• Zalo

Xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành kinh doanh đa cấp tại Việt Nam

Thị trườngThứ Sáu, 16/04/2021 06:47:02 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngành bán hàng đa cấp ở Việt Nam đang từng bước ổn định, doanh thu tăng đều và các doanh nghiệp có những đóng góp nhất định vào ngân sách và cộng đồng.

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam ngày càng đi vào nề nếp, đúng bản chất và đạt nhiều kết quả tích cực. Không chỉ tăng trưởng mạnh về doanh thu, ngành bán hàng đa cấp còn gia tăng mức đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước với tốc độ tăng bình quân gần 30%.

Mức hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác do các doanh nghiệp chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 cũng tăng mạnh. Theo tính toán, tỷ lệ hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế trong giai đoạn này chiếm trung bình khoảng 34% tổng doanh thu bán hàng đa cấp của toàn thị trường.

Đi vào chiều sâu và chất lượng

Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, cho hay đến hết 2020 cả nước có 22 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh đa cấp, giảm mạnh so với con số 67 doanh nghiệp vào thời điểm cuối 2015. Như vậy, trung bình mỗi năm trong giai đoạn này, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm khoảng 23,7%.

Xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành kinh doanh đa cấp tại Việt Nam - 1

MLMA vừa tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ III (2020-2025) với chủ đề "Phát triển – Hội nhập – Tuân thủ". (Ảnh: MLMA)

Ngược lại với xu hướng giảm mạnh về số lượng doanh nghiệp, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên toàn thị trường tính đến hết tháng 6/2020 đạt khoảng 6.776 tỷ đồng, bằng 54% doanh thu của 2019, tăng 17% so với tổng doanh thu cùng kỳ của ngành năm 2019. Việt Nam hiện vào top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về doanh thu bán hàng đa cấp mạnh mẽ nhất thế giới.

“Điều này khẳng định tính hiệu quả và hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng đi vào thực chất, đúng với đúng bản chất kinh doanh tốt đẹp của nó. Đồng thời cho thấy “sân chơi” cho hoạt động kinh doanh đa cấp đã vào nề nếp, lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng được bảo vệ minh bạch hơn”, bà Nhi nói.

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam gần đây cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Thị trường không còn ghi nhận các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, doanh thu ngành tăng đều và các doanh nghiệp có những đóng góp nhất định vào ngân sách.

Tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp và biến động số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên thị trường đã phần nào phản ánh được sự phát triển dần đi vào chiều sâu và chất lượng của lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.

“Việc quy định ngày càng chặt chẽ vừa giúp cơ quan nhà nước loại bỏ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính nhưng cũng đồng thời giúp củng cố vị trí của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính trên thị trường, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành kinh doanh bán hàng đa cấp tại Việt Nam”, đại diện Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho hay.

Không khó nhận diện đa cấp biến tướng

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp về bản chất không xấu. Tương tự các hình thức bán hàng khác, bán hàng đa cấp tìm cách đưa hàng hóa từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

"Về cơ bản bán hàng đa cấp là một trong những phương thức bán lẻ hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Trong đó, một phần thu nhập từ việc bán hàng được chi trả cho việc tiếp thị trực tiếp đến khách hàng", ông Long nói.

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả cho hay thực tế cho thấy có nhiều người tham gia bán hàng đa cấp và thành công, có thu nhập cao công. Tuy vậy cũng có người mất trắng do bị cuốn vào các hình thức kinh doanh lừa đảo. Nguyên nhân chủ yếu là người tham gia thiếu hiểu biết, không phân biệt được đâu là bán hàng đa cấp và đâu là hình thức biến tướng.

"Do đó muốn tránh “tiền mất tật mang” thì người tham gia cần lựa chọn doanh nghiệp đáng tin cậy, bán hàng một cách thực chất. Tức là hoạt động cơ bản của doanh nghiệp đó phải là hoạt động bán hàng, tiêu thụ hàng hóa chứ không phải các hoạt động tuyển dụng, thu hút đầu tư...”, ông Long nói.

Vẫn theo ông Long, có nhiều dấu hiệu để nhận diện kinh doanh đa cấp bất chính, người tham gia tìm hiểu kỹ, kiểm chứng thông tin sẽ dễ dàng nhận ra. Cụ thể, doanh nghiệp đa cấp biến tướng thường yêu cầu phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia vào hệ thống.

Cùng đó, những doanh nghiệp hoạt động bất chính thường cho người tham gia nhận hoa hồng khi tuyển thêm được người mới; vẽ viễn cảnh quá tươi sáng về cơ hội làm giàu, về công dụng sản phẩm quảng cáo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa không có giá trị, chất lượng; không có giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp do Bộ Công Thương cấp...

Nâng tầm sản phẩm, doanh nghiệp thương hiệu Việt

Theo bà Trương Thị Nhi, đại hội nhiệm kỳ III (2020-2025) của Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam (MLMA) vừa tổ chức thành công vào cuối năm 2020, đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng nhằm thúc đẩy ngành kinh doanh đa cấp tại Việt Nam.

Cụ thể, MLMA sẽ là cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động quảng bá các sản phẩm, doanh nghiệp thương hiệu Việt, thông qua kênh bán hàng đa cấp để đến với các nước trên thế giới. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhất là khi chính phủ có nhiều cơ chế trong hội nhập thương mại, nhằm giúp vị thế của Việt Nam ngày càng nâng tầm trên trường quốc tế.

Ngoài ra, hiệp hội cũng sẽ đóng vai trò tích cực trong hoạt động phổ biến, tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động đa cấp. Phối hợp với cơ quan chủ quản (Bộ Công Thương) đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức, chất lượng sản phẩm và các phương thức phân phối. Đảm bảo mục tiêu người tiêu dùng hiểu biết nhất, thông thái nhất về chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và tạo công ăn việc làm cho chính những người đã sử dụng.

Đồng thời tạo nên sự nhận thức rõ rệt hơn về thói quen lan tỏa, kết nối yêu thương, chia sẻ những yếu tố tích cực cho cộng đồng, thấy rõ được vai trò của quản lý nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp và người sử dụng trong hoạt động kinh doanh đã cấp hiệu quả và nhân văn này.

Bên cạnh đó, MLMA sẽ tăng cường vai trò giám sát, kịp thời phản ánh với cơ quan chủ quản để chấn chỉnh, xử lý những tồn tại bất cập trong cơ chế chính sách, các hành vi vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh của các cơ quan, doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp, những phản ánh lệch lạc của mạng xã hội…

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn