• Zalo

Xây nhà lưu trú trăm tỷ đồng bị công nhân khước từ

Thời sựThứ Hai, 06/10/2014 07:35:00 +07:00Google News

Khu lưu trú của Khu công nghiệp Vĩnh Lộc được xây dựng với chi phí hơn 150 tỷ đồng nhưng rất ít công nhân ở.

Khu lưu trú của Khu công nghiệp Vĩnh Lộc được xây dựng với chi phí hơn 150 tỷ đồng nhưng rất ít công nhân ở.

Tại buổi tiếp xúc của lãnh đạo TP HCM với công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc ngày 5/10, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc Võ Văn Thân cho biết, khu nhà lưu trú cho công nhân ở đây có 344 phòng với 2.400 chỗ ở nhưng chỉ có 200 công nhân sinh sống dù công trình này được đưa vào sử dụng đã 4 năm.

Kinh phí xây khu lưu trú 7 tầng hơn 150 tỷ đồng là nguồn vốn vay từ chương trình kích cầu của UBND Thành phố, thời hạn hoàn vốn là 7 năm. Tuy nhiên, theo ông Thân, nhà xây xong chỉ 10% được công nhân thuê ở thì không thể hoàn vốn kịp. "Nhà lưu trú có bảo vệ 24/24, giữ xe, đảm bảo an ninh, rộng rãi, sạch đẹp nhưng rất ít công nhân đoái hoài", ông Thân nói.
Nhà lưu trú có cả siêu thị, được đảm bảo an ninh 24/24 nhưng chỉ 10% số phòng được công nhân thuê. Ảnh: Duy Trần 
Về vấn đề này, chị Văn Thị Hợi, công nhân công ty bia Sài Gòn miền Tây cho rằng, chi phí thuê phòng ở đây 240.000-300.000 đồng/người. Trong khi ở trọ, nếu ở chung mỗi công nhân chỉ mất khoảng 150.000-200.000 đồng/tháng. “Đáng lý với chính sách nhà lưu trú, người lao động phải vui mừng và tham gia nhiều. Nhưng giá thuê cao trong khi lương chúng tôi chỉ hơn 3,5 triệu đồng mỗi tháng là không đủ chi trả”, chị Hợi nêu ý kiến.

Anh Ngoan, công nhân quê Kiên Giang cho biết, ở trọ tuy mất an ninh nhưng được cái giá rẻ. Đồng hương, bạn bè có thể ở cùng nhau một khu. “Ở trọ rẻ hơn 100-200.000 đồng cũng quý vì chúng tôi không có nhiều tiền. Thêm nữa, nhà lưu trú xa công ty nên mình chọn trọ gần cho dễ đi về”, anh Ngoan chia sẻ.

Tại tầng 4, khu lưu trú công nhân Vĩnh Lộc trên đường Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) có 20 phòng nhưng chỉ 4 phòng có người ở, những phòng còn lại đóng kín, bụi bám đầy cửa kính, nền nhà. Một công nhân sống tại tầng này cho hay đây là tầng có nhiều người ở nhất, có tầng bỏ không, riêng dãy nhà C mới xây hiện vẫn chưa ai ở.
Không người thuê, phòng khóa kín, đóng đầy bụi. Ảnh: Duy Trần 
Trưởng ban quản lý Khu công nghiệp, chế xuất TP HCM (Hepza) Vũ Văn Hòa, cho biết, qua nhiều đợt kiểm tra, nhà lưu trú cho công nhân chưa phát huy được tác dụng. Theo ông, thiết kế của phòng chưa ổn khi xây dựng quá rộng, quá tốt, quá sang trong khi điều kiện công nhân còn hạn chế.

Một hạn chế nữa được ông Hoà nêu ra là, để được ở nhà lưu trú công nhân phải thông qua doanh nghiệp họ làm việc giới thiệu. “Điều này rất hạn chế, thời gian tới, sẽ kiến nghị để người lao động trực tiếp liên hệ với ban quản lý nhà lưu trú để đăng ký không cần thông qua nơi làm việc”, ông Hòa cho hay.

Tham dự buổi tiếp xúc, Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cho rằng, việc nhà lưu trú công nhân xây 4 năm nhưng chỉ sử dụng được 10% là sự lãng phí tiền của, công sức. Ông cũng cho rằng, một phòng hiện nay có 8 người ở không hợp lý.

"Nhà ở công nhân không phải doanh trại quân đội. Ở đông trong khi công nhân phải đi làm đúng giờ, tăng ca nên việc xếp hàng, chờ đợi buổi sáng rất mất thời gian”, ông Thuận nói và đề nghị các đơn vị có trách nhiệm sửa đổi quy chế để thu hút công nhân, người lao động vào ở.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận tại buổi tiếp xúc công nhân KCN Vĩnh Lộc. Ảnh: Duy Trần 

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà kết luận, việc Khu công nghiệp Vĩnh Lộc có hơn 12.000 công nhân nhưng chỉ có 200 người ở nhà lưu trú là quá thấp. “Việc sử dụng nhà lưu trú không hiệu quả trước đây đã từng diễn ra ở khu công nghiệp Hiệp Phước, tại sao các sở ngành lại không rút kinh nghiệm?”, bà Hà đặt vấn đề.

Cũng trong buổi tiếp xúc, công nhân Khu công nghiệp Vĩnh Lộc đặt hơn 30 câu hỏi xoay quanh vấn đề doanh nghiệp nợ lương, bỏ trốn, không đóng bảo hiểm xã hội... Sau khi giải đáp, Phó chủ tịch UBND Hứa Ngọc Thuận phê bình các tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên khi chưa làm hết trách nhiệm để công nhân, người lao động còn nhiều băn khoăn, vướng mắc.

Theo VNE

Bình luận
vtcnews.vn