• Zalo

Xát lá thị, ớt lên ghế: Thầy giáo phải bỏ tiết dạy

Giáo dụcThứ Bảy, 17/11/2012 07:25:00 +07:00Google News

“Ngày trước còn là học sinh phổ thông chúng tôi nghịch lắm, đủ mọi trò. Tôi nhớ có lần đã lấy lá thị, lá khế và ớt giã nhỏ rồi xát lên ghế cho thầy giáo ngồi"

“Tôi nhớ có lần đã lấy lá thị, lá khế và ớt giã nhỏ rồi xát lên ghế cho thầy giáo ngồi vào sẽ bị "xì hơi", bbỏng. Nghĩ lại giờ vẫn thấy ân hận ngày xưa nghịch dại”, Lê Anh Tuấn, Phó phòng truyền thông Công ty TNHH Star Việt Nam.

Lời tòa soạn: Câu chuyện tình thầy trò không chỉ có những bó hoa, lời chúc mừng, những khẩu hiệu biết ơn... Đâu đó, lại có những hiểu lầm, tức giận, những hành động bồng bột mà có khi phải trả giá bằng tù tội và cái chết. Nhưng sau cùng vẫn là những câu chuyện nhân văn về sự ăn năn, tha thứ và trở về với yêu thương...

Anh Lê Anh Tuấn: "Ngày trước đi học tôi nghịch ghê lắm" 
Anh Lê Anh Tuấn kể lại: “Tôi là “dân” khối A, nên các môn thuộc nhóm xã hội tôi học khá kém. Nói chung là không thích học. Chính vì thế mà điểm kiểm tra và tổng kết các môn này tôi rất thấp. Có môn như môn Văn tôi còn phải thi lại mới qua.

Trong số các môn học tôi “ghét” nhất là môn lịch sử. Thực ra không phải là tôi không thích sử mà vì học trước quên sau, tôi không thể nào nhớ hết được nội dung của bài học vì nó quá dài, quá nhiều sự kiện lẫn các số liệu”.


“Dạy môn lịch sử lớp tôi năm năm cấp ba là một thầy giáo tuổi trung niên. Thầy khá khó tính và nghiêm. Đặc biệt là rất hay “soi” những học sinh mất trật tự, ngủ gật hoặc học kém môn sử ở trong lớp. Tôi thuộc loại thứ ba, học kém sử. Tất nhiên là tôi rơi vào “tầm ngắm” của thầy.

Mỗi tuần môn lịch sử chỉ học có 2 tiết vào hôm thứ Ba và thứ Sáu thì hôm nào tôi cùng với một số “đối tượng” nữa trong lớp cũng bị thầy gọi lên bục giảng để kiểm tra bài cũ 15 phút đầu giờ.


Những lần tôi bị thầy gọi lên kiểm tra bài cũ có lần thuộc bài, nhưng hầu như là không thuộc. Thầy lại bắt ra đứng ở góc lớp 15 phút rồi mới cho về chỗ ngồi. Lúc đó tôi đã 16 tuổi nên xấu hổ lắm, nhất là bị đám con gái trong lớp nhìn tôi cười và đưa tay chỉ trỏ trêu chọc.

Từ đó tôi đâm ra có “ác cảm” với môn sử, ghét những tiết học môn sử và dĩ nhiên cũng… ghét luôn cả thầy giáo. Không những thế, tôi còn nghĩ cách làm thế nào để “chơi xỏ” thầy cho… bõ tức”, anh Tuấn kể.


Theo lời anh Tuấn kể, sau nhiều ngày “ủ mưu, tính kế”, cuối cùng anh cũng đã tìm ra được một cách để “trả đòn” thầy.
Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba... học trò. 
“Tôi nhớ có lần nghe một thầy lang trong làng bảo chỉ cần lấy lá thị, lá khế đem hơ trên lửa cho nóng rồi chườm lên bụng hoặc lót xuống ngồi là có thể "xì hơi" liên tục, tôi bèn lấy lá khế, lá thị đem giã nhuyễn rồi bọc vào trong túi vải.

Để tăng tính công hiệu, lúc giã tôi còn bỏ thêm vào đó hơn chục quả ớt chỉ thiên để đảm bảo “thành công”. Sáng hôm sau đi học, tôi đem theo “gói thuốc đặc biệt” này đến lớp. Lúc sắp đến tiết học môn lịch sử, tôi bèn lấy gói vải ra rồi xát hết lên ghế thầy giáo ngồi”, anh Tuấn kể.

Lá khế + lá thị + ớt chỉ thiên = "thuốc đặc biệt". Đây là cách mà nhiều học trò ở các trường học vùng nông thôn vẫn sử dụng để "trêu" các thầy cô giáo. 
Cũng theo anh Tuấn, cách này giáo viên rất khó phát hiện vì bao giờ trước khi giáo viên vào lớp học sinh cũng đều lấy khăn ướt lau sạch bàn ghế cho các thầy cô ngồi.

“Mọi khi cứ vào lớp là thầy giáo dạy sử ngồi nguyên một chỗ để giở “sổ đầu bài” và bắt đầu lần lượt gọi tên học sinh lên bảng kiểm tra bài cũ. Hôm ấy cũng vậy, thầy bắt đầu ngồi xuống và gọi tên. Nhưng khác với mọi hôm, lần này chỉ vừa gọi được một học sinh lên lớp kiểm tra thì thầy đã gấp sổ lại, không gọi nữa và đi ra ngoài. Khoảng 2 phút sau mới trở vào và bảo lớp lấy sách ra học bài mới.

Nhưng hơn hai mươi phút đầu thầy giáo cứ nhấp nhổm không yên, hết chạy ra rồi lại vào, làm cả lớp ngạc nhiên lắm. Thầy đang viết bảng cứ nhăn mặt lại rồi chạy ra hành lang là tôi biết “thuốc” đã có tác dụng. Hôm đó, thầy không dạy được hết tiết, phải cho chúng tôi nghỉ sớm và hứa sẽ dạy bù vào giờ sau.

Hôm ấy tôi được một phen cười vỡ bụng, cảm thấy rất khoái trá vì đã xả được cơn bực bội bấy lâu. Về sau, cả lớp biết chuyện tôi làm thầy "xì hơi", bỏng "chỗ ấy", đứa nào cũng cười và bảo tôi “nghịch ác” với thầy”, anh Tuấn nhớ lại.
Nhiều câu chuyện về cách ứng xử thầy và trò trong quá trình dạy và học khiến nhiều người không thể nhịn được cười. 
Nhưng có một điều khiến anh Tuấn đến tận bây giờ vẫn cảm thấy có lỗi với thầy và thay vì khó chịu lại kính trọng thầy giáo dạy môn lịch sử hơn, đó là hôm sau đến lớp, thầy giáo không gọi anh lên bảng kiểm tra bài cũ nữa.

 Anh nhớ lại: “Giờ ra chơi, thầy bất ngờ gọi riêng tôi ra hành lang và khẽ bảo: “Thầy biết tất cả những việc em làm, nhưng thầy không trách phạt em vì học trò thì ai cũng nghịch cả, thầy trước kia cũng vậy. Thầy thường xuyên kiểm tra bài cũ của em là vì thầy muốn em cố gắng, học đều, học tốt các môn, không bị lệch môn nào cả.

Em hãy học đi, em sẽ thấy môn lịch sử rất thú vị, nhất là lịch sử dân tộc mình…”. Tôi lúc đó chỉ còn biết đứng như trời trồng, vừa sợ vừa ngượng, muốn nói xin lỗi thầy nhưng không thể nói được.


Nhưng cũng từ đó, tôi bắt đầu chú ý vào việc học môn lịch sử hơn, và tôi cũng bắt đầu cảm nhận về thầy giáo hoàn toàn khác. Cuối năm học, điểm tổng kết môn lịch sử của tôi đứng thứ hai của lớp, tôi không hề ngạc nhiên vì tôi đã cố gắng rất nhiều.

Sự cố gắng của tôi đã được đền đáp. Điều đặc biệt là thầy giáo dạy môn Lịch sử đã không hề trách phạt mà bỏ qua tất cả những lỗi lầm cho tôi, thầy là người giàu lòng vị tha với học trò.


Giờ đây, mỗi khi về quê có dịp là tôi đều ghé qua thăm thầy. Thầy đã về hưu và giờ chỉ ở nhà chăm sóc cho các cây cảnh. Có lần ngồi uống nước, kể lại chuyện cũ, hai thầy trò lại cười với nhau.

Lúc nghe tôi kể về công thức làm loại “thuốc đặc biệt” ngày xưa đem xát vào ghế thầy, thầy bảo: “Kể ra anh cũng rất thông minh đấy, nếu anh theo học nghề thầy thuốc biết đâu lại cũng sẽ thành công”, nói xong thầy nhìn tôi cười”.

Theo Kiến Thức

Bình luận
vtcnews.vn