• Zalo

Xây đường du lịch Mỹ Đình - Bái Đính: Cực kỳ lãng phí!

Thời sựThứ Năm, 19/09/2013 01:50:00 +07:00Google News

Nơi có 3, 4 con đường vẫn tiếp tục xây dựng đường giao thông và một nơi không có con đường nào qua sông, trẻ em phải đi bằng bè, hết sức mất an toàn.

Nơi có 3, 4 con đường vẫn tiếp tục xây dựng đường giao thông và một nơi không có con đường nào qua sông, trẻ em phải đi bằng bè, hết sức mất an toàn.

Liên quan đến đề án xây dựng tuyến đường du lịch tâm linh nối từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình) đang được Tổng cục đường bộ Việt Nam lên kế hoạch triển khai, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thuỷ - chuyên gia nghiên cứu nhiều năm về giao thông đô thị, xoay quanh tính bức thiết của dự án này.

 Tại những vùng sâu, vùng xa, các em học sinh đang phải đu dây ròng rọc qua sông để đến trường mỗi ngày.
Tại những vùng sâu, vùng xa, các em học sinh đang phải đu dây ròng rọc qua sông để đến trường mỗi ngày. 
Hà Nội - Ninh Bình đã thừa quá nhiều đường rồi

- Bộ GTVT vừa có cuộc họp với các cơ quan thuộc Bộ và UBND tỉnh Ninh Bình, Hà Nam để chuẩn bị cho việc lập dự án xây dựng đường du lịch Mỹ Đình - Bái Đính. TS có đánh giá gì về đề xuất này, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, ngân sách hạn hẹp, còn rất nhiều ngành nghề cũng cần được quan tâm, đầu tư?

TS. Nguyễn Xuân Thuỷ: Theo tôi đây là một sự lãng phí không cần thiết. Bởi vì đất nước chúng ta còn rất nghèo.

Bộ GTVT đã phải thu phí này, phí kia của nhân dân, thậm chí là định ra phí giảm phương tiện cá nhân để thu của nhân dân, để làm đường. Bộ GTVT vẫn kêu là do thiếu kinh phí trùng tu, bảo dưỡng nên phải thu cả loại phí này và nhân dân cả nước phải đóng góp vào.

Theo như tôi biết, một người đi xe máy hay ô tô hiện đang phải đóng rất nhiều loại phí. Ví dụ như phí bảo trì đường bộ tại các trạm thu phí, phí gửi xe, bến bãi (do Hà Nội không có gara để ô tô nên người dân phải chịu phí này rất đắt, nhất là vào các mùa lễ hội)...

Vậy cho nên phí chồng phí, người dân vì con đường giao thông đã phải bỏ rất nhiều trong số tiền ít ỏi của mình để đóng góp cho Nhà nước, kể cả tiền thuế, để có thể làm được những con đường.

Nhưng trong khi đó, ngành GTVT lại mang đi đầu tư dàn trải, đầu tư không đúng trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả và thậm chí là chồng chéo, gây lãng phí vô cùng.

Trong khi tại Hà Nội, người dân đang phải chịu cảnh ùn tắc giao thông, phương tiện không có lối thoát, hè phố cũng chật kín các phương tiện, đường hẹp, cầu hẹp, đường trên, đường dưới không có bao nhiêu thì những tuyến đường mà Hà Nội và Nhà nước đã tuyên truyền cách đây 4 - 5 năm như tuyến đường tàu điện ngầm nối từ ga Hà Nội, hay tàu điện ngầm Bến Thành - Suối Tiên, rồi hàng loạt các tuyến đường trên cao, dưới thấp... đến nay lại không thấy.

Những cái cần thiết để giải quyết ùn tắc giao thông không được đề cập đến, nhưng Bộ GTVT vẫn triển khai nào là sân bay quốc tế Phú Quốc, đường cao tốc Nội Bài đi Lào Cai, hay các tuyến phía Nam... Đó là một điều bất cập.

- Theo ông Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ thì tuyến đường này là để phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh của 6,5 triệu dân Hà Nội. Vào những ngày cuối tuần mà người dân xuống đó nghỉ ngơi du lịch thì rất tuyệt vời. Xin TS cho biết ý kiến của TS về lập luận này?

Tôi thấy như vậy là cực kỳ lãng phí, cực kỳ dàn trải. Nơi tạo ra hiệu quả kinh tế lớn nhất là Hà Nội và TP. HCM, chiếm 30% GDP cả nước, và 40% nộp ngân sách Nhà nước thì đáng lẽ ra phải đầu tư rất mạnh về vấn đề giao thông tại đây.

Nhưng trong khi đó giao thông tại hai đại đô thị này lại đầu tư rất nhỏ giọt, dự án treo vô vàn. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang thiếu kinh phí. Nhưng thiếu kinh phí mà lại lãng phí, đầu tư thiếu tập trung.

Tuyến đường nối Mỹ Đình - Bái Đính là một lãng phí cực kỳ lớn, vì hiện nay đã có đến 3, 4 tuyến đường nối hai địa điểm này: đường sắt, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, đường 1A chồng chéo.

Tất nhiên khi làm một con đường mới thì sẽ tốt hơn đường cũ, nhưng chúng ta là nhà nghèo. Nói thật là ngay đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tôi đã thấy lãng phí rồi. Vừa lãng phí về vấn đề đất đai, vừa lãng phí về vấn đề kinh phí xây dựng. Nên dùng số tiền đó để đầu tư hạ tầng cơ sở, giải quyết ùn tắc giao thông đô thị sẽ tốt hơn rất nhiều.

Cho nên quan điểm của tôi là dứt khoát không nên làm tuyến đường du lịch tâm linh này. Còn nếu muốn phát triển du lịch thì ông Tổng cục du lịch có tiền thì đi mà làm.

Nhưng nếu có làm thì cũng nên làm hướng khác, vì tuyến đường Hà Nội - Ninh Bình đã thừa quá nhiều đường rồi.

Nghịch lý bài toán kinh tế nước nghèo


- Trong khi chúng ta bỏ hàng nghìn tỷ để xây dựng đường du lịch tâm linh thì tại những vùng sâu, vùng xa, các em học sinh đang phải đu dây ròng rọc qua sông để đến trường mỗi ngày. TS nghĩ thế nào về sự tương phản, đối lập này trong cùng một đất nước?

Đó là một thực tế rất đau lòng. Những vấn đề tôi nêu ở trên là những ví dụ, và đây cũng là một ví dụ để chúng ta thấy rằng còn rất nhiều nơi khác cần phải đầu tư.

Mỗi đồng tiền người dân bỏ ra đều là mồ hôi, nước mắt. Dân ta còn nghèo lắm, nhưng bây giờ tiền nước tăng, tiền điện tăng, tham nhũng nhiều. Chỉ một anh giám đốc chức nhỏ thôi ở TP. HCM lương cũng bạc tỷ rồi, trong khi đó người dân vùng sâu vùng xa hay kể cả nông dân của mình còn rất nghèo.

Cảnh các cháu học sinh học trong những ngôi trường đơn sơ, bàn ghế xộc xệch, cùng quây chung vào một cái nồi để ăn mà không đủ no, quần áo không đủ ấm, đường sá lạc hậu, đơn sơ... đau đớn vô cùng.

Cho nên tôi không cần cả nghìn tỷ, tôi chỉ cần vài chục tỷ thôi cũng đủ để giúp những nơi mà các cháu học sinh phải đu dây qua sông đi học rất mất an toàn.

Chỉ cần làm một chiếc cầu treo đơn sơ, khoảng 2 - 3 tỷ thôi cũng là quý giá lắm rồi, và đấy mới là những cái nên làm trước, cần làm trước. Nó vừa nhân văn, vừa hiệu quả lại vừa nâng cao uy tín của cả chế độ mình.

- Đã có không ít chuyên gia đồng tình ủng hộ dự án này, với lý do càng làm nhiều đường thì càng tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội và du lịch, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Xin TS cho biết quan điểm của TS về cách lập luận này?

Mỗi người có một quan điểm nên chúng ta cần tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, quan điểm nào đúng, quan điểm nào sai thì thiết nghĩ người dân sẽ đều hiểu cả.

Giữa một bên là 3, 4 con đường rồi mà vẫn tiếp tục xây dựng đường giao thông nữa, và một nơi là không có con đường nào qua sông, trẻ em phải đi bằng bè, hết sức mất an toàn để đến trường đến lớp. Hoặc là một nơi là đại đô thị, trung tâm của cả nước mà người dân phải chen chúc nhau đi trên các con đường nhỏ hẹp, ùn tắc giao thông thường xuyên, thì những nơi nào cần thiết phải đầu tư trước?

Công bằng mà nói, khi làm một con đường mới đều là tốt cả, nhưng chẳng hạn làm con đường Mỹ Đình - Bái Đính thì người dân sẽ tập trung đi con đường này và các con đường khác sẽ ít đi hơn.

Như vậy có phải là lãng phí hay không? Bất cứ một sản phẩm gì cũng phải được đầu tư, phải được khai thác hết công suất thì mới mang lại hiệu quả cao được. Nghĩa là bài toán kinh tế phải thuyết phục được dân.

- Xin chân thành cảm ơn TS!




Theo Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn