khi bị vỡ ống chúng ta sẽ chữa rất nhanh,” ông Dục nói.


Liên quan đến quy trình cấp nước cho người dân, ông Lê Văn Dục cho hay, nhà đầu tư vận chuyển nước từ nhà máy qua hệ thống truyền dẫn bắt đầu vào thành phố, trước khi dẫn vào hệ thống cấp cho người dân thì nước thì được cấp qua 1 đồng hồ tổng.

“Nước tại đồng hồ tổng phải đảm bảo tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành thì chúng tôi mới mua. Nước sẽ được tính toán tại đồng hồ tổng, đơn giá sẽ được Sở tài chính và các đơn vị chuyên ngành tính toán, xây dựng. Chúng ta cũng đã có lộ trình tăng giá nước rồi,” Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn