Đề xuất phương án mới
Sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai với nội dung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Mở đầu phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đọc báo cáo trình bày về các phương án mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, vấn đề xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương và việc thiết kế các chính sách liên quan tới đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) là hai vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là những nội dung trọng tâm, xuyên suốt của dự thảo luật.
Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu.
Phương án 1: không tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đặc khu. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.
Phương án 2: tổ chức chính quyền địa phương đặc khu gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
Tại kỳ họp thứ tư, đa số ý kiến đại biểu phát biểu tán thành với phương án 1, một số ý kiến tán thành với phương án 2, một số ý kiến khác đề nghị xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án do Chính phủ trình, gọi là phương án 3.
Phải đảm bảo quốc phòng, an ninh và kiểm soát quyền lực
Tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự án luật cần phải làm rõ vấn đề kiểm soát quyền lực cũng như trách nhiệm của người đứng đầu đặc khu.
“Vấn đề chủ yếu mà chúng ta quan tâm ở đây là phải làm sao đó kiểm soát được quyền lực mà thôi. Thực tế hiện nay, sự giám sát của Hội đồng Nhân dân (HĐND) cũng còn có những hạn chế. Cá nhân tôi thì chỉ lo sợ sự lạm quyền. Nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến thành lập thêm Hội đồng đặc khu cũng cần cân nhắc”, ông Khanh nói.
Về thời gian cho thuê đất dự án, ông Thanh cho rằng thời gian 99 năm vẫn có thể chấp nhận được, song phải đảm bảo chủ quyền quốc gia. “Đồng ý cho thuê đất 99 năm và cho thế chấp đất nhưng phải chặt chẽ, chứ chỉ cần mấy ha đất mà mất chủ quyền nằm trong khu này thì rất nhức nhối”, ông Thanh lưu ý.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng vấn đề kiểm soát quyền lực cũng cần được xem xét. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng cần chú ý đến quy trình xử lý trưởng đặc khu nếu để xảy ra sai phạm.
“Xử lý trưởng đặc khu theo quy trình nào nếu anh ta vi phạm? Tôi đề nghị phải có quy trình, phải nêu rõ, chứ nếu đến lúc anh ta sai phạm mà không có quy trình thì xử lý lại khó”, ông Bình nêu ý kiến.
Ngoài ra, theo ông Bình, cũng nên có cơ chế an ninh, quốc phòng riêng cho đặc khu: “Quy định của dự án luật cũng phải đưa an ninh, quốc phòng vào. Trưởng đặc khu cũng cần có công an, quân đội bảo vệ riêng và trưởng đặc khu phải có trình độ, chức vụ từ cấp Phó bí thư tỉnh, thành trở lên.
Khi là đặc khu thì phải nghĩ đến yếu tố con người, vì con người là rất quan trọng. Trưởng đặc khu là người có nhiều quyền lực, vì vậy họ có thể đổi mới, có thể làm khác, nhưng họ cũng cần phải có sự kiểm soát. Nhưng mà kiểm soát chặt quá cũng không được. Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về vấn đề đặc khu này”, ông Bình diễn giải.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng dự án luật dành cho đặc khu cần phải tuân thủ theo đúng Hiến pháp vì Hiến pháp thì sẽ “không có độ mở” và ông đồng tình với phương án 3: “Đã nói đến Hiến pháp là nói đến nguyên tắc, không có chuyện mở. Tôi đồng tình với phương án 3, tạo điều kiện để ta có bộ máy tinh gọn mà hiệu quả cao”.
Ông Hiển nhấn mạnh: “Dự án luật đặc khu phải làm rõ, thứ nhất phải thể hiện được là 3 đặc khu mà chúng ta đang xây dựng này phải là động lực để phát triển đất nước. Thứ hai là phải tạo được nguồn thu cho ngân sách. Thứ ba là chúng ta có điều kiện để có thí điểm mô hình sao cho quản lý hiệu quả, hợp lý nhất và có thể áp dụng một số thành tựu khoa học vào quản lý. Thứ tư là phải giữ được quốc phòng và an ninh, phải làm sao đó vững được chủ quyền quốc gia. Không để cho các thế lực thù địch lợi dụng điều này rồi họ thông qua về kinh tế để chống phá...”.
'Làm đừng sợ'
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho rằng xây dựng đặc khu kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước nên phải quyết tâm thực hiện để thành công. Nên dự án Luật cần phải có độ ‘mở’ để phù hợp với xu thế chung của thế giới trên tinh thần ‘sợ thì đừng làm, làm thì đừng sợ’.
“Đã làm thì đừng sợ, đã sợ thì đừng làm, còn đã làm là phải có quyết tâm. Với tư cách là một người lính, tôi xin nêu ý kiến như vậy. Chúng ta đã có chính sách đặc biệt rồi, có cơ chế đặc biệt rồi thì chúng ta phải làm”, Thượng tướng Võ Trọng Việt nói.
Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu ý kiến: “Ở đây có 2 vấn đề lớn mà Đảng và Nhà nước quan tâm là trách nhiệm người đứng đầu và kiểm soát quyền lực ở đặc khu kinh tế sẽ như thế nào. Theo tôi phương án 1 là thể hiện được đầy đủ nhất tinh thần của luật này, vì phải hiểu chính sách đặc khu là nhằm để kích cầu.
Thời gian thuê đất dự án 70 năm hay 99 năm thì thực tế trên thế giới đã làm nhiều rồi, nên mình cũng phải linh hoạt, không nên cứng nhắc quá. Phải chấp nhận có cái được, cái mất, nhưng về tổng thể là phải được nhiều mất ít”.
Đồng quan điểm với Thượng tướng Võ Trọng Việt, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, xây dựng đặc khu hành chính kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, ngoài ra đây là thí điểm về mô hình nên ta cần phải quyết tâm thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến: “Chúng ta phải tiếp cận theo cách mở. Phải xem nhà đầu tư cần gì, chứ không thể cho những cái nhà đầu tư không cần. Chúng ta hay lấy mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc ra để so sánh, nhưng Trung Quốc cũng đang liên tục tạo ra những cơ chế mới, mô hình, thiết chế mới.
Khu Thâm Quyến của họ đã tự do rồi, nhưng Tiền Hải còn tự do hơn. Mô hình đặc khu của Thâm Quyến là áp dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước, chúng ta không nên tiếp cận mô hình đó, mà phải tiếp cận mô hình mới hơn. Ngoài ra, mô hình của đặc khu hiện cũng đã áp dụng ở nhiều nước như Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc...”.
“Vấn đề chúng ta quan ngại ở đây là giám sát quyền lực. Bên cạnh trưởng đặc khu vẫn có cơ quan giám sát, phản biện, vẫn có sự giám sát của HĐND cấp tỉnh. HĐND cấp tỉnh có thể lập ban chuyên trách để giám sát. Phương án 3 tích cực hơn phương án 2 nhưng mà về bản chất vẫn là phương án 2. Tôi đồng ý với phương án 1”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến, xây dựng đặc khu là chủ trương lớn nên cần phải thực hiện, song phải trên nguyên tắc tập trung dân chủ và mô hình gọn nhẹ, hiệu quả.
“Tôi đồng ý với đồng chí nào nói là Hiến pháp không nên có độ mở. Lập thêm các ban bệ, hội đồng, rồi ban giúp việc hội đồng, có rườm rà không? Trách nhiệm của trưởng đặc khu dàn trải, tạo tâm lý băn khoăn cho nhiều người, phải xem xét như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Video: Phú Quốc sẵn sàng trở thành một đặc khu kinh tế
Bình luận