• Zalo

Xây dựng Thông tư đưa COVID-19 thành bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm

Chính trịThứ Bảy, 07/01/2023 20:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư đưa COVID-19 thành bệnh nghề nghiệp để hưởng bảo hiểm xã hội, giúp giải quyết cả về chuyên môn cũng như chế độ với người bị nhiễm.

Chiều 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã có báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

"Giải quyết hậu COVID-19 là vấn đề thế giới cũng rất quan tâm. COVID-19 xảy ra kéo theo nhiều triệu chứng liên quan, vì vậy thời gian qua, Bộ đã ban hành các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị đối với người bị COVID-19. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng thông tư để đưa COVID-19 trở thành một bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Cụ thể, dự thảo định nghĩa bệnh COVID-19 nghề nghiệp được Bộ Y tế đề xuất là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Yếu tố gây bệnh là có tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 trong môi trường lao động.

Dự thảo cũng nêu rõ các nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc gồm: Người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; Người lao động làm việc phòng thí nghiệm SARS-CoV-2, lấy mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu; Người lao động làm việc, phục vụ trong các bệnh viện điều trị người nhiễm COVID-19, khu cách ly tập trung, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ người nhiễm COVID-19 tại nhà; Người lao động tham gia vận chuyển đường không, đường bộ phục vụ: người nhiễm COVID-19, khu vực cách ly, điều trị, thi hài người mất do COVID-19; Người lao động tham gia khâm liệm, bảo quản, thiêu đốt, mai táng thi hài người mất do COVID-19.

Người lao động tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm: Nhân viên hải quan ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng quân đội; Chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an; Người lao động làm các nghề/ công việc khác tham gia phòng chống dịch COVID-19.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về chẩn đoán và giám định trường hợp bệnh COVID-19 nghề nghiệp.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm, thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát và ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.

Xây dựng Thông tư đưa COVID-19 thành bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm - 1

Bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan.

Liên quan đến việc tổng kết và đưa ra những bài học kinh nghiệm trong trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế phối hợp cùng với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết 3 năm trong công tác phòng, chống dịch để đánh giá những mặt được và những mặt chưa được, làm rõ nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm làm kim chỉ nam cho thời gian tới.

Về đề xuất liên quan đến việc củng cố tinh thần cũng như chế độ đãi ngộ, chế độ tiền lương đối với cán bộ ngành Y tế, Bộ trưởng cho rằng, đây là một nội dung mà ngành y tế rất mong mỏi và mong trong quá trình triển khai thực hiện chế độ cải cách tiền lương mới, luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đại biểu Quốc hội.

"Việc Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thanh toán, giải quyết chế độ nghỉ việc, chế độ thanh toán đối với cán bộ, nhân viên y tế tham gia chống dịch COVID -19 đến hết ngày 31/12/2023 sẽ giúp Bộ có thời gian rà soát, đánh giá một cách chi tiết để thanh toán chế độ một cách chính xác, đúng quy định", bà Lan nói.

Liên quan đến việc đề nghị Chính phủ sớm trình Luật Dược (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, nội dung này đã được Chính phủ chỉ đạo ngành Y tế. Tại phiên họp chuyên đề về pháp luật tháng 9/2022, Bộ Y tế cũng đã báo cáo với Chính phủ liên quan đến Luật Dược (sửa đổi), trong đó có nội dung giải quyết vướng mắc trong vấn đề gia hạn thuốc.

“Chính phủ chỉ đạo tổng thể về phát triển công nghiệp dược để làm sao có Luật Dược (sửa đổi) toàn diện nhất. Hiện Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo với Bộ Tư pháp để đăng ký trình Quốc hội để cố gắng đến thời điểm tháng 12/2024 khi Nghị quyết cho phép gia hạn hết thì Luật Dược (sửa đổi) cũng sẽ được trình”, Bộ trưởng nói.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn