Đầu tháng 7/2016, Thành ủy Hà Nội đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP về quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng khách sạn tại số 22-23 Lê Thái Tổ, dự kiến xây dựng vào tháng 9/2016.
Sau khi công bố, thông tin nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến từ dư luận Thủ đô và nhân dân cả nước.
PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư – Nguyễn Thanh Sơn xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về bộ mặt kiến trúc quanh hồ Gươm hiện tại?
Lấy hồ Gươm làm trung tâm, có thể thấy từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, hình thái kiến trúc đô thị hồ Gươm rất phong phú, có sự chuyển hóa về quy mô khối tích, hình thức kiến trúc một cách uyển chuyển, tinh tế, vừa có chất phương Tây nhưng cũng rất Á Đông, hàm chứa các dấu ấn văn hóa liên tục qua các thời kỳ từ Lê, Nguyễn, Pháp thuộc đến hiện đại, trừ một số công trình không tôn trọng cảnh quan mà dư luận đã lên tiếng trước đây. Giữa công trình, cảnh quan, thiên nhiên quanh hồ Gươm dường như đã thuộc về nhau, hằn in trong ký ức của người dân Hà Nội và người yêu Hà Nội, nên mỗi sự thay đổi ở đây, dù rất nhỏ, cũng nhận được sự quan tâm, đóng góp trách nhiệm, tâm huyết.
Cũng vì trải qua nhiều thời kỳ, đan xen nhiều thể loại công trình từ nhà dân, đến công trình công cộng, khối tích, hình thức kiến trúc có điểm khác nhau, việc kiểm soát phát triển dường như chủ yếu nằm trên văn bản, cộng với sự nở rộ về màu sắc, biển quảng cáo, ánh sáng, nên không gian kiến trúc, cảnh quan hồ Gươm và vùng phụ cận đang đứng trước thách thức giữa bảo tồn và phát triển, giữa cũ và mới, mà kiến trúc chỉ là một thành tố, yếu tố văn hóa, lịch sử là căn cốt, là mạch nguồn của trái tim hồ Gươm.
- Trải qua nhiều thập kỷ, nhiều công trình xung quanh hồ đã xuống cấp nghiêm trọng, cụ thể như tòa nhà trước kia được sử dụng đặt siêu thị Intimex (số 22-23 phố Lê Thái Tổ). Hà Nội đã có chủ trương xây dựng khách sạn tại vị trí này, quan điểm của ông thế nào?
Đô thị, không gian, công trình kiến trúc cũng có cuộc sống của nó và bị chi phối bởi quy luật của thời gian, vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo, cải tạo, hay xây dựng mới phụ thuộc vào việc xác định giá trị của nó, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đóng góp vào không gian đô thị, cảnh quan. Do đó, cụm công trình này cần được đánh giá một cách chân xác trong hình thái kiến trúc phố Lê Thái Tổ và không gian kiến trúc khu vực hồ Gươm, nếu công trình đã xuống cấp, việc cải tạo, hoặc xây dựng mới với chức năng công năng khách sạn là có thể xem xét, tuy nhiên, vấn đề là cải tạo hoặc xây dựng mới như thế nào?
- Vậy những điểm cần lưu ý khi xây dựng khách sạn tại bờ hồ là gì?
Xung quanh hồ Gươm từ thời Pháp thuộc đến nay đã có một số công trình khách sạn, công trình công cộng được xây dựng, tuy nhiên, những công trình nào có khối tích lớn, hoặc bề mặt bức tường đều không phù hợp.
Vừa qua, thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý phương án kiến trúc công trình phải phù hợp với các quy định về quy hoạch và bảo tồn, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc có liên quan; cố gắn kiến trúc mặt ngoài đảm bảo hình thái kiến trúc của công trình hiện có; thiết kế hài hòa, phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực hồ Gươm và phụ cận.
Vậy quy hoạch, quy chế liên quan đến khu vực này như thế nào? Đối chiếu với Quy hoạch chi tiết hồ Gươm và phụ cận được phê duyệt theo Quyết định số 448/BXD-KTQH ngày 3/8/1996 của Bộ Xây dựng, thì “Các công trình kiến trúc có giá trị cần được giữ gìn, bảo vệ chặt chẽ. Khi có yêu cầu cải tạo và xây dựng lại thì phải có giấy phép phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Dự án cải tạo và xây dựng lại các công trình này phải được tổ chức xin ý kiến Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố, trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Đối với các công trình hiện có, phù hợp với quy hoạch được phép giữ lại, khi có yêu cầu chỉnh trang, cải tạo hoặc xây lại mới thì chủ đầu tư phải xin phép xây dựng. Khi giấy phép xây dựng các công trình này cần lưu ý các giải pháp kiến trúc, quy hoạch đảm bảo không làm biến dạng các mặt phố, cảnh quan, huỷ hoại giá trị kiến trúc, văn hoá vốn có của các công trình đó và khu vực có liên quan”.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận (Quyết định số 45/QĐ-UB ngày 06/01/1997) theo đó, cụm công trình này thuộc lô L7, quy định mật độ xây dựng là 80%, tầng cao trung bình là 2,7 tầng, hệ số sử dụng đất là 2,14. Quy định về chiều cao công trình đối với các lô đất tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chiều cao tối đa của công trình không vượt quá 16m, kể từ chỉ giới xây dựng, nhưng khối tích công trình phải đảm bảo thông thoáng, không tạo thành bức tường thành ngăn cách không gian hồ với các khu lân cận.
Do đó, những ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và một số chuyên gia kiến trúc góp ý về công trình vừa qua là có cơ sở lý luận và thực tế. Chưa kể giờ đây di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm đã đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013, do đó, những tác động đến không gian của di tích phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
- Liệu công trình xây mới có ảnh hưởng đến không gian kiến trúc chung của hồ Gươm?
Điều này tùy thuộc vào phương án kiến trúc của công trình được lựa chọn, nếu tuân thủ các quy định về kiến trúc, quy hoạch và phù hợp với không gian lịch sử, văn hóa, cảnh quan của khu vực, công trình sẽ đóng góp có trách nhiệm vào không gian di sản hồ Gươm. Còn nếu công trình có chi tiết kiến trúc lạc lõng, thiếu kế thừa ngôn ngữ, hình thái kiến trúc công trình cũ sẽ xa lạ và không hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan hồ Gươm.
Video: Ngoại trưởng Hoa Kỳ đi dạo ở Hồ Gươm
- Theo ông, người dân trông chờ gì ở diện mạo mới của công trình này?
Nếu ở những nơi khác hồ Gươm, đó chỉ đơn giản là công trình khách sạn, tuy nhiên, nếu ở đây, tôi thiết nghĩ người dân và thành phố Hà Nội mong chờ một công trình hàm chứa yếu tố văn hóa, hài hòa, đóng góp vào không gian cảnh quan kiến trúc trái tim Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận