• Zalo

Xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững

Tin nhanh 24hThứ Năm, 04/08/2022 14:45:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bài tham luận của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ trong buổi Tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững - 1

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tham gia chương trình Tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” ngoài các thành viên của Ban tổ chức gồm đại diện Báo điện tử VTC News, Ban Quản lý Dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) còn có đông đảo các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trên mọi miền tổ quốc tham gia trực tiếp và trực tuyến.

Buổi tập huấn có nhiều thông tin bổ ích, thú vị, những kinh nghiệm làm báo về lĩnh vực môi trường được nhiều chuyên gia chia sẻ được học viên rất tâm đắc, đánh giá cao.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tham luận về "Xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững". 

Những năm gần đây, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ, gây ra những tác động, thiệt hại to lớn đối với sự ổn định và phát triển của mọi quốc gia, đe dọa sự sinh tồn của cả nhân loại. Theo đó, tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh tiếp tục được các nước triển khai thông qua phát triển năng lượng sạch, cac-bon thấp và phát triển bao trùm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Khan hiếm, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm và suy thoái môi trường gia tăng, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đã và đang trở thành thách thức lớn cho nhân loại do hệ quả của gia tăng dân số, tốc độ tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế theo triết lý “nâu và tuyến tính” truyền thống.

Đặc biệt, đại dịch COVID – 19 và bất ổn chính trị đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực thách thức đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở phạm vi toàn cầu do hệ quả của giãn cách xã hội, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu, giá cả của hàng hóa và dịch vụ thiết yếu gia tăng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng là cơ hội để loài người nhìn nhận lại và tìm ra giải pháp để giải quyết tốt mối quan hệ giữa con người với hành tinh.

Nhận thức và nhu cầu của doanh nghiệp về sản xuất bền vững và giảm thiếu rác thải nhựa còn hạn chế. Bản thân doanh nghiệp chưa ý thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất bền vững và giảm thiếu rác thải nhựa thì việc triển khai xây dựng trên thực tiễn vẫn là một thách thức. Theo đó, Nhà nước phải tích cực, tiếp tục các chương trình, chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, Nhà nước cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc áp dụng các mô hình sản xuất bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm thiếu rác thải nhựa làm cơ sở cho việc thực thi ở các doanh nghiệp. Để triển khai các mô hình sản xuất bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiếu rác thải nhựa thì việc áp dụng, nâng cấp các công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ xanh, tuần hoàn tiêu thụ ít tài nguyên, giảm phát sinh chất thải là rất cần thiết.

Điều này liên quan mật thiết đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi kinh tế tuần hoàn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào các mô hình sản xuất bền vững và giảm thiếu rác thải nhựa.

Ðể giải quyết thách thức ở trên, các tổ chức quốc tế, quốc gia và các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế biển xanh, kinh tế các – bon thấp. Trong đó, kinh tế tuần hoàn đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn hơn cả để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra.

Như chúng ta đã biết, kinh tế tuần hoàn là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”.

Đây là cách tiếp cận thay thế cho kinh tế tuyến tính, đã được Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức trên thế giới đánh giá là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường, tạo ra cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm nhưng vẫn đạt được mục tiêu sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát sinh chất thải và giảm tác động xấu đến môi trường, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Trên thế giới, thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới; sáng kiến này đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức. Nhiều mô hình tốt, cách làm hay đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và quản lý chất thải đã chứng minh những giá trị và lợi ích kép của việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa gắn với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mang lại những thành tự đáng kể về kinh tế, xã hội, đời sống của người dân từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, phát sinh chất thải, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, lựa chọn được những phương thức phát triển mới để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh mới.

Xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững - 2

Chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn

Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thời qua đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân.

Trước tình hình phát triển mới trên thế giới và của đất nước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt”.

Hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được hoàn thiện. Để góp phần hoạch định những chủ trương, chiến lược cho phát triển đất nước, toàn ngành đã hoàn thành tổng kết, sơ kết 03 nghị quyết quan trọng về tài nguyên và môi trường gồm:

Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 19-NQ/CP về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở kết quả tổng kết, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành đã tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI.

Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa như:

Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Đặc biệt, hiện nay, dự thảo Luật Thuế BVMT đang sửa đổi, bổ sung để tăng mức thuế đối với túi nilon là một trong các đối tượng chịu thuế. Việc đưa ra mức thuế phù hợp sẽ là một trong các giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần hạn chế việc sử dụng túi nilon tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Nhiều Văn kiện của Trung ương, Chiến lược phát triển được ban hành trong thời gian gần đây liên quan đến định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng, miền tiếp tục đưa ra các định hướng về phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với đặc trưng và mục tiêu cụ thể hơn.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra qui định về kinh tế tuần hoàn (tại Điều 142); Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả, như: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu; tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh...

Việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về kinh tế tuần hoàn vào trong hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.

Xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững - 3

Không gian chương trình Tập huấn.

Giải pháp triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

Sản xuất bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu mà cả thế giới và Việt Nam đang hướng đến. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua đã nhấn mạnh đến việc phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Pháp luật môi trường lần đầu tiên đưa ra những công cụ chính sách dựa trên cách tiếp cận dựa vào thị trường để thúc đẩy điều chỉnh hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng theo hướng xanh, thân thiện với môi trường như quy định về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho bảo vệ môi trường (thuế, phí bảo vệ môi trường, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, ký quỹ bảo vệ môi trường, phát triển thị trường các bon, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên, tín dụng xanh, trái phiếu xanh), ngoài ra còn nhiều các công cụ chính sách khác như Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, tính phí rác thải dựa theo khối lượng/thể tích…

Theo đó, trong bối cảnh phát triển hiện nay, để thích ứng cũng như thực thi các quy định của Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải nhận thức rõ, áp dụng các mô hình sản xuất bền vững, giảm thiểu rác thải nhựa, mô hình kinh tế tuần hoàn.

Điều này không những giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường do giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm chi phí xử lý rác thải mà còn tạo ra vị thế, hình ảnh của doanh nghiệp về sản xuất xanh, sản xuất bền vững, giảm rác thải nhựa và bảo vệ môi trường trước công chúng.

Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, Luật BVMT 2022 đã quy định những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với sản phẩm thân thiện môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường gồm công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; công nghệ tiết kiệm năng lượng; dịch vụ xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; dịch vụ quan trắc môi trường xung quanh; dịch vụ vận tải công cộng sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu tái tạo; sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất, cung cấp thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó đã đưa ra quy định chi tiết về các biện pháp đầu tư, chính sách ưu đãi, hỗ trợ và các biện pháp khuyến khích khác để thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Có thể nói, các quy định về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được xây dựng theo hướng mở, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, tổ chức tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, tạo cơ hội cho tất cả mọi người đổi mới sáng tạo áp dụng kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa kinh tế, lợi nhuận với bảo vệ môi trường.

Kinh tế tuần hoàn là chủ đề rộng, được xem xét đánh giá ở nhiều cấp độ khác nhau như vĩ mô (quốc gia, địa phương, đô thị), trung gian (cộng sinh công nghiệp, khu công nghiệp sinh thái), theo ngành, lĩnh vực và theo từng loại hình doanh nghiệp và sản phẩm.

Các học giả trên thế giới đã đúc rút ra nhiều rào cản để thực hiện kinh tế tuần hoàn như rào cản về thể chế, pháp luật, vốn, công nghệ và kỹ thuật, thị trường và cả khía cạnh văn hóa và hành vi tiêu dùng.

Cùng với đó, mỗi quốc gia, mỗi địa phương, ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp sẽ có những đặc trưng khác nhau về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, mức sống, văn hóa nên đòi hỏi sự đổi mới, sáng tạo, chủ động của các cấp, các ngành và từng doanh nghiệp trong việc áp dụng các giải pháp của kinh tế tuần hoàn phù hợp với đặc trưng của địa phương, vùng, miền và của từng doanh nghiệp, sản phẩm.

Chính vì vậy, để thực hiện thành công chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có cách tiếp cận hệ thống, phát huy vai trò của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội và nhà nước đóng vai trò quan trọng, là nhạc trưởng để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo dựng môi trường, kết nối các nguồn lực để phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần hình thành ngày càng nhiều các mô hình quản lý, mô hình kinh doanh tuần hoàn.

Để hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, ngay từ bây giờ, các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân và toàn xã hội có thể chung tay cùng với chính phủ ứng dụng những thành tựu khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng chuyển đổi số vào xây dựng và phát triển kinh tế tuần hoàn để biến những thách thức trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thành cơ hội sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tuy nhiên, để đưa kinh tế tuần hoàn từ lý luận, định hướng chính sách, quy định pháp luật vào thực tiễn đời sống đỏi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm để thể chế hóa vào trong các qui định pháp luật. Đặc biệt, kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, các Bộ, ngành và địa phương phải tiếp tục nỗ lực, chủ động tích cực, chuyển biến trong tư duy, hành động của tất cả các bên, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế theo hướng thực chất, hiệu quả để thực hiện một số nội dung sau:

Một là, cần phải tổ chức hướng dẫn, theo dõi, sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030, tầm nhìn 2045; Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển ở các cấp, các ngành;

Hai là, Xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước 31 tháng 12 năm 2023; Hướng dẫn, tổ chức đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn cấp tỉnh, các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế xây dựng và vận hành diễn đàn đối thoại quốc gia về kinh tế tuần hoàn.

Ba là, các Bộ ngành liên quan nghiên cứu, lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; xây dựng, đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Bốn là, huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất, kinh doanh để đóng góp vào tiến trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn của đất nước.

Năm là, các tỉnh lồng ghép tiêu chí, chỉ tiêu, giải pháp áp dụng kinh tế tuần hoàn vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực thi các chính sách, quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, đổi mới về tư duy (trước hết là tư duy về chất thải, cần xem chất thải là tài nguyên) để thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp của kinh tế tuần hoàn được hướng dẫn trong pháp luật bảo vệ môi trường để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.

Chương trình Tập huấn "Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương" được sự ủng hộ và tham gia của nhiều tổ chức quốc tế lớn, các Bộ, ngành và địa phương, các nhà khoa học và đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, khối tư nhân sẽ là cơ hội để chúng ta chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, thực tiễn về lộ trình, cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn và hình thành ra mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với kiến thức, cơ chế, chính sách để thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, góp phần vào truyền thông thay đổi hành vi về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương theo hướng thực chất, hiệu quả.

Mời quý độc giả theo dõi toàn bộ nội dung buổi tập huấn tại đây.

Thảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn