Sau hơn một tháng phát động, sáng 20/7, quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan tổ chức lễ công bố và trao giải cuộc thi thiết kế cột mốc Km0. Đại diện ban tổ chức, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông cho hay, cuộc thi nhận được 105 phương án dự thi được gửi về từ khắp cả nước với nhiều lứa tuổi.
Các phương án cho thấy sự phong phú và độc đáo về giải pháp và ý tưởng. Hội đồng chấm thi đã thảo luận, thống nhất đưa ra tiêu chí chọn những bài thi có ý tưởng độc đáo nhưng khả thi, mang tính bền vững với thời gian, thân thiện với con người và hòa nhập với cảnh quan.
Nhóm giảng viên trẻ Đại học Kiến trúc Hà Nội giành giải nhất cuộc thi với phương án dự thi mang tên Cổng ánh sáng. Đây là phương án được Hội đồng đánh giá có ý tưởng độc đáo, sáng tạo, đơn giản, khả thi, sử dụng vật liệu bền vững và không làm ảnh hưởng đến không gian của tượng đài Lý Thái Tổ.
Ngoài ra, phương án sử dụng công nghệ chiếu sáng với các kịch bản chiếu sáng cho ngày, đêm và các ngày lễ lớn cũng làm tăng thêm điểm nhấn cho Km0.
Đại diện nhóm tác giả đạt giải nhất cho biết, chọn vị trí xây dựng cột mốc Km0 ở sân trước tượng đài Lý Thái Tổ vì hàm chứa nhiều câu chuyện lịch sử, có sức nặng về chiều sâu văn hóa. Các công trình kiến trúc xung quanh và cây cối cảnh quan hiện hữu đã xác lập một khoảng không gian ổn định và còn trọn vẹn hơn với hướng nhìn ra Hồ Gươm rộng mở, thoáng đãng.
Lấy triết lý trời tròn, đất vuông của người Việt, nhóm thiết kế cột mốc là một tấm đồng hình vuông được đúc nguyên khối dầy 60 mm có kích thước 2020 x 2020 mm. Tâm điểm là hình vuông 440 x 440 mm tượng trưng cho thủ đô Hà Nội, từ đây tỏa đi các đường gờ rãnh bao quanh như những con đường thiên lý trên nền hình vuông trung tâm. Có 31 gờ nổi và 31 rãnh chìm tương ứng 62 tỉnh thành, kết hợp với hình vuông trung tâm sẽ thành mô hình : 62 + 1 = 63 tỉnh, thành cả nước.
Nhóm thiết kế mong muốn công trình cột mốc km0 ngoài nhiệm vụ chỉ dấu mốc địa lý, sẽ là một tác phẩm nghệ thuật công cộng có tính tương tác cao với các hoạt động, sự kiện của quần chúng thủ đô; sử dụng ngôn ngữ ánh sáng, tạo tuyến nhìn thẳng Tháp Rùa qua khuôn cửa ánh sáng, là tấm bình phong ở thềm ngoài sân tượng đài vua Lý Thái Tổ; cổng ước lệ không gian kết nối truyền thống, hiện tại và tương lai thông qua công nghệ hiện đại.
Giải nhì được trao cho một sinh viên đến từ Đà Nẵng với biểu tượng cột mốc Km0 nổi, vị trí thiết kế ở khu vực đồng hồ hoa hiện nay. Bài thi đạt giải ba của một kiến trúc sư trẻ được Hội đồng đánh giá độc đáo đầy tính lãng mạn nhưng lại làm ảnh hưởng đến mặt Hồ Gươm. Ban tổ chức cũng trao hai giải khuyến khích cho các phương án được đánh giá cao về tính sáng tạo và sự độc đáo.
Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, quận đang cải tạo hạ tầng khu vực Hồ Gươm, sắp tới sẽ cải tạo hè mặt trước khu vực tượng đài Lý Thái Tổ để tăng tính kết nối với không gian hồ. Trên cơ sở kết quả cuộc thi và quyết định của thành phố, quận sẽ chuẩn bị để có thể thi công từ tháng 10. Công trình cột mốc Km0 dự kiến hoàn thành sau 2 tháng.
Ý tưởng xây dựng cột mốc Km0 ở khu vực hồ Gươm được bàn luận nhiều năm qua nhưng chưa thành hiện thực.
Trong đề án tổng thể chỉnh trang, cải tạo khu vực hồ Gươm, thành phố Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân và phát động cuộc thi thiết kế Km0. Lúc đầu ban tổ chức chỉ định ba vị trí thiết kế cột mốc (khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay, là vị trí đồng hồ hoa Thụy Sỹ hiện nay; phía bên bờ hồ Hoàn Kiếm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ). Nhưng trước nhiều ý kiến trái chiều, Ban tổ chức đưa ra thêm phương án người dự thi có thể đề xuất một vị trí bất kỳ ở khu vực hồ Gươm.
Bình luận