Theo Ringgit Plus, giá xăng Malaysia từ 26/5 đến 1/6 là 2,05 ringgit/lít (10.832 đồng) với RON95, 4,7 ringgit/lít (21.506 đồng) với RON97, 2,15 ringgit/lít (11.361 đồng) với diesel, dự tính duy trì không đổi trong tuần tới.
Theo The Star, Bộ Tài chính Malaysia hôm 1/6 cho biết giá xăng RON95 và diesel của nước này vẫn được neo ở mức giá cố định thấp dù giá thị trường tăng. Các mức giá được xác định dựa trên giá bán lẻ hàng tuần, tuân thủ công thức Cơ chế định giá tự động (APM) của nước này. "Chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi xu hướng của giá dầu thô toàn cầu và thực hiện các biện pháp thích hợp để đảm bảo tiếp tục duy trì phúc lợi và phúc lợi của người dân", bộ cho biết.
Tại sao giá xăng Malaysia rẻ?
Theo các nhà phân tích của nền tảng thương mại điện tử Picodi nói trên The Malaysian Reserve, Malaysia là một trong những nước có giá xăng rẻ nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chủ tịch hiệp hội phân phối xăng dầu Malaysia, ông Datuk Khairul Annuar Abdul Aziz tin rằng giá xăng rẻ ở Malaysia là nhờ ít bị đánh thuế.
Là một nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn, nước này cũng có chương trình trợ cấp giá xăng dầu khá "hào phóng", theo Carsome.
Bộ Tài chính Malaysia hồi tháng 3 nhận định nước này có thể chi đến hơn 28 tỷ ringgit (9,08 tỷ USD) trợ giá xăng trong năm nay, nếu giá dầu thô tiếp tục ở mức cao sau khủng hoảng Ukraine. Bộ này cho biết đã chi khoảng 2 tỷ ringgit trợ giá xăng dầu và khí hóa lỏng trong tháng 1/2022 – cao gấp 10 lần cùng kì năm ngoái. Malaysia đã chi khoảng 11 tỷ ringgit trợ giá xăng dầu trong năm 2021.
Chính phủ Malaysia cũng đang rà soát lại cơ chế trợ giá để đảm bảo những nhóm cộng đồng yếu thế nhất được hưởng lợi, khi giá của nhiều mặt hàng được hỗ trợ khác như dầu nấu ăn cũng tăng cao. “Chính phủ không thể vay tiền cho các chi phí như trợ cấp, nên việc tăng trợ cấp cần được bù lại bằng các khoản thu bổ sung và tiết kiệm chi phí khác”, Bộ trưởng Tài chính Tengku Zafrul Aziz nói với Reuters hồi tháng 3.
Ở Malaysia, xăng RON95 và dầu diesel được trợ giá còn RON97 thì không. Giá xăng dầu tại vòi được tính theo APM, một hệ thống mà về lý thuyết có thể thay đổi theo tuần với sự thay đổi của giá dầu thô ngoài thị trường.
Cơ chế APM
Theo Carsome, cơ chế định giá tự động (APM) là một công thức được sử dụng để tính giá nhiên liệu ở Malaysia, với chức năng ổn định giá xăng và dầu diesel ở một mức độ nhất định thông qua thuế và trợ cấp, vì vậy giá bán lẻ chỉ phải thay đổi nếu chênh lệch giá vượt quá ngưỡng thuế và trợ cấp, theo quyết định của chính phủ.
Công thức APM được tính: Giá xăng mỗi lít = giá MOPS + chi phí vận hành + biên lợi nhuận cho các công ty dầu + biên lợi nhuận của các đại lý xăng dầu + Alpha. Trong đó MOPS là chỉ số được một công ty Singapore cung cấp, với những tính toán được xem là chuẩn mực tốt hơn cho giá nhiên liệu thế giới so với giá dầu thô. Alpha là chênh lệch giữa giá MOPS và giá thực tế được giao dịch giữa các công ty dầu và nhà máy lọc dầu.
Tiếp theo sẽ tính đến thuế bán hàng và trợ cấp của chính phủ. Theo Đạo luật thuế bán hàng năm 1972, chính phủ Malaysia có thể thu thuế bán hàng tối đa là 58,62%/ lít đối với xăng và 19,64%/ lít đối với dầu diesel. Điều này diễn ra khi giá xăng, dầu diesel thực tế tại các trạm thấp hơn giá bán lẻ cố định. Sau đó, chính phủ có thể thu lợi nhuận hoặc điều chỉnh giá nhiên liệu thấp hơn cho người dân.
Nếu giá bán lẻ nhiên liệu cố định thấp hơn giá xăng và dầu diesel thực tế tại các trạm bơm, chính phủ có thể trả trợ cấp.
Xung quanh cơ chế APM cũng có những ý kiến về việc chương trình không nhắm cụ thể đến đối tượng nào, và có thể gây tốn kém cho Malaysia khi giá nhiên liệu tăng cao.
Chính phủ Malaysia hồi tháng 4 đã nhận được những khiếu nại về việc các phương tiện đăng ký nước ngoài lại đổ xăng trợ giá RON95. Malaysia đã áp dụng lệnh cấm bán xăng RON95 cho các phương tiện đăng ký nước ngoài kể từ ngày 1/8/2010, để đảm bảo rằng trợ cấp xăng chỉ được cấp cho người Malaysia.
Bình luận